Báo Mỹ: Bất chấp cảnh báo của chuyên gia, bất lợi từ đóng cửa biên giới, nhờ đâu Việt Nam thành công?

Anh Vũ |

Làm thế nào quốc gia này có thể kiểm soát số lượng ca nhiễm thấp như vậy khi có chung đường biên giới với Trung Quốc, và thậm chí tăng trưởng kinh tế còn đạt mức cao trong năm qua?

Hiếm có quốc gia nào tiến xa như Việt Nam

Mỗi năm, tầm khoảng tháng Giêng hay tháng Hai, ông Lê Thế Linh và vợ con thường chuẩn bị đồ đạc và lái xe khoảng hơn 120 km đến Hải Phòng - thành phố cảng phía đông Hà Nội để thăm họ hàng nhân dịp Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, năm nay, sau kỳ nghỉ lễ, trên đường đến gần cuối đoạn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, họ đã phải dừng lại trước một trạm kiểm soát. Đây cũng là một trong 16 trạm kiểm soát được dựng lên xung quanh Hải Phòng nhằm kiểm soát việc ra vào thành phố. Các quan chức tại đây yêu cầu người dân kê khai lịch trình đi lại, cư trú và tình trạng sức khỏe của mỗi người.

Cuối cùng, gia đình anh Linh có thể chứng minh rằng khu vực gia đình anh sinh sống không có ca nhiễm nào trong giai đoạn ấy. Anh Linh và gia đình là một trong những người may mắn được tiếp tục chuyến đi. Song, rất nhiều người từ các khu vực gần ổ dịch đã phải quay đầu, nhóm thanh niên đi xe máy định lách trạm kiểm soát thì bị bắt giữ, nhiều người khác phải lựa chọn chào hỏi gia đình qua FaceTime hoặc Zalo.

Báo Mỹ: Bất chấp cảnh báo của chuyên gia, bất lợi từ đóng cửa biên giới, nhờ đâu Việt Nam thành công? - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Lê Thế Linh điền giấy tờ tại chốt kiểm tra trước khi vào đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Khi đại dịch bắt đầu lan rộng, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại. Chưa bao giờ trong lịch sử, ngành du lịch toàn cầu bị hạn chế một cách triệt để như vậy: số lượng du khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 65%. Hơn một năm sau, khi các quốc gia lần lượt thử nghiệm hộ chiếu vaccine, bong bóng du lịch, loạt biện pháp mới nhằm hạn chế các biến thể của virus, thì tác động về những hạn chế đi lại trước đó đến ngành du lịch vẫn như ngày đầu.

Nhưng hiếm có quốc gia nào tiến xa như Việt Nam, một quốc gia với GDP bình quân đầu người đạt trên 2.700 USD vào năm 2019. Có thể ví các trạm kiểm soát Hải Phòng được triển khai ngay trước Tết cũng tương đương như việc đóng cửa Los Angeles ngay trước Lễ Tạ ơn. Tháng 3 năm ngoái, Chính phủ Việt Nam đã quyết định tạm dừng tất cả các chuyến bay thương mại.

Đến nay, các chuyến bay được mở nhưng chỉ giới hạn cho một số nhóm người, điển hình như doanh nhân hoặc các chuyên gia đến từ các nước có số ca nhiễm thấp. Đồng thời, những người này cần hoàn thành tối đa 21 ngày cách ly tại Việt Nam và thực hiện xét nghiệm PCR (đối với các trường hợp dương tính cần phải đi cách ly và điều trị ngay lập tức).

Các chuyên gia y tế toàn cầu nhận định, cách tiếp cận nghiêm ngặt của Việt Nam đã giúp quốc gia này đánh bại Covid-19. Ngay cả trong những ngày đỉnh điểm dịch bệnh, đất nước 97 triệu dân này chưa bao giờ ghi nhận hơn 110 ca nhiễm mới - con số quá nhỏ so với 68.000 ca nhiễm vào ngày đỉnh điểm dịch bệnh của Vương quốc Anh - quốc gia có dân số thấp hơn so với Việt Nam, hay như con số kỷ lục 300.000 ca mỗi ngày ở Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Năm ngoái, bất chấp dự báo của các nhà kinh tế, tăng trưởng GDP của Việt Nam thậm chí đạt mức 2,9%, đánh bại Trung Quốc và trở thành nước có thành tích tăng trưởng hàng đầu khu vực châu Á.

Báo Mỹ: Bất chấp cảnh báo của chuyên gia, bất lợi từ đóng cửa biên giới, nhờ đâu Việt Nam thành công? - Ảnh 2.

