Trung Quốc đẩy mạnh hành động quân sự, ngoại giao
NI khẳng định tranh chấp trên biển Đông chỉ là một phần trong tham vọng lớn hơn của Trung Quốc là "Giấc mộng Trung Hoa", bao gồm "phục hưng dân tộc và khôi phục địa vị 'đế quốc Trung Hoa'".
Sự lùi bước trong vấn đề mà Bắc Kinh xem như "lợi ích sống còn" là điều mà Trung Quốc không thể chấp nhận.
Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh mềm cùng các biện pháp ngoại giao để đối phó với những phản ứng quốc tế chống lại hành động của mình, nhưng Bắc Kinh chắc chắn không lùi bước trong vấn đề biển Đông.
Theo NI, từ góc độ quân sự, hành động giành quyền kiểm soát trên biển Đông khiến phạm vi chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) mở rộng hơn xuống phía Nam và vươn ra phía Đông.
Điều đó cho phép PLA sử dụng tàu ngầm và tàu chiến mặt nước tiên tiến hơn, các lực lượng tấn công tầm xa cùng với lực lượng không quân tinh vi hơn, trì hoãn hoặc ngăn chặn việc quân đội Mỹ can thiệp vào các mối đe dọa khu vực trong tương lai, đồng thời cho phép hải quân Trung Quốc triển khai lực lượng tới Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, NI cho rằng Bắc Kinh đã tìm cách để cản trở các nước ASEAN đi đến một thỏa thuận chung trong việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông.
Thậm chí, Trung Quốc khẳng định tiếp tục tạo áp lực đối với Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM 49) được tổ chức tại Lào từ 23-26/7.
Trung Quốc có thể sẽ chọn giải pháp cứng rắn, thông qua sức mạnh quân sự thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi lý của nước này.
Điều này sẽ cho phép Trung Quốc chứng minh với Mỹ, Nhật Bản và cả khu vực, cũng như với chính người dân trong nước, rằng chính phủ Trung Quốc chẳng sợ hãi điều gì.
Bắc Kinh sử dụng những hành động hung hăng ở "vùng xám", duy trì sức mạnh đe dọa ở mức độ thấp để không khiến Mỹ có phản ứng trả đũa.
Nước này có thể sẽ cân nhắc một vài bước đi quân sự nổi bật.
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM 49) khai mạc tại thủ đô Vientiane, Lào ngày 24/7. (Ảnh: Xinhua)
Thời cơ tốt nhất để đặt Mỹ vào "thế đã rồi"
Theo NI, sự lựa chọn quân sự sẽ mang lại những rủi ro trong việc tính toán sai lầm, làm leo thang căng thẳng, và làm giảm uy tín của Trung Quốc về tuyên bố Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, nhưng cái giá này đã được cân nhắc trong hoàn cảnh không áp dụng hành động này sẽ mang lại những hậu quả gì.
Tạp chí của Mỹ phân tích, nếu không hành động cứng rắn, Bắc Kinh sẽ khiến dư luận Trung Quốc tin rằng chính phủ "mù tịt" không biết bước tiếp theo phải làm như thế nào, sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết vụ kiện biển Đông hôm 12/7.
Hiện nay, hải quân Mỹ tăng cường sự hiện diện ở biển Đông, kiềm chế khả năng Trung Quốc "tự tung tự tác".
Bắc Kinh đang nắm bắt thời cơ những tháng cuối cùng của chính quyền Tổng thống Barack Obama, trong khi nước Mỹ đang bận rộn với bầu cử tổng thống, để hành động và tìm cách đặt chính phủ mới của Mỹ, thành lập vào đầu năm 2017, vào cục diện "sự đã rồi" trên biển Đông.
Nhìn từ góc độ của Bắc Kinh, tốt nhất nên hành động ngay bây giờ thay vì để bị kiềm chế trong tương lai gần - NI kết luận.
Trung Quốc đã triển khai phi pháp vũ khí tại quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, cho nên việc triển khai vũ khí trái phép tạibiển Đôngcó thể là bước đi nguy hiểm tiếp theo.
Điều này có thể bao gồm việc triển khai các máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa phòng không và vũ khí chống hạm, cùng với việc Trung Quốc hoàn thiện đảo nhân tạo trên các đá Chữ Thập, Vành Khăn và Châu Viên (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Trung Quốc có thể xem xét củng cố bãi cạn Scarborough mà nước này giành quyền kiểm soát từ Philippines vào năm 2012.
Bắc Kinh còn có thể tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên một phần hoặc toàn bộ biển Đông, đồng thời sử dụng các lực lượng không quân triển khai phi pháp trên các đảo nhân tạo tại Trường Sa để thực thi ADIZ một cách nghiêm ngặt.
Cuối cùng, Trung Quốc có thể sử dụng lực lượng hải cảnh và "hạm đội tàu cá chiến lược", tăng cường việc khiêu khích hăm dọa các bên yêu sách chủ quyền khác.
"Hạm đội tàu vỏ xám" quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trực tiếp hỗ trợ cho "hạm đội tàu vỏ trắng" và dân binh trên biển để chèn ép các nước trong khu vực.