Ô tô đua giảm giá, có mẫu giảm trăm triệu
Sau một năm đạt kỷ lục doanh số hơn 500.000 xe, thị trường ô tô Việt Nam đã “quay xe” rất nhanh kể từ đầu 2023 khi doanh số sụt giảm mạnh. Để kích cầu doanh số, hàng loạt hãng sản xuất ô tô buộc phải tung các chương trình giảm giá mạnh cho các mẫu xe chủ lực của mình.
Nhìn vào danh sách các mẫu xe giảm giá thời điểm này, có thể thấy gần như không mẫu xe nào “bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến giảm giá. “Giảm 50, giảm 100% phí trước bạ”, là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất với hàng loạt mẫu xe. Tùy thuộc vào giá bán, mức khuyến mại hãng sản xuất đưa ra tương đương với mức giảm 30 triệu đến cả trăm triệu đồng. Cá biệt có một số mẫu xe, mức giảm giá có thể lên đến 150-200 triệu đồng.
Honda CR-V đang được ưu đãi 150 triệu đồng, 1 năm bảo hiểm thân vỏ kèm voucher phụ kiện trị giá khoảng 50 triệu đồng.
Toyota Vios, Honda City, Toyota Veloz Cross, Kia Seltos, Hyundai Santa Fe, Honda CR-V hay Mazda CX-5, Kia Sorento, Subaru Forester... tất cả đều nằm trong danh sách giảm giá trong giai đoạn này.
Chưa hết, ngoài chương trình giảm giá từ hãng sản xuất, khách mua còn có thể nhận thêm ưu đãi từ phía đại lý để tiếp tục tiết kiệm thêm một khoản khi mua xe. Đó có thể là các loại voucher phụ kiện trị giá đến vài chục triệu, voucher nhiên liệu, các gói bảo hiểm thân vỏ vv…
Có thể nói, chưa khi nào thị trường ô tô Việt Nam giảm giá nhiều và đồng đều ở tất cả model, tất cả hãng sản xuất như giai đoạn này. Tuy nhiên, giảm giá không đồng nghĩa doanh số xe khởi sắc.
Doanh số vẫn lẹt đẹt
Các chỉ số của thị trường ô tô Việt Nam trong 4 tháng đầu năm là rất xấu. Cụ thể, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô của các thành viên thuộc hiệp hội đạt 92.801 xe, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính theo nguồn gốc, xe lắp ráp trong nước đạt 50.017 xe, giảm 39% trong khi xe nhập khẩu đạt 42.784 xe, giảm 16% so với cùng kỳ.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2025, tổng sản lượng ô tô lắp ráp trong nước đạt 133.600 chiếc, giảm 24% so với cùng kỳ.
Chi tiết hơn, nếu nhìn vào danh sách các mẫu xe bán chạy nhất của các hãng sản xuất phổ biến, doanh số của hầu hết model này đều giảm sâu. Chẳng hạn, Hyundai Accent giảm doanh số từ 7.330 chiếc trong 4 tháng đầu 2022 xuống còn 4.993 chiếc, Toyota Corolla Cross giảm từ 7.745 xuống còn 4.727 xe hay Kia Seltos giảm từ 5.457 xe xuống còn hơn 2.000 xe. Trong số này, chỉ có mẫu bán tải Ranger của Ford là tăng doanh số, chủ yếu do tâm lý chờ đợi phiên bản mới của người dùng vào giai đoạn đầu năm ngoái.
Doanh số các mẫu xe chủ lực của các hãng sản xuất lớn giai đoạn 4 tháng đầu 2023 so với cùng kỳ 2022.
Kinh tế khó khăn được xem là nguyên nhân chính khiến sức mua ô tô sụt giảm mạnh trong giai đoạn này. “Mua được một chiếc xe yêu thích với giá rẻ cũng thích thật nhưng bỏ ra một khoản tiền lớn trong giai đoạn này chỉ để phục vụ nhu cầu đi lại là một sự rủi ro lớn”, Hoàng Hà - người có nhu cầu mua ô tô tại Hà Nội chia sẻ.
Anh này tin rằng trong giai đoạn khó khăn hiện nay, việc giữ lại tiền phục vụ cho nhiều nhu cầu thiết yếu khác, hoặc chờ đợi cơ hội đầu tư quan trọng hơn so với việc mua ô tô. Không giống anh Hà, với nhiều người khác, dòng tiền của họ vẫn đang “kẹt” trong một số kênh đầu tư như chứng khoán hay bất động sản.
Thực tế gần đây, dòng tiền cho vay từ các ngân hàng cho việc mua ô tô đã được nới lỏng hơn so với cách đây 1-2 tháng. Mặc dù vậy, tâm lý chung của người dân vẫn khá e dè, muốn chờ đợi những tín hiệu lạc quan hơn từ các chỉ báo kinh tế.
Cho đến thời điểm này khi mà quý II chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc, chưa có những dấu hiệu cho thấy thị trường ô tô Việt Nam sẽ “cất cánh” trở lại. Một số chuyên gia kỳ vọng doanh số xe sẽ khả quan hơn vào thời điểm quý III và cuối năm.
Ô tô lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50% phí trước bạ.
Mới đây, thông tin từ Bộ trưởng Tài chính cho biết Bộ đã trình với Chính phủ về đề xuất giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước và Chính phủ đã đồng thuận với kiến nghị này. Do đó, nhiều khả năng chính sách sẽ sớm được áp dụng ngay như một hình thức “cấp cứu” cho thị trường.
Với việc xe lắp ráp trong nước được giảm 50% phí trước bạ lần thứ 3 trong 3 năm, doanh số ô tô được kỳ vọng sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, cũng có một thực tế đáng lưu ý là trong 2 lần giảm phí trước bạ trước đây, số tiền người dùng tiết kiệm được là không nhiều bởi ngay khi chính sách được áp dụng, nhiều hãng sản xuất đã lập tức “cắt” các chương trình ưu đãi trước đó.
Tuy nhiên, trong cả 2 lần chính sách này được áp dụng vào cuối 2020 và đầu 2022, sức bán của các mẫu xe này đều tăng rất tốt.