Covid-19 và sự thay đổi tư tưởng với các biện pháp hạn chế đi lại

Thời cổ đại, khi con người vẫn cho rằng nguồn gốc các căn bệnh bắt nguồn từ sự mất cân bằng trong "bốn mùa" (mật vàng, mật đen, đờm, máu) và các bác sỹ thường sử dụng những phương pháp điều trị như truyền máu, chính phủ các nước đã cố gắng đưa ra các biện pháp hạn chế việc đi lại để ngăn dịch bùng phát.

Năm 1377, biện pháp kiểm dịch đã được triển khai ở Dubrovnik, trên bờ biển vùng Dalmatian của Croatia nhằm ngăn các thủy thủ có khả năng mang mầm bệnh dịch hạch. Luật quy định rằng bất kỳ ai từ "các khu vực chứa ca nhiễm bệnh dịch hạch sẽ không được vào Dubrovnik và các quận lân cận, trừ khi cách ly một tháng trên đảo Mrkan". Đối với du khách trên đất liền, thời gian cách ly thậm chí còn kéo dài hơn với 40 ngày.

Nhưng trong bối cảnh du lịch và toàn cầu hóa như hiện nay, việc các thành phố hoặc quốc gia đóng cửa như vậy dường như là không thể. Ngay trước đại dịch, năm 2019 là một năm kỷ lục về lượng khách du lịch. Năm 2019, ngành du lịch đóng góp gần 9 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu.

Báo Mỹ: Bất chấp cảnh báo của chuyên gia, bất lợi từ đóng cửa biên giới, nhờ đâu Việt Nam thành công? - Ảnh 3.

Các quan chức sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh kiểm tra thông tin về công dân Việt Nam hồi hương từ Vũ Hán, Trung Quốc, vào ngày 10/2/2020 | Son Nguyen/AFP via Getty Images

Nhiều biện pháp mà các quốc gia đã thử nghiệm trong những năm vừa qua, sau khi virus SARS lần đầu xuất hiện vào năm 2002, bao gồm cả việc cấm bay, dừng cấp thị thực cho một số thành phố hay quốc gia... dường như không mang lại nhiều hiệu quả.

Nghiên cứu về SARS, Ebola và cúm mùa cho thấy những hạn chế này chỉ làm trì hoãn quá trình lây nhiễm, đồng thời ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội. Nhiều quốc gia bị dịch bệnh hoành hành triền miên, khó tiếp cận được hàng hóa toàn cầu cũng như nguồn cứu trợ từ bên ngoài.

Nhưng hiện tại, rõ ràng là những biện pháp này đem lại hiệu quả và những phát hiện, nghiên cứu trước đây không phù hợp với tình hình mà thế giới phải đối mặt vào đầu năm 2020. Loại virus mới dễ lây lan hơn, khó ngăn chặn hơn. Covid-19 có khả năng lây lan trước khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng, trong khi với SARS và Ebola, những triệu chứng sẽ xuất hiện ngay tức thì.

Bắt đầu xây dựng “bức tường thành” với thế giới vào tháng Giêng

Đầu năm ngoái, khi Mỹ và các nước châu Âu vẫn tập trung vào việc hạn chế du khách đến từ những nơi có ổ dịch, Việt Nam quyết định đóng cửa biên giới. Ngày 3/1, cùng ngày Trung Quốc thông báo về một cụm trường hợp viêm phổi do virus chưa rõ nguồn gốc, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành chỉ thị tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khu vực biên giới với Trung Quốc.

Vào cuối tháng 1, Thủ tướng Việt Nam, lúc bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh cấm tất cả các chuyến bay đến và đi từ Vũ Hán, cũng như các khu vực khác có virus đang lây lan ở Trung Quốc, đóng mọi tuyến giao thông giữa hai nước. Việt Nam lúc đó trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đóng cửa với du khách Trung Quốc.

Đến giữa tháng 3, Việt Nam dừng cấp thị thực cho tất cả người nước ngoài, sau đó dừng mọi chuyến bay thương mại. Chỉ các nhà ngoại giao, quan chức và công dân Việt Nam mới có thể tiếp cận với các chuyến bay hồi hương và cần được sự cho phép của Chính phủ.

Hiện nay, một số tuyến đường hàng không đã được nối lại với các quốc gia và vùng lãnh thổ có nguy cơ lây nhiễm thấp như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Đài Loan (Trung Quốc), song chỉ dành cho công dân Việt Nam và các doanh nhân, chuyên gia nước ngoài.

Báo Mỹ: Bất chấp cảnh báo của chuyên gia, bất lợi từ đóng cửa biên giới, nhờ đâu Việt Nam thành công? - Ảnh 4.

