Báo động: Một tình trạng cực đoan hoành hành ở châu Á, đẩy con người tới "giới hạn sống sót"

Thi Anh |

"Chúng ta sẽ tiến gần tới giới hạn sống sót vào giữa thế kỷ này", Tiến sĩ Chandni Singh nhấn mạnh.

Sóng nhiệt dài hơn, thường xuyên hơn

Những trận mưa rào lớn ở miền Bắc Ấn Độ hồi cuối tháng 6 đã phần nào mang tới sự xoa dịu tạm thời giữa đợt sóng nhiệt dữ dội càn quét khắp khu vực. Tuy nhiên, nhiệt độ dự kiến vẫn ở mức cao tại nhiều khu vực khác, cho thấy hàng triệu người ở quốc gia đông dân nhất thế giới nằm trong số những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ khủng hoảng khí hậu.

Cơn mưa rào tại Uttar Pradesh là sự thay đổi đáng hoan nghênh đối với bang 220 triệu dân ở miền Bắc Ấn Độ sau khi nhiệt độ đo được ở khu vực này chạm mốc 47 độ C, khiến hàng trăm người bị ốm, mắc các bệnh liên quan tới nhiệt độ. Nhờ đợt mưa rào, nền nhiệt tại Lucknow (thành phố thuộc Uttar Pradesh) đã hạ xuống mức 32 độ C.

Tuy nhiên, bang kề cận Bihar không được may mắn như vậy. Nắng nóng đã kéo dài sang tuần thứ 2, khiến bang này phải quyết định tạm thời cho học sinh nghỉ học.

Theo Cơ quan Khí tượng Ấn Độ (IMD), nhiệt độ dự kiến sẽ hạ nhẹ trong vài ngày tới, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng khủng hoảng khí hậu sẽ gây ra các đợt sóng nhiệt dài hơn và thường xuyên hơn trong tương lai, thách thức khả năng thích ứng của Ấn Độ.

"Sẽ có hàng triệu người bị ảnh hưởng", Tiến sĩ Chandni Singh - chuyên viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Định cư Con người Ấn Độ cho rằng số người tử vong do nắng nóng tùy thuộc vào mức độ ứng phó của hệ thống y tế. "Nhưng chắc chắn là chúng ta sẽ tiến gần tới giới hạn về khả năng sống sót vào giữa thế kỷ này".

Vượt giới hạn sống sót của con người

Ấn Độ thường đón các đợt sóng nhiệt vào những tháng mùa hè như tháng 5, tháng 6 nhưng trong vài năm gần đây, tình trạng này tới sớm hơn và kéo dài lâu hơn. Năm ngoái, ngay từ tháng 4, Ấn Độ đã có 1 đợt sóng nhiệt kéo dài 7 ngày liên tiếp ở thủ đô New Delhi với mức nhiệt hơn 40 độ C.

Tại nhiều bang, nắng nóng còn gây thiệt hại mùa màng, khiến trường học phải đóng cửa, gây ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng trong khi giới chức Ấn Độ khuyến cáo người dân ở trong nhà và giữ cho cơ thể không bị mất nước.

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, Ấn Độ nằm trong số các nước dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu của Đại học Cambridge thì cho rằng sóng nhiệt tại Ấn Độ đang tạo ra những gánh nặng chưa từng có đối với ngành nông nghiệp, kinh tế và hệ thống y tế công cộng của nước này, kéo lùi nỗ lực phát triển của Ấn Độ.

"Các mô phỏng dự đoán dài hạn cho thấy sóng nhiệt ở Ấn Độ có thể vượt mức giới hạn sống sót đối với một người khỏe mạnh nghỉ ngơi trong bóng râm vào năm 2050", nghiên cứu nhấn mạnh, "Tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống của khoảng 310-480 triệu người. Ước tính cho thấy khả năng lao động ngoài trời vào thời điểm ban ngày sẽ giảm 15% do nắng nóng cực đoan vào 2050".

Tiến sĩ Singh cho hay, Ấn Độ đã có những bước đi nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng nhiệt độ cao, bao gồm điều chỉnh giờ làm việc cho một bộ phân lao động ngoài trời và tăng cường tuyên truyền về nắng nóng. Tuy nhiên, tác động của nắng nóng cực đoan sẽ tác động tới môi trường, mức tiêu thụ năng lượng và hệ sinh thái, bà Singh cảnh báo.

Chuyện không của riêng Ấn Độ

Sóng nhiệt ở miền Bắc Ấn Độ xảy ra trong khi khu vực Đông Bắc nước này phải đối mặt với mưa lớn. Những trận mưa đầu mùa ở Assam đã gây sạt lở đất, ngập lụt, biến đường phố thành sông và nhấn chìm cả ngôi làng, gây ảnh hưởng tới gần nửa triệu người.

Ấn Độ không phải quốc gia duy nhất trong khu vực phải đối mặt với tình trạng nắng nóng kéo dài trong thời gian gần đây.

Nhiệt độ ở Đông Bắc Trung Quốc dự kiến ở mức cao trong vài ngày tới, với mức nhiệt hơn 40 độ C tại một vài thành phố, cơ quan quan sát khí tượng của Trung Quốc ghi nhận.

Trong khi đó, tại thủ đô Islamabad của Pakistan, nhiệt độ đã tăng lên tới 39 độ C vào tuần cuối tháng 6.

Theo CNN, các nghiên cứu cảnh báo: Tác động của nắng nóng cực đoan có thể rất dữ dội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại