Báo Mỹ nêu đích danh 5 quốc gia có thể mua Su-57 Nga: 3 khách châu Á, một nước vì Trung Quốc mà sẵn sàng chi "khủng"

Lâm Vy |

Tạp chí National Interest đưa ra danh sách gồm 5 quốc gia có khả năng mua tiêm kích Su-57 của Nga, trong bối cảnh mẫu máy bay hiện đại này sắp được chuyển giao cho Không quân Nga.

Một trong số những quốc gia đó có thể là Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia vừa bị Mỹ "đá" ra khỏi chương trình F-35 sau khi Ankara quyết định mua các hệ thống phòng không S-400 từ Moscow.

Mẫu tiêm kích tàng hình mới đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin giới thiệu tới Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và ông Erdogan đã đặt ra khả năng Ankara có thể mua Su-57 của Nga.

Báo Mỹ nêu đích danh 5 quốc gia có thể mua Su-57 Nga: 3 khách châu Á, một nước vì Trung Quốc mà sẵn sàng chi khủng - Ảnh 1.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại triển lãm MAKS 2019. Ảnh: Sputnik

Một khách hàng tiềm năng khác, theo National Interest, là Algeria. Quốc gia này từ lâu đã là khách hàng quen thuộc của các loại vũ khí/thiết bị quân sự do Liên Xô/Nga sản xuất. Vào năm 2015, có tin đồn Algeria đã mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga. Tuy nhiên, Moscow chưa từng lên tiếng xác nhận thỏa thuận này.

Tạp chí Mỹ lưu ý thêm rằng, Algeria từng bày tỏ sự quan tâm đối với tiêm kích Su-35 – mẫu tiền nhiệm của Su-57 – với một số khác biệt nhỏ về tính năng và mức giá.

Theo nhận định của National Interest, trong tương lai, Myanmar có thể sẽ có hứng thú với mẫu tiêm kích tối tân của Nga.

Mặc dù Su-57 không phát huy được nhiều hiệu quả trong cuộc chiến chống quân nổi dậy trong nước do tính năng của nó tập trung vào khả năng chiếm ưu thế trên không nhưng trong thời gian tới, theo National Interest, không loại trừ khả năng Myanmar vẫn sẽ quan tâm tới mẫu máy bay này bởi Su-57 có thể bù đắp những yếu kém trong tác chiến không-đối không của KQ Myanmar.

Báo Mỹ nêu đích danh 5 quốc gia có thể mua Su-57 Nga: 3 khách châu Á, một nước vì Trung Quốc mà sẵn sàng chi khủng - Ảnh 2.

Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga. Ảnh: Sputnik

Khả năng chuyên biệt chiếm ưu thế trên không cũng có thể sẽ cản trở Su-57 bước vào thị trường Trung Quốc, do Bắc Kinh đã phát triển mẫu tiêm kích tàng hình nội địa J-20, tập trung vào mục tiêu xâm nhập phòng không đối phương và tấn công mặt đất.

Tuy nhiên, National Interest cho rằng, Trung Quốc có thể vẫn muốn mua Su-57 để phục vụ mục đích huấn luyện, cũng như nghiên cứu công nghệ máy bay Nga để áp dụng vào quy trình sản xuất chiến đấu cơ nội địa.

Nếu Trung Quốc nhắm tới Su-57 thì Ấn Độ - đối thủ lớn của Bắc Kinh – có thể sẽ cảm thấy họ cần mua mẫu máy bay chiến đấu tiên tiến của Nga. Theo tạp chí Mỹ, Không quân Ấn Độ đã ra hiệu "một cách thận trọng" về mối quan tâm của họ đối với mẫu máy bay này.

Trước đó, Moscow và New Delhi từng tìm cách hợp tác chế tạo một mẫu tiêm kích thế hệ 5 theo chương trình FGFA nhưng vì một số lý do, Ấn Độ đã rút khỏi dự án từ năm 2018.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại