Màn trình diễn ấn tượng
Theo hãng tin Sputnik (Nga), HERA - mẫu máy bay không người lái (drone) do Công ty TNHH Realtime Robotics (RtR) Việt Nam sản xuất - vừa hoàn thành chuyến bay thực chứng trong việc cứu hộ cứu nạn ở Đức, "thể hiện đẳng cấp" trên bầu trời đất nước 84 triệu dân.
"Chuyến bay cho thấy công ty công nghệ Việt Nam đã 'nói được, làm được' khi quảng bá sản phẩm. Hàng loạt đại diện các công ty công nghệ và giới chuyên gia đã nhiệt liệt tán thưởng sản phẩm drone độc đáo của Việt Nam" - Sputnik cho hay.
Chuyến bay được thực hiện tại sân bay Manching ở Đức ngày 25/9 , do công ty Real-time Robotics (RtR), nhà sản xuất drone HERA và Công ty Protrack - doanh nghiệp hàng đầu của Israel trong lĩnh vực phần mềm định vị và phân tích video thông minh phối hợp thực hiện.
Tiến sĩ Lương Việt Quốc cùng các kỹ sư của Realtime Robotics lắp ráp một mẫu UAV do công ty phát triển (Ảnh: Người lao động)
Có mặt tại địa điểm thử nghiệm là các chuyên gia đến từ những công ty công nghệ nổi tiếng thế giới như Airbus Defense and Space GmbH, Skyroads AG, NetCopter Innovation, Quantum Systems và ACENTIS.
Mục tiêu của chuyến bay là chứng minh các thông số, cũng như tính năng của HERA và Protrack có thể đạt được trong điều kiện thực tế chứ không chỉ ở những điều kiện lý tưởng được sử dụng trong phòng thí nghiệm.
Đặc biệt, người điều khiển chiếc HERA trong chuyến bay lần này là Idan Tessler, cựu phi công lái máy bay chiến đấu F16 trong quân đội Israel, đồng thời là đối tác của RtR.
Giây phút HERA chạm đất sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, nó đã nhận được tràng pháo tay và sự tán thưởng nồng nhiệt từ những người dự khán, cũng như các chuyên gia có mặt.
100% trí tuệ Việt
Theo Armada International, máy bay không người lái HERA có kích cỡ nhỏ gọn, bỏ vừa ba lô để 1 người mang (kích thước 100cm x 110cm x 56cm), nhưng có thể nâng được 15kg. Chỉ mất 3 phút triển khai để máy bay sẵn sàng cất cánh. Khung thân máy bay rất nhẹ do hoàn toàn làm bằng vật liệu carbon.
Động cơ cánh quạt chạy bằng pin cho phép HERA có thời gian bay 46 phút trong phạm vi 11 km. Với khả năng tránh chướng ngại vật vốn có, nó có thể hoạt động hiệu quả trong mọi điều kiện tầm nhìn, thời tiết và sức gió 14 m/s.
Gian trưng bày Realtime Robotics tại Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2022 thu hút khách tham quan với sự xuất hiện của mẫu UAV Hera (Ảnh: VTC News)
HERA là một hệ thống đa nhiệm có khả năng thực hiện nhiệm vụ trinh sát, lập bản đồ địa hình, tìm kiếm, cứu nạn... Trường hợp cần cứu hộ, cứu nạn trên địa hình sông nước, chiếc máy bay này cũng có thể mang theo 4 áo phao cứu sinh để thả chính xác xuống vị trí người gặp nạn.
So với các drone cùng loại, HERA có nhiều tính năng vượt trội, như: nhỏ gọn và cơ động, sức nâng tối đa lớn nhất (gấp 10 lần so với máy bay cùng cỡ), số lượng thiết bị có thể gắn cùng lúc nhiều gấp 4 lần, khả năng xử lý dữ liệu mạnh hơn.
Sputnik cho hay, tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế năm 2022, gian hàng trưng bày drone HERA nằm khiêm tốn trong góc khuất nhưng lại thu hút rất đông khách tham quan cả trong nước và quốc tế, bởi đây là một sản phẩm rất đặc biệt.
Đó là chiếc máy bay không người lái được thiết kế, chế tạo hoàn toàn bởi các kỹ sư người Việt, đã trải qua 8 năm thiết kế với nhiều phiên bản thử nghiệm. Hiện drone HERA đã được cấp bằng sáng chế độc quyền.
Cuối năm ngoái, công ty TNHH Real-time Robotics (RtR) Việt Nam vừa hoàn thành sản xuất đơn hàng máy bay không người lái HERA đầu tiên trị giá nửa triệu USD xuất sang Mỹ.
TS Lương Việt Quốc, Giám đốc điều hành (CEO) RtR, cho biết đây là lô hàng bán cho lực lượng cảnh sát Mỹ. RtR cũng đang xúc tiến ký hợp đồng xuất khẩu drone HERA khá lớn với một nhà mua hàng ở Anh để bán sang các nước NATO.