Mặc dù công dân Việt Nam có thể đi qua biên giới đất liền từ Lào hoặc Campuchia, nhưng đều phải làm xét nghiệm PCR và chờ thời gian cách ly bắt buộc từ 14 đến 21 ngày dưới sự giám sát trong một cơ sở quân đội hoặc khách sạn được chỉ định.

Như vậy, trong khi các nước phương Tây tiếp tục áp dụng biện pháp mở cửa bất cứ khi nào số ca nhiễm giảm xuống, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp đóng cửa, ngay cả trong giai đoạn quốc gia không ghi nhận ca nhiễm mới nào.

Giáo sư y tế công cộng Karen Grépin của Đại học Hồng Kông nhấn mạnh, bên ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hầu hết các nước đã không chuẩn bị gì cho khả năng loại virus này sắp lây lan toàn cầu. Vào tháng 1, Chính phủ Việt Nam đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm quốc gia chuyên xử lý Covid-19 do Phó Thủ tướng đứng đầu, xác định "mục tiêu kép" là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Khi "bức tường" dần sụp đổ

Vào buổi sáng đầu tháng 3, một chiếc taxi đang tiến dần đến nhà ga quốc tế tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Lần cuối tài xế chở khách đến nhà ga này là cách đây nửa năm, khi một hành khách Việt Nam có chuyến bay sang Đài Loan công tác. Hôm ấy, cũng chính hành khách này đã trở lại, trên một trong 16 chuyến bay về Việt Nam trong năm nay.

Bên trong sân bay, quang cảnh hoàn toàn khác so với quá khứ. Không còn đám đông chờ đợi gia đình và bạn bè. Các quán cà phê, nhà hàng đóng cửa, sảnh chờ yên tĩnh và tối tăm. Một nhóm hành khách vừa hạ cánh đang chờ lấy hành lý với những bộ đồ bảo hộ trên người, cùng khẩu trang và kính mắt.

Báo Mỹ: Bất chấp cảnh báo của chuyên gia, bất lợi từ đóng cửa biên giới, nhờ đâu Việt Nam thành công? - Ảnh 5.

Bên trong sân bay Nội Bài (Hà Nội), hơn 300 công dân Việt Nam đến từ Paris trong trang phục bảo hộ đầy đủ | Ảnh: Giáp Nguyễn cung cấp cho Vox

Tiếng ồn duy nhất vang lên khắp nhà ga là tiếng phát thanh hướng dẫn thủ tục cho hành khách. Mọi người sẽ được đưa đến các cơ sở kiểm dịch. Từng người một, tên và năm sinh của họ được vang lên trước khi họ lên xe bus đến nơi xét nghiệm Covid-19. Nếu dương tính, họ sẽ được chuyển thẳng đến bệnh viện để cách ly và điều trị.

Sẽ chẳng ai có thể nghĩ đến cảnh tượng này xảy ra ở các thành phố phương Tây như New York hay Paris - nơi mà ngay cả việc đeo khẩu trang hay đóng cửa biên giới một năm trước còn được coi là khó khả thi.

Việc đóng cửa biên giới đi kèm với rất nhiều sự đánh đổi, từ những người lao động trong ngành du lịch mất việc làm, hay những người buộc phải xa quê hương. Do khả năng tiếp cận các chuyến bay hồi hương còn hạn chế, hàng nghìn người đang đợi đơn đăng ký được chấp thuận, thị trường chợ đen vé máy bay lại mọc lên. Vài người đồng ý trả tới 10.000 USD cho một chỗ ngồi, rất nhiều trong số họ đã bị lừa.

Báo Mỹ: Bất chấp cảnh báo của chuyên gia, bất lợi từ đóng cửa biên giới, nhờ đâu Việt Nam thành công? - Ảnh 6.

Giám đốc phòng thí nghiệm chiến lược toàn cầu của Đại học York, ông Steven Hoffman cho biết, một thách thức khác đã nảy sinh bởi việc hạn chế đi lại rất khó để hiệu chỉnh một cách chính xác. Hiện tại, khi Việt Nam cân nhắc lợi ích của hộ chiếu vaccine và cách tiếp cận mới với du lịch quốc tế, những "bức tường thành" trước đó sẽ dần gỡ bỏ.

Phản ứng nhanh chóng của Việt Nam trong công cuộc đối phó với đại dịch Covid-19 được coi là động lực truyền cảm hứng, đặc biệt khi quốc gia này có chung đường biên giới với Trung Quốc. Cuối cùng, một điều mà các quốc gia khác cần rút ra đó là, trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, bất kể ở vị trí nào, các quốc gia đều có khả năng kết nối nhanh chóng. Có thể nói, các nước này đều chung "biên giới" với Trung Quốc.

Tham khảo Vox

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại