Báo Nga nghi Abe giở "trò lừa bịp" khi hội đàm với Putin

Ngọc Minh |

Sau hàng loạt các bình luận tích cực về cuộc gặp cấp cao Putin-Abe ở Sochi diễn ra cuối tuần trước, truyền thông Nga bắt đầu 'trở mặt" với Nhật Bản.

"Cú đột phá hay trò lừa bịp?"

Sau khi cuộc hội đàm kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ giữa 2 nhà lãnh đạo kết thúc, giới chức Nhật Bản đã thông báo về "cách tiếp cận mới", do ông Abe đề xuất, nhằm giải quyết các tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc, song không giải thích gì thêm.

Cụm từ "cách tiếp cận mới" nhanh chóng trở thành vấn đề được báo chí và giới chuyên gia quan tâm. Người ta đặt câu hỏi, điều đó có nghĩa là gì?.

Theo báo Nga Vzglyad, thái độ mềm mỏng hơn với Moscow, dù không hủy bỏ các biện pháp trừng phạt, là cách Tokyo thuyết phục đối tác rằng, sự đồng lòng của họ với phương Tây chẳng ảnh hưởng gì tới quan hệ hợp tác giữa các quốc gia G-7 với các quốc gia khác.

Báo này chỉ ra, "cách tiếp cận mới" mà Nhật Bản đề cập tới, hoàn toàn không phải là một kế hoạch đầy gian xảo nhằm chia chác các đảo", mà là tách biệt việc hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-chính trị với các tranh chấp chủ quyền giữa 2 bên.

"Kế hoạch hợp tác kinh tế 8 điểm của Abe với Nga sẽ được tiến hành song song và độc lập với các cuộc đàm phán hòa bình - đó là "mánh khóe" chính của Nhật".

Nói cách khác, theo tờ này, sau khi không thành công trong việc "mua" lãnh thổ của Moscow, Tokyo đã quyết định "đi đường vòng" và trở thành một đối tác quan trọng của Moscow.

Hãng tin Nga Sputnik, trong một bài viết dẫn lại quan điểm trên của tờ Vzglyad, đã nêu ra nghi vấn: "Cách tiếp cận mới của Nhật với Kuril: Cú đột phá hay trò lừa bịp?".

Báo Nga nghi Abe giở trò lừa bịp khi hội đàm với Putin - Ảnh 1.

Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc hội đàm với Tổng thống Putin

Hãng tin này dẫn lời nhà phân tích Viktor Pavlyatenko từ Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông cho rằng, Nhật Bản sẽ không bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình.

"Tôi không nghĩ rằng, trong vấn đề này có thể xuất hiện bất kỳ giải pháp mang tính đột phá".

Ông Pavlyatenko đưa ra 2 giả thuyết về "cách tiếp cận mới" của Nhật Bản.

Một là, Abe đã giới thiệu với Putin một công thức truyền thống của Nhật Bản - "hiệp ước hòa bình + bốn hòn đảo" - đổi lấy gói sáng kiến ​​ hợp tác kinh tế hai bên cùng có lợi. Như vậy, Nhật Bản sẽ đơn phương xóa bỏ lệnh cấm vận, còn Nga thì phải "đáp lễ".

Đề xuất tương tự đã được thảo luận vào năm 1997 tại Krasnoyarsk giữa Tổng thống Nga Boris Yeltsin và Thủ tướng Nhật Bản Ryutaro Hashimoto.

Hai là, Nga chuyển giao cho Nhật Bản hai đảo Shikotan và Habomai sau khi ký kết hiệp ước hòa bình, theo như Tuyên bố năm 1956.

Điểm mới là cả 2 bên sẽ đàm phán về quy chế tương lai cho Kunashir và Iturup, ví dụ như phi quân sự hóa các hòn đảo này, hoặc thiết lập đặc khu kinh tế, cho phép nhà đầu tư Nhật Bản hưởng các ưu đãi đặc biệt.

Cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản Alexander Panov cũng đồng quan điểm với giả thuyết thứ hai của ông Pavlyatenko - "bình mới rượu cũ".

"Không loại trừ khả năng phía Nhật Bản đã đề xuất một phương án, theo đó các đảo Habomai và Shikotan được bàn giao cho Nhật Bản sau khi ký kết hiệp ước hòa bình, còn hai đảo Iturup và Kunashir sẽ nằm dưới sự quản lý hành chính của Nga trong thời hạn 30-50 năm".

"Rắc rối nghiêm trọng trong tương lai"

Báo Nhật Asahi Shimbun cho rằng, lý do Abe sốt sắng giải quyết tranh chấp chủ quyền, tạo cơ hội ký hiệp ước hòa bình là bởi Nhật đang đối diện với mối đe dọa an ninh ngày càng lớn từ hoạt động mở rộng quân sự của Trung Quốc và hành động khiêu khích của Triều Tiên.

Tuy nhiên, tờ này nhắc nhở đối thoại của Abe với Moscow chỉ thực sự có hiệu quả nếu chính phủ của ông này phối hợp chặt chẽ với các quốc gia phương Tây trên tinh thần nguyên tắc "không dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng" trong các tranh chấp chủ quyền.

"Câu hỏi quan trọng mà ông Abe cần phải trả lời lúc này là "cách tiếp cận mới", chính xác thì nó là gì?.

Nhật Bản có thể cần phải nhượng bộ đôi chút nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, bất cứ sự nhượng bộ lớn nào về ngoại giao liên quan tới vấn đề này sẽ gây ra rắc rối nghiêm trọng trong tương lai, nếu không được công chúng hiểu và ủng hộ".

Báo Nhật
Asahi Shimbun
Chính quyền của ông Abe nên cố gắng giành được sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng với kế hoạch giải quyết thách thức ngoại giao, bằng cách giải thích các nội dung cơ bản nhiều nhất có thể.

Thêm vào đó, Nhật Bản cũng cần phải giải thích với cộng đồng thế giới, mà trước mặt là Hội nghị Thượng đỉnh G-7, về mục tiêu của các đề xuất hợp tác cũng như cách họ sẽ cân bằng chúng với các nguyên tắc ngoại giao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại