Báo Mỹ khen ngợi tiêm kích MiG-31 của Nga: 'Kẻ săn mồi' siêu tốc mang vũ khí đáng gờm

Vy Lam |

Viết về MiG-31, trang tin 19fortyfive thừa nhận, đây quả thực là 'kẻ săn mồi' thuộc hàng 'siêu tốc' của Nga.

Khi tiêm kích MiG-25 'Foxbat' được Liên Xô đưa vào biên chế năm 1970, nó đã khiến các nhà hoạch định của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải lo lắng nhiều điều.

Foxbat là dòng tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới vào thời điểm đó, nỗi lo sợ về mẫu tiêm kích bí ẩn lan tỏa.

Tuy nhiên, phần lớn nỗi sợ hãi đó đã tan biến sau vụ đào tẩu của Trung úy phi công MiG-25 Viktor Belenko vào năm 1976. Belenko đã giúp phương Tây loại bỏ những bí ẩn bao trùm chiếc máy bay siêu tốc độ này.

Trong bối cảnh đó, Liên Xô quyết tâm không để cuộc đào tẩu của Belenko làm ảnh hưởng tới ý tưởng phát triển của họ. Vì thế, MiG-31 'Foxhound' đã ra đời.

'Kẻ săn mồi' siêu tốc

Viết về MiG-31, trang tin 19fortyfive thừa nhận, đây quả thực là 'kẻ săn mồi' thuộc hàng 'siêu tốc' của Nga. Nó có thể đạt tốc độ tối đa 1.500km/giờ ở tầm thấp và 3.400 km/giờ ở độ cao lớn.

Trang tin này cho hay, MiG-31 'Foxhound' thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 9/1975 và chính thức được đưa vào phục vụ trong lực lượng phòng không - không quân của Liên Xô năm 1981.

MiG-31 mang vẻ ngoài ấn tượng giống với MiG-25, điều này cũng phần nào lý giải tại sao tên mã do NATO đặt cho hai mẫu máy bay này có phần giống nhau: Foxbat - Foxhound.

Thế nhưng, khi quan sát sâu vào bên trong, sẽ thấy MiG-31 Foxhound được trang bị hệ thống điện tử hàng không kỹ thuật số hiện đại hơn nhiều so với người tiền nhiệm Foxhound của nó.

Báo Mỹ khen ngợi tiêm kích MiG-31 của Nga: Kẻ săn mồi siêu tốc mang vũ khí đáng gờm - Ảnh 1.

Tiêm kích MiG-31. Ảnh: Sputnik

Ngoài hệ thống radar tiên tiến, Foxhound còn có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Một cải tiến khác là phạm vi hoạt động của máy bay được tăng cường, lên tới 3.000km khi cất cánh lần đầu, và tới 5.400km với một lần tiếp nhiên liệu trên không.

Bên cạnh đó, MiG-31 Foxhound đã được cải tiến hệ thống liên lạc, làm giảm nguy cơ "không liên lạc được" với các máy bay khác.

Caleb Larson, một nhà phân tích kỹ thuật quân sự, cho biết MiG-31 có khả năng kết nối với các máy bay khác trong chiến dịch mà chúng tham gia, sau đó chuyển tiếp thông tin về vị trí của máy bay đối phương, từ đó bao quát được khu vực rộng lớn hơn nhiều so với nhóm máy bay không có khả năng kết nối.

Mỹ đánh giá cao tên lửa của MiG-31

Cho tới nay, đã có 519 chiếc Foxhound được sản xuất, trong đó 370 chiếc đã được chuyển giao cho Không quân Nga, 30 chiếc còn lại đang phục vụ Không quân Kazakhstan.

Tháng 7/2020, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố ý định đầu tư vào các chương trình hiện đại hóa, và kéo dài tuổi thọ cho phi đoàn MiG-31 của mình.

Khách hàng chủ yếu của MiG-31 là các nước thuộc Liên Xô cũ, những khách hàng nằm ngoài nhóm này tương đối ít.

Năm 1992, sau khi Liên Xô sụp đổ, do gặp khó khăn về tài chính nên ngành công nghiệp Nga đã đề nghị cung cấp MiG-31 cho Phần Lan, song nước này từ chối.

Trong khi đó, Syria đã đặt hàng 8 máy bay MiG-31E cho lực lượng không quân vào năm 2007. Thỏa thuận sau đó đã bị đình chỉ vào tháng 5/2009 do áp lực từ phía Israel nhưng một số nguồn tin cho biết 6 trong 8 chiếc máy bay loại này có thể đã được bí mật chuyển giao cho Syria trong tháng 8/2015.

Dù thông tin trên còn gây nhiều tranh cãi nhưng MiG-31 đích thực đã xuất hiện ở Syria, khi được Nga triển khai để phục vụ chiến dịch quân sự của họ tại đây.

Báo Mỹ khen ngợi tiêm kích MiG-31 của Nga: Kẻ săn mồi siêu tốc mang vũ khí đáng gờm - Ảnh 2.

Tên lửa R-74M làm tăng khả năng của MiG-31 lên nhiều lần.

Ngoài 19fortyfive, tạp chí Military Watch (MW) cũng từng đăng bài viết đánh giá cao MiG-31, nhất là loại tên lửa trang bị cho mẫu tiêm kích này.

Theo MW, MiG-31 được trang bị radar Zaslon-M và tên lửa tầm xa 400 km, mang lại lợi thế cho máy bay trong việc tấn công các mục tiêu ngoài tầm nhìn.

Dù có điểm yếu về khả năng không chiến tầm gần và hầu như không thể thực hiện các thao tác phức tạp" nhưng bù lại, MiG-31 được trang bị tên lửa R-74M, cho phép nó tiêu diệt các mục tiêu cơ động.

Loại tên lửa này có thể đảm bảo tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 300 mét. Bài viết trên tạp chí MW nhấn mạnh rằng với R-74M, tiêm kích MiG-31 sẽ có thể bắn trúng trực thăng, tên lửa hành trình và máy bay không người lái mà không cần sử dụng tên lửa tầm xa R-37.

Tên lửa mới giúp cho MiG-31 trở thành "loại máy bay rất linh hoạt", làm tăng khả năng của máy bay lên nhiều lần.

Đặc biệt, phiên bản MiG-31K còn có khả năng mang tên lửa siêu vượt âm Kinzhal do Nga mới phát triển. Theo các chuyên gia quân sự, không phải ngẫu nhiên mà Bộ Quốc phòng Nga chọn MiG-31 làm phương tiện bay mang theo tên lửa này.

Có ít nhất 3 lý do: Thứ nhất, MiG-31 có thể bay trong một thời gian dài ở chế độ siêu âm. Thứ hai, MiG-31 có thể phóng tên lửa ở tầm xa. Thứ ba, đó là một chiếc máy bay hai chỗ ngồi. Các phi công dễ dàng phân chia nhiệm vụ khi sử dụng loại vũ khí tinh vi như tên lửa siêu âm mới Kinzhal.

Trong khi phần còn lại của thế giới phần lớn đã chuyển sang các máy bay chiến đấu đa năng, Không quân vũ trụ Nga vẫn nhận thấy sự cần thiết của các máy bay đánh chặn hạng nặng, tốc độ cao khi bảo vệ biên giới rộng lớn.

MiG-31 Foxhound dự kiến sẽ vẫn phục vụ trong quân đội Nga tới những năm 2040 và giữ vững vai trò là một trong những chiến đấu cơ quan trọng nhất của Nga nhờ việc được tích hợp vũ khí mới, khả năng đảm nhận nhiều vai trò và tính linh hoạt ngày càng cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại