Mới đây, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ leo thang căng thẳng, báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo đã đăng tải bài xã luận bác bỏ những cáo buộc của Mỹ đối với Bắc Kinh.
Tờ này chỉ trích, một bộ phận người Mỹ coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là "xâm lược kinh tế", "bành trướng địa chính trị", "phá hoại quy tắc quốc tế" và hiện nay những lập luận này đã trở thành phát ngôn chính thức của giới chức Nhà Trắng.
"Ngày 17/9, trong một bài phát biểu, nhà lãnh đạo Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự thịnh vượng và phát triển lành mạnh lâu dài của nền kinh Mỹ". Hơn nữa, ngày 4/10, Phó Tổng thống Mỹ nói rằng "thành công của Trung Quốc phần lớn được thúc đẩy bởi đầu tư của Mỹ ở Trung Quốc", "chúng tôi đã xây dựng lại Trung Quốc trong 25 năm qua"", báo Trung Quốc cho rằng đây là những phát ngôn vô lý của Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trên boong tàu sân bay USS Gerald R. Ford tại căn cứ Hải quân Norfolk, Virginia hồi tháng 7/2017. Ảnh: Jonathan Ernst / Reuters
Trước cáo buộc Trung Quốc có những hành vi bất công bằng trong thương mại song phương, tạo ra con số thâm hụt thương mại lớn lên tới 200 tỷ USD, Nhân dân nhật báo cho rằng, đây là cách tính sai bởi thương mại là sự bổ trợ lẫn nhau và cần sự đồng thuận của hai bên trong các giao dịch.
"Nước Mỹ có nhu cầu thị trường rất lớn đối với Trung Quốc cả về mua lẫn bán. Theo thống kê của Liên hợp quốc, trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đạt hơn 129 tỷ USD, tăng 577% so với năm 2001, vượt xa mức tăng trưởng 112% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu cùng kỳ.
Con số này vẫn còn bị hạn chế bởi một số mặt hàng công nghệ không được chính phủ Mỹ cho phép trao đổi với Trung Quốc. Nếu Mỹ sẵn sàng bán sản phẩm công nghệ cao, thử hỏi sẽ còn có số thâm hụt lớn như vậy không?", báo đảng Trung Quốc viết.
"Ví dụ, Mỹ có muốn bán tàu sân bay lớp Ford không? 1 chiếc tàu bán với giá 15 tỷ USD, nếu bán cho Trung Quốc 4 chiếc thì có thể lấp đầy số thâm hụt là 60 tỷ USD. Cho dù không bàn đến giá cả quá cao của những chiếc tài kia, chỉ cần Mỹ hơi nới lỏng những hạn chế xuất khẩu với Trung Quốc thì thâm hụt thương mại sẽ không rơi vào trạng thái hiện nay.
Theo báo cáo vào tháng 4/2017 của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nếu Mỹ nới nỏng hạn chế xuất khẩu với Trung Quốc, giữ ở mức như đối với Brazil thì thâm hụt thương mại có thể được giảm 24%, nếu nới lỏng tới mức như đối với Pháp, thâm hụt thương mại có thể được giảm 35%. Có thể thấy rằng, vấn đề không phải là "Trung Quốc không mua" mà là "Mỹ không bán"", báo Trung Quốc giải thích.
Cuối cùng, tờ này nhấn mạnh: "Thế giới ngày nay là trong tôi có anh, trong anh có tôi nên nếu ai theo đuổi chủ nghĩa đơn phương và tư duy thiếu cân bằng cố chấp thì sẽ không có tương lai".