Bạo loạn ác liệt, nước bị EU ra 'tối hậu thư' gửi lời đặc biệt tới Nga: Kremlin tiết lộ 1 mưu đồ

Tùng Chi |

Cửa sổ và cửa kính ở lối vào tòa thị chính bị đập vỡ, hàng nghìn người đang tham gia các cuộc biểu tình phản đối cuộc bầu cử ở Serbia, tạo nên một đợt bạo loạn quy mô lớn.

Bạo loạn ở Serbia

RT đưa tin, một đợt bạo loạn quy mô lớn đã bùng phát ở thủ đô Belgrade (Serbia), với hàng loạt cuộc biểu tình rầm rộ nhằm phản đối kết quả cuộc bầu cử quốc hội Serbia diễn ra ngày 17/12 vừa qua.

Hãng tin Reuters cho biết, hàng nghìn người đã tập trung trước tòa nhà ủy ban bầu cử trung ương ở Belgrade trong ngày 24/12 để phản đối cuộc bầu cử mà các nhà quan sát quốc tế nhận định là "thiếu công bằng".

Dòng người biểu tình đập vỡ cửa sổ và cửa kính ở lối vào tòa thị chính, buộc cảnh sát phải dùng bình xịt hơi cay mới có thể giải tán đám đông vào khoảng 10 giờ tối cùng ngày.

Tiếp đó, dòng người này tuần hành đến đồn cảnh sát trung ương – nơi họ cho là đang giam giữ những người biểu tình trước đó bị bắt giữ.

Bạo loạn ác liệt, nước bị EU ra 'tối hậu thư' gửi lời đặc biệt tới Nga: Kremlin tiết lộ 1 mưu đồ- Ảnh 1.

Hàng nghìn người tham gia biểu tình ở thủ đô Belgrade (Serbia). Ảnh: CNN

Cơ quan an ninh Serbia cho biết, họ đã bắt giữ 38 người trong và sau cuộc biểu tình diễn ra hôm 24/12. Trong quá trình đụng độ với người biểu tình, 8 cảnh sát Serbia đã bị thương, 2 người bị thương nặng.

Hãng tin CNN ghi nhận, đây là đợt biểu tình thứ 6 ở Belgrade, diễn ra liên tiếp sau cuộc bầu cử. Người biểu tình thậm chí dùng cột cờ và đất đá để đập vỡ cửa sổ của tòa nhà.

Ivica Ivkovic, người đứng đầu cơ quan cảnh sát dự kiến "sẽ có thêm nhiều vụ bắt giữ liên quan tới các cuộc biểu tình này" trong những ngày tới.

Theo CNN, Đảng Tiến bộ Serbia (SNS) cầm quyền đã giành được 47% số phiếu trong cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, phái đoàn giám sát quốc tế cho biết, cuộc bầu cử được tổ chức trong "điều kiện thiếu công bằng" như truyền thông có sự thiên vị, có "sự đe dọa và áp lực" đối với cử tri, xuất hiện cả các trường hợp mua phiếu bầu.

Theo Văn phòng OSCE về Thể chế Dân chủ và Nhân quyền (ODIHR) ngày diễn ra bầu cử ở Serbia "có nhiều thiếu sót về thủ tục". Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh những phát hiện này là điều "không thể chấp nhận được" đối với một quốc gia đang giữ tư cách ứng cử viên Liên minh châu Âu (EU).

Chính quyền của Tổng thống Aleksandar Vucic đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng gia tăng trong việc điều tra các báo cáo liên quan tới những bất thường của cuộc bầu cử.

Serbia là quốc gia vùng Balkan đang tìm kiếm tư cách thành viên của EU trong khi vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Nga.

Hồi tháng 5 năm nay, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã ra "tối hậu thư" cảnh báo, việc Serbia có được trở thành thành viên khối này hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố: Trừng phạt Nga và "bình thường hóa quan hệ" với Kosovo.

Ông Borrell nhấn mạnh, việc Serbia tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga sẽ làm tổn hại đến cơ hội gia nhập EU của nước này, đồng thời kêu gọi Belgrade tham gia các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moscow.

Bạo loạn ác liệt, nước bị EU ra 'tối hậu thư' gửi lời đặc biệt tới Nga: Kremlin tiết lộ 1 mưu đồ- Ảnh 2.

Dòng người biểu tình đập vỡ cửa sổ và cửa kính ở lối vào tòa thị chính, buộc cảnh sát phải dùng bình xịt hơi cay mới có thể giải tán. Ảnh: India Today

Serbia gửi lời cảm ơn đến Nga

Phản ứng trước làn sóng biểu tình dâng cao, trong bài phát biểu trước toàn quốc tối 24/12, Tổng thống Vucic kêu gọi người dân Serbia đừng lo lắng bởi "không có cuộc lật đổ nào diễn ra".

"Họ sẽ không thể đạt được bất cứ điều gì bằng cách này và chúng ta hãy cố gắng không làm tổn hại tới bất cứ người biểu tình ngẫu nhiên nào bằng cách phản ứng một cách hòa nhã, hòa bình" – Ông Vuvic nói, đề cập rằng có những phía đang muốn thông qua cuộc biểu tình để hủy hoại quyền tự chủ, độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Serbia.

Tổng thống Serbia đồng thời cảm ơn cơ quan tình báo của các quốc gia nước ngoài đã cảnh báo chính quyền Serbia về cuộc bạo loạn được lên kế hoạch ở thủ đô Belgrade. Thủ tướng Ana Brnabic sau đó tiết lộ Nga là phía đã báo trước cho Belgrade.

Trong ngày 25/12, bà Brnabic đã gửi lời cảm ơn đặc biệt tới cơ quan tình báo Nga vì sự giúp đỡ lần này.

"Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn. Ngày hôm nay, tôi thực sự cảm thấy điều quan trọng là phải đứng lên bảo vệ Serbia và chân thành cảm ơn các cơ quan tình báo Nga đã chia sẻ thông tin về vụ việc cho chúng tôi" - Bà Brnabic phát biểu trên kênh TV Pink của Serbia.

Bạo loạn ác liệt, nước bị EU ra 'tối hậu thư' gửi lời đặc biệt tới Nga: Kremlin tiết lộ 1 mưu đồ- Ảnh 3.

Một người biểu tình tạt nước vào mắt sau khi bị xịt hơi cay. Ảnh: sg.news

Điện Kremlin cảnh báo "âm mưu của bên thứ 3"

Liên quan tới tình hình Serbia, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 25/12 cảnh báo, cuộc bạo loạn ở thủ đô Belgrade là do có sự kích động từ "bên thứ 3", có thể từ nước ngoài.

Phát biểu trước truyền thông, ông Peskov cho biết, không có gì cho thấy sự bất thường trong cuộc bầu cử ở Serbia, các nhà quan sát "đã không ghi nhận được bất cứ hành vi vi phạm nào có thể làm dấy lên nghi ngờ" về độ tin cậy của cuộc bầu cử.

"Rõ ràng, đã có những tiến trình và nỗ lực của các bên thứ 3, bao gồm từ nước ngoài, nhằm kích động tình trạng bất ổn ở Belgrade. Đây là những gì chúng ta đang thấy" – Ông Peskov nói.

Bên cạnh đó, quan chức Điện Kremlin bác bỏ các cáo buộc cho rằng Nga can thiệp vào vấn đề nội bộ của Serbia.

Ông Peskov nhấn mạnh, Moscow duy trì chính sách không can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước khác, điều này "đặc biệt áp dụng với đồng minh và đối tác của Nga là Serbia".

"Serbia có chính quyền hợp pháp, chúng tôi tin rằng họ có khả năng thực hiện mọi biện pháp cần thiết" – Ông Peskov nói.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zahkarova lên tiếng cảnh báo, phương Tây đang "làm biến động tình hình ở Serbia bằng cách sử dụng các mánh lới đảo chính Maidan", đề cập cuộc nổi dậy đã dẫn tới sự lật đổ của chính phủ Ukraine của Tổng thống Viktor Yanukovych vào năm 2014.

Theo Reuters, Moscow đã trở thành một trong những đồng minh thân cận nhất của Serbia trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là sau năm 1999 khi Nga phản đối các cuộc không kích của NATO nhằm vào khu vực Nam Tư hỗn loạn, bao gồm Serbia và Montenegro.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại