Để cắm được lá cờ trên nóc Điện Kremlin, thế lực đi chinh phạt cần phải cân nhắc tới một số yếu tố chắc chắn sẽ tác động tới kết quả của cuộc chiến, trước khi quyết định huy động lực lượng.
Mùa đông khắc nghiệt
Năm 2014, phóng viên Oscar Rickett của tờ Vice đã đặt một câu hỏi cho chuyên gia quân sự Konrad Muzkya của IHS Jane’s rằng: Sẽ cần những gì để chinh phạt nước Nga và một quốc gia bất kỳ có thể tiến hành điều đó như thế nào?
Theo WTM, câu hỏi đầu tiên mà Rickett đưa ra có thể là một cách diễn giải khác cho câu hỏi đã đóng đinh trong đầu bất cứ sinh viên nào của khoa lịch sử quân sự: Làm thế nào để đánh bại được mùa đông nước Nga?
"Trong lúc Napoleon và Hitler đang hồi hộp chờ đợi đáp án ở thế giới bên kia, ông Muzkya đã đưa ra câu trả lời rằng, các loại đạn dược dẫn đường, vũ khí hạt nhân, khả năng triển khai sức mạnh quân sự hiện đại đã vô hiệu hóa lợi thế lịch sử này của Nga" – WTM viết.
"Bất cứ cuộc xung đột tiềm năng nào với phương Tây nhiều khả năng sẽ diễn ra trên không, dưới biển và trong không gian", ông Muzkya nói với Rickett, "Việc sử dụng các lực lượng trên bộ sẽ bị hạn chế trong việc chiếm giữ các cơ sở có tầm quan trọng chiến lược như cầu, sân bay và các cơ sở tương tự".
Diện tích khổng lồ
Mông Cổ từng chinh phạt một phần nhỏ lãnh thổ của Nga và bí mật dẫn tới thành công của họ nằm ở quy trình chuẩn bị kéo dài nhiều năm trời.
Vấn đề không nằm ở việc thiếu nhân lực bởi vào thời điểm Pháp xâm lược, đội quân Grande Armée của Napoleon có tới 680.000 quân.
Theo WTM, do Nga có diện tích rất rộng lớn nên việc chinh phạt nước này là một điều khó khăn. Quãng đường từ St. Petersburg tới Moscow dài tới 400 dặm (gần 650km). Trong lịch sử, khối Đồng minh đã phải mất hơn 2 tháng để di chuyển từ Normandy tới Paris, trong khi khoảng cách giữa hai địa điểm này chỉ là 167 dặm.
Chỉ thực hiện được một kế hoạch một lúc
"Bất cứ thế lực nào muốn chinh phạt Nga có lẽ nên dẹp bỏ hết lịch trình khác của họ" – WTM viết - "Nếu muốn chinh phạt Nga, Mỹ và NATO nên rút khỏi toàn bộ các cuộc xung đột khác trên thế giới và tập trung cho kế hoạch này". Theo trang mạng Mỹ, khi đó, duy trì một mặt trận thống nhất sẽ điều quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, thế lực đi chinh phạt cần lưu ý, người Nga có chiến thuật đốt cháy hoặc phá hủy tất cả mọi thứ có thể hữu dụng với kẻ thù. Và trong bài báo của Vice, chuyên gia quân sự Muzkya cho biết thêm rằng Nga vẫn di chuyển lực lượng bằng tàu hỏa, điều đó tiếp tục được duy trì kể từ sau Thế chiến II.
Không quân đóng vai trò quan trọng
Ông Muzkya dẫn một ước tính cho biết cần một nửa triệu quân để chinh phạt Afghanistan. Trong khi đó, Nga có diện tích gấp 26 lần diện tích Afghanistan và có dân số 143 triệu người (Dân số Afghanistan là 30 triệu người).
Ngay cả quân đội Trung Quốc với quân số khổng lồ cũng sẽ gặp khó khăn nếu có ý đồ với Nga.
Tuy nhiên "con người" không phải là nhân tố đóng vai trò quan trọng duy nhất trong chiến dịch quân sự ngày nay. Hải quân Nga không thể triển khai sức mạnh quân sự như Mỹ.
Nước này chỉ có duy nhất 1 tàu sân bay và con tàu này thảm hại tới mức phải triển khai cùng với tàu kéo để đề phòng trường hợp hỏng hóc.
Trong khi đó, Không quân Nga là lực lượng tương đối đáng gờm, dù có thể không bằng trước đây. Lực lượng này đang có trong tay mẫu chiến đấu cơ có thể cạnh tranh với F-22.
Hãy chuẩn bị cho cái chết
Ông Muzkya cho biết, Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ và bất cứ thế lực xâm lược nào cũng cần chuẩn bị cho điều đó.
"Nga đang sở hữu năng lực tấn công hạt nhân trả đũa" – ông Muzkya nói. Vị chuyên gia dự đoán toàn bộ diện tích 6,6 triệu dặm vuông của Nga sẽ biến thành một vùng hoang mạc hạt nhân trong trường hợp họ phải dùng tới thứ vũ khí khủng khiếp này để đáp trả cuộc xâm lược từ Trung Quốc hoặc phương Tây.
"Lúc này sẽ không còn ai chiến thắng, bởi vì tất cả đều chết hết" – WTM viết.