Báo đảng TQ "đá xoáy" chính sách của Tập Cận Bình?

Thủy Thu |

Trang Đa Chiều (Mỹ) cho hay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây tiếp tục bị "thách thức" bởi chính cơ quan truyền thông dưới quyền.

Sau khi chính sách "truyền thông nhà nước mang họ đảng" được ông Tập đề ra hồi giữa tháng 2 nhằm kiểm soát thông tin, dư luận Trung Quốc đã nổi lên rất nhiều luồng ý kiến trái chiều nhưng báo giới phổ thông nước này dường như lại chọn cách "im lặng".

Đi ngược lại với xu hướng chung, Tân Kinh (The Beijing News, Trung Quốc), được mệnh danh là "tờ báo thẳng thắn của phương Bắc" đã đăng tải bài viết được cho là phản đối chính sách của ông Tập.

Bài báo có tiêu đề "Phóng viên phản ánh đúng sự thật thì liên quan gì đến an ninh quốc gia?"

Nội dung bài viết đề cập đến một tin nhắn đe dọa bị lộ của Giang Dũng - Chủ nhiệm Trung tâm thông tin thuộc Ban tuyên giáo thành phố Hàng Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Theo nguồn thạo tin cho hay, đoạn tin nhắn của Giang Dũng có nội dung yêu cầu cơ quan an ninh "xử lý" ba phóng viên đã phản ánh những mặt tiêu cực ở Hàng Dương.

Ngay sau đó, bài xã luận của Tân Kinh đã đặt nghi vấn và cho rằng "điều bị đe dọa thật sự không phải là an ninh quốc gia mà là an toàn cá nhân".

"Quan chức và phóng viên phát sinh mâu thuẫn là chuyện thường xảy ra. Nếu hai bên 'phối hợp ăn ý' thì thứ bị hy sinh chính là quyền được biết của dư luận, " Tân Kinh bình luận.

Ngày 10/4, tài khoản Wechat của Tân Kinh đã đăng bài viết trên nhưng xóa ngay sau đó. Điều này khiến dư luận Trung Quốc rất ngỡ ngàng bởi đây là tờ báo thuộc chủ quản của Ban tuyên giáo thành ủy Bắc Kinh lại công khai "thách thức" ông Tập Cận Bình.

Sự ra đời của tờ Tân Kinh năm 2003 là kết quả hợp tác của Quang Minh Nhật báo, một tờ báo cơ quan thuộc ĐCSTQ và Phương Nam Nhật báo của tỉnh ủy Quảng Đông, Trung Quốc.

Đặc biệt hơn, sau khi bài viết trên bị xóa, tờ báo này lại đăng một bài xã luận khác với tựa đề "Vì sao khái niệm 'dư luận ngày nay không ổn' lại thịnh hành như thế?"

Trước đó ngày 21/3, Tổng biên tập báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo, ông Dương Chấn Vũ ngoài việc nhấn mạnh chính sách "truyền thông nhà nước mang họ đảng" của ông Tập, còn đề xuất hệ thống truyền thông mới hiện nay cũng cần mang "họ đảng".

Truyền thông Hồng Kông bình luận, lợi ích đa chiều của các tầng lớp khác nhau trong xã hội Trung Quốc ngày càng rõ rệt. Nếu tiếng nói dư luận đồng nhất thì đó không phải là ý kiến của dư luận.

"Trung Quốc hiện thiếu những ý kiến phê bình có chất lượng và mang tính xây dựng", Đa Chiều nhận xét.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại