Vì lý do tài chính kiệt quệ và chưa có kết luận điều tra, Asanzo đã có quyết định tạm dừng sản xuất, kinh doanh. Sau khoảng thời gian dài lùm xùm xảy ra tại Asanzo, không chỉ đơn vị này mà dư luận vẫn đang mong chờ câu trả lời chính thức từ cơ quan chức năng để vụ việc sớm kết thúc.
Asanzo tạm dừng sản xuất
Đã hơn 1 tháng kể từ ngày diễn ra họp báo chuyên đề về phòng chống hàng giả, gian lận thương mại do Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì (30.7), ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 cho biết, Chính phủ đã giao việc làm rõ vụ Asanzo cho Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung phối hợp để xác định, làm rõ những hành vi đúng sai của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, đến thời điểm này cơ quan chức năng vẫn chưa công bố kết luận chính thức.
Trong một diễn biến liên quan, mới đây nhất, Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo đăng tải thông cáo báo chí với thông báo tạm ngừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoại trừ hoạt động bảo trì bảo hành nhằm bảo đảm quyền lợi sau mua hàng cho người tiêu dùng.
Theo thông báo, trong thời gian tạm ngừng hoạt động, Công ty Asanzo sẽ cố gắng đảm bảo được quyền lợi của người lao động trong khả năng của công ty và theo quy định của pháp luật.
Ban lãnh đạo và toàn thể công nhân viên lao động Asanzo vẫn hy vọng và mong muốn sớm có một kết luận thanh tra, kiểm tra chính thức để cho công ty Asanzo trở lại hoạt động bình thường, có cơ hội tiếp tục kinh doanh, phục vụ người tiêu dùng, giữ việc làm cho người lao động.
Vì sao VCCI cho rằng Asanzo dán nhãn hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” là đúng pháp luật?
Trong khi các cơ quan chức năng khác chưa lên tiếng, thì tại biên bản làm việc vào ngày 25.7 giữa nhóm giúp việc Tổ công tác VCCI với đại diện Cty Asanzo thì nhóm giúp việc Tổ công tác VCCI cho biết, hiện nay pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết chỉ có quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, không có quy định về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước như trường hợp của Công ty Asanzo.
Tuy nhiên, tại Điều 3 Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20.2.2006 và Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 8.3.2018 đều có giải thích về sản xuất hàng hóa.
Cụ thể, “sản xuất” là các phương thức để tạo ra hàng hóa bao gồm trồng trọt, khai thác, thu hoạch, chăn nuôi, chiết xuất, thu lượm, thu nhặt, đánh bắt, đánh bẫy, săn bắn, chế tạo, chế biến, gia công hay lắp ráp.
Như vậy, nếu Việt Nam là nơi thực hiện hoạt động lắp ráp các linh kiện nhập khẩu thành hàng điện tử thành phẩm thì sẽ là nước sản xuất ra hàng hóa này.
Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, doanh nghiệp được chọn cách ghi cụm từ “xuất xứ”. Trường hợp này doanh nghiệp buộc phải ghi kèm tên nước sản xuất ra hàng hóa đó tức phải ghi xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa mới đúng quy định pháp luật.
Việc ghi xuất xứ Việt Nam trên nhãn cho hàng hóa thuộc loại này chỉ có giá trị thể hiện hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam, tuân thủ quy định pháp luật ghi nhãn hàng hóa của Việt Nam.
Theo đó, VCCI cho rằng, đối với trường hợp sản phẩm điện tử của Công ty Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật.
Trong khi đó, liên quan đến việc điều tra các cáo buộc sản phẩm của Asanzo là “hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt”, “lừa người tiêu dùng”, vừa qua ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo - cho biết, công ty đã tiếp nhiều đoàn công tác thuộc các cơ quan quản lý, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết luận thanh, kiểm tra.
Thế nào là hàng Việt Nam theo dự thảo quy định về “Made in Vietnam”?
Đầu tháng 8, Bộ Công Thương vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Thông tư về tiêu chí dán mác “Made in Vietnam” cho hàng sản xuất trong nước lưu thông trên thị trường nội địa. Theo đó, hàng hoá được coi là của Việt Nam trong các trường hợp sau:
1. Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam như cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng, khoáng sản, động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam, các sản phẩm lấy từ nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải, nơi Việt Nam có quyền khai thác đối với vùng nước, đáy biển và dưới đáy biển theo luật pháp quốc tế...
2. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam và đảm bảo 2 tiêu chí về chuyển đổi mã số (mã HS) và hàm lượng giá trị gia tăng... cũng được xem là hàng Việt Nam.
Về trường hợp hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, Bộ Công Thương xác định hàm lượng giá trị gia tăng được xác định theo 2 công thức gián tiếp hoặc trực tiếp.