Trong một thế giới smartphone đầy những cạnh khóe nhỏ mọn, Apple là ngoại lệ đặc biệt. Gần như trong tất cả các sự kiện của nhà Táo, các sản phẩm đối thủ không bao giờ nhắc đến cả. Mặc cho Samsung, Huawei hay Xiaomi đem Apple ra mỉa mai hết lần này đến lần khác, Apple rất ít khi phản đòn. Sự kiện của nhà Táo thường chỉ dành cho riêng mình hệ sinh thái Táo mà thôi.
Sự kiện iPhone năm nay đã trở thành một ngoại lệ đặc biệt: dù rằng vẫn có những thông điệp khiến fan Táo "lên mây", Apple vẫn dành hẳn 10 giây để tự đem mình ra so sánh cùng đối thủ. Trong 2 slide so sánh, Apple đã truyền tải đi thông điệp rằng, Khoảng cách giữa A12 của năm ngoái và Snapdragon 855 hay Kirin 980 sẽ càng được nơi rộng. Chip A13 trên iPhone 11 là con chip nhanh nhất trên bất kỳ một chiếc smartphone nào từ trước tới nay.
Đây có lẽ là lần đầu tiên Apple chỉ đích danh smartphone cạnh tranh ra so sánh.
Một sự kiện quá nhiều điểm kỳ lạ
Tại sao Apple lại bỗng dưng có một thay đổi lớn đến vậy? Việc chip Apple áp đảo chip Android là điều năm nào cũng xảy ra, và thay vì tự khoe, Apple đã luôn để các kênh YouTube, các trang báo quốc tế hay chính các ứng dụng benchmark "khoe" hộ mình. Năm nay, Apple lại đả kích trực diện các đối thủ trong sự kiện của chính mình...
Có nhiều điểm kỳ lạ khác về sự kiện iPhone 2019. Đầu tiên là danh sách nhân viên được lựa chọn để vén màn các sản phẩm mới của Táo. Nếu như mọi năm Apple thường để các lãnh đạo "chóp bu" lên vén màn sản phẩm thì năm nay cả 2 nhân viên được giao trọng trách vén màn Apple Watch và iPhone 11 có vẻ đều là người gốc Trung Quốc, chưa từng được biết đến trước sự kiện. Đặc biệt hơn, lần đầu tiên trong lịch sử, Apple đã cử một nhân viên gốc Ấn lên trình bày tại sự kiện iPhone. Sri Santhanam, phó chủ tịch mảng kỹ thuật silicon, đã thực hiện một màn giới thiệu chi tiết (và có lẽ là quá khô khan với người dùng phổ thông) về những điểm vượt trội của chip A13.
Một nhân viên gốc Ấn được cử lên "khoe" những khái niệm kỹ thuật khô khan chưa từng thấy.
Những điểm kỳ lạ vẫn chưa dừng ở đây. iPhone năm nay có tên gọi "Pro". iPhone vốn là sản phẩm đại chúng, iPhone 11 Pro cũng chẳng có gì cao siêu đến mức người dùng phổ thông không tiếp cận được – chúng vẫn chỉ là iPhone thôi mà. Quá nhiều điểm kỳ dị trong một sự kiện, bạn có đoán ra lý do tại sao?
Một năm vừa qua
Đơn giản thôi: Apple năm nay muốn đánh mạnh vào những nhóm thị trường vốn đã quen với tâm lý cấu hình và sức mạnh. Nói cách khác, Apple muốn giành từ tay Google những thị trường vốn là "sân nhà" của Android như Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc...
Hãy cùng nhắc lại những gì Apple đã làm được trong năm vừa qua. Ngay trong quý 4 – cũng là mùa mua sắm quan trọng nhất, Apple đã lên tiếng "khoe" rằng iPhone XR là chiếc smartphone bán chạy nhất thế giới. Thông điệp này được nhắc lại trong sự kiện iPhone 11. Quả thật, theo số liệu thống kê của một bên độc lập, iPhone XR đang là chiếc smartphone bán chạy nhất thế giới, vượt mặt cả iPhone XS Max, iPhone 8 lẫn tất cả các mẫu iPhone khác của năm 2018-2019.
Số liệu Informa cho thấy iPhone XR đánh bại tất cả các đối thủ Android (và cả những người anh em iPhone).
Lý do khiến iPhone XR bán chạy tới vậy có thể là bởi, đây là chiếc iPhone duy nhất đón đầu được xu thế của thị trường toàn cầu. Trong nhiều năm qua, thị trường smartphone đã liên tục suy giảm, nhưng giá bán trung bình thì lại gia tăng. Những người iPhone truyền thống thì có thể không mấy ấn tượng với XR, nhưng người dùng vừa rời xa smartphone Android giá rẻ hay tầm trung có thể đã nhìn thấy sức hấp dẫn của dòng smartphone này: iPhone XR có trải nghiệm "tai thỏ" đặc trưng của Táo, có chip mạnh mẽ nhất thế giới (cùng con chip với XS), lại hay được giảm giá đặc biệt tại Trung Quốc và Ấn Độ. Ví dụ, tại Ấn Độ, giá XR chỉ "đội" khoảng 90 USD so với giá gốc tại Mỹ trong khi XS bị đội tới 400 USD.
Những gì vừa xảy ra
Năm nay, Tim Cook sẽ lại càng đẩy mạnh chiến lược XR hơn nữa. iPhone 11, phiên bản kế thừa của iPhone XR, sẽ có giá khởi điểm chỉ còn 700 USD – thấp hơn 50 USD so với giá khởi điểm của XR năm ngoái. XR không bị khai tử như XS và XS Max mà vẫn được giữ lại ở khung giá chỉ 600 USD. Đây cũng là một trong số rất ít dịp hiếm hoi Apple lại giảm giá cho iPhone đời cũ tới 150 USD sau một năm: Apple thực sự muốn đón đầu và giành lấy nhóm người dùng Android đang nâng cấp.
Những gì vừa xảy ra tại sự kiện iPhone cũng chỉ là để phục vụ quyết tâm ấy mà thôi. Chẳng có cách nào tuyệt vời hơn để hút người dùng Android ngoại trừ cách đem chính Android ra so sánh cả. Hãy nhớ rằng Apple dùng iPhone 11 và iPhone XR để so sánh với nhà Android chứ không phải là 11 Pro và XS: Apple muốn nói rằng ngay cả những chiếc iPhone "hạng hai" cũng là quá đủ để vượt mặt Android đầu bảng. Sự có mặt của các nhân viên gốc Á trong vai trò người trình bày là để tạo một bầu không khí thân mật hơn tới các nhóm người dùng gốc Á.
Hình tượng "Pro công nghệ" của iPhone năm nay cũng chỉ vì Apple muốn thu hút một nhóm người dùng mới: những kẻ đã luôn thích đem công nghệ ra nói chuyện.
Ngay cả những chi tiết kỹ thuật khó hiểu vốn chưa từng xuất hiện trong một sự kiện iPhone nào trước đó cũng phục vụ một mục đích dễ hiểu: Apple muốn tạo ấn tượng siêu việt về công nghệ cho iPhone năm nay. Một công ty nổi danh là biết "đọc tâm lý" người dùng, chắc chắn sẽ chỉ tạo ra ấn tượng siêu việt về công nghệ khi đánh vào các nhóm người dùng tự xưng là sành công nghệ - nhóm người dùng Android.
Câu hỏi cuối cùng là, tại sao đến giờ Apple mới làm vậy? Những năm trước, Apple vốn chẳng đoái hoài gì đến lời khiêu chiến của Samsung hay Huawei là bởi doanh số iPhone vẫn đủ cao, đủ ổn định để nhà Táo có thể bỏ qua người dùng Android. Năm nay, iPhone đã suy giảm quá nhiều, Apple cần phải thu hút nhóm người dùng Android đang dần nâng cấp... Và thế là Apple tổ chức một sự kiện kỳ dị và đưa ra thông điệp khiêu chiến mạnh mẽ đến các đối thủ mà Tim Cook đã từng khinh rẻ bỏ qua.