Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng vì những chính sách, điều luật và quy định của Bộ Tư pháp Mỹ nên bản báo cáo sẽ không được công khai. Dưới đây là những phân tích của John G. Malcolm - phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính phủ lập hiến của The Heritage Foundation về những gì có thể xuất hiện trong bản báo cáo của Mueller.
Vào ngày 22.3, Tổng Chưởng lý William Barr thông báo với chủ tịch và những thành viên của các ủy ban tư pháp thuộc lưỡng viện Mỹ về việc Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã kết thúc cuộc điều tra và đệ trình báo cáo cuối cùng. Hai ngày sau, ông Barr đã gửi một lá thư thông tin cho họ về "những kết luận cơ bản" đạt được bởi ông Mueller. Dưới đây là một số thông điệp chính.
Đầu tiên, không ai trong Bộ Tư pháp gây trở ngại với cuộc điều tra của ông Mueller. Khi cuộc điều tra đang diễn ra, nhiều người thuộc cánh tả bày tỏ những quan ngại rằng tổng thống Donald Trump sẽ ra lệnh cho Phó tổng Chưởng lý Rod Rosenstein chấm dứt cuộc điều tra, hoặc quyền Tổng Chưởng lý Matthew Whitaker hay Tổng Chưởng lý Barr có thể sẽ làm điều này. Nhưng không điều gì trong những điều trên xảy ra. Trong tuyên bố ngày 22.3, ông Barr nói rằng những quy định đòi hỏi ông phải thông tri cho Quốc hội bất cứ trường hợp nào, trong đó Tổng Chưởng lý "kết luận rằng một hành động được đề xuất bởi Công tố viên đặc biệt là không thích đáng hay phi pháp mà theo quy định của Bộ Tư pháp là nó không nên được tiếp tục". Và không có một trường hợp nào như vậy.
Thứ 2, Công tố viên đặc biệt đã tổ chức một cuộc điều tra kỹ lưỡng, điều không ngạc nhiên với những ai quen Robert Mueller và biết tới danh tiếng của ông. Kể từ khi ông Mueller được bổ nhiệm vào tháng 5.2017 cho tới khi xuất hiện lá thư của ông Barr vào ngày 24.3, Công tố viên đặc biệt đã "sử dụng đội ngũ 19 luật sư được hỗ trợ bởi một đội khoảng 40 đặc vụ FBI, các nhà phân tích tình báo, nhân viên kiểm toán và các chuyên viên khác". Văn phòng của ông Mueller đã "đưa ra hơn 2.800 trát đòi hầu tòa, thực thi gần 500 lệnh khám xét, giành được 230 lệnh ghi âm hội thoại, đưa ra gần 50 lệnh cho phép sử dụng lưu trữ thông tin danh bạ, đưa ra 13 yêu cầu với các chính phủ nước ngoài để thu thập bằng chứng và phỏng vấn khoảng 500 nhân chứng". Đây là cuộc điều tra cực kỳ tỉ mỉ!
Tại thời điểm được bổ nhiệm, ông Mueller nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các đảng viên Dân chủ. Ví dụ, Thượng nghị sĩ New York Chuck Schumer nói rằng: "Cựu giám đốc [FBI] Mueller chính xác là người thích hợp cho công việc này". Trong khi đó, Hạ nghị sĩ California Adam Schiff gọi ông Mueller là "lựa chọn chắc chắn". Sẽ rất thú vị nếu được nghe những gì họ nói trong những ngày sắp tới.
Thứ 3, người Nga rõ ràng có ý định can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 (cũng như nhiều cuộc bầu cử khác). Những cá nhân liên đới với chính phủ Nga thực hiện điều này chủ yếu qua 2 cách. Họ sử dụng một tổ chức của Nga "để chỉ đạo các hoạt động truyền thông xã hội và đánh lạc hướng thông tin tại Hoa Kỳ" nhằm gây bất hòa trong xã hội. Tổ chức này đã "hack thành công vào các máy tính và có được những email từ các thành viên trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton và các tổ chức thuộc đảng Dân chủ, và phổ biến công khai chúng thông qua nhiều phương tiện trung gian, bao gồm WikiLeaks".
Thứ 4, không có sự câu kết [với người Nga]. Ông Barr thông báo cho các ủy ban tư pháp rằng một "lý do chủ yếu" của cuộc điều tra mà ông Mueller thực hiện là để xác định "liệu có người Mỹ nào - bao gồm cả những cá nhân liên quan tới chiến dịch tranh cử của ông Trump - tham gia vào âm mưu của Nga để gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử, điều sẽ là một tội ác liên bang". Trích dẫn bản báo cáo của ông Mueller, ông Barr tuyên bố rằng "cuộc điều tra không xác minh được các thành viên trong chiến dịch tranh cử của ông Trump có âm mưu hay phối hợp với chính phủ Nga trong các hoạt động can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử".
Thứ 5, việc xác định cản trở luật pháp thiếu dứt khoát. Sau một "cuộc điều tra căn cứ vào sự thật một cách kỹ lưỡng", Mueller "xác định không đưa ra khởi tố", thay vào đó lựa chọn đưa ra "chứng cứ của vấn đề".
Trích dẫn từ bản báo cáo, ông Barr tuyên bố rằng trong khi báo cáo "không kết luận rằng tổng thống đã phạm tội nhưng nó cũng không giải trừ tội cho ông". Thay vào đó, ông Barr tuyên bố sau khi hỏi ý kiến các quan chức của bộ và "áp dụng các nguyên tắc cơ bản trong hướng dẫn tố tụng liên bang" để đưa ra quyết định, ông và ông Rosenstein kết luận rằng chứng cứ "không đủ để thiết lập rằng tổng thống đã phạm tội cản trở luật pháp".
Đáng chú ý, Barr tuyên bố rằng họ đã đưa ra quyết định mà không xem xét tới "những điều khoản trong hiến pháp" về việc khi nào thì một tổng thống đang đương nhiệm có thể bị truy tố. Nói cách khác, họ cho rằng tổng thống Trump [có thể đã phạm tội], nhưng xác định rằng những sự thật có được không đủ để buộc tội ông. Không ngạc nhiên khi rất khó để chứng minh một cá nhân giả đò có ý định mua chuộc cần thiết để cản trở cuộc điều tra đang diễn ra.
Hơn nữa, luôn luôn có trường hợp một ai đó cố gắng cản trở một cuộc điều tra khi họ biết rằng họ, thực tế phạm vào tội đang bị điều tra. Đặc biệt hiếm có ai nỗ lực ngăn chặn một cuộc điều tra khi anh ta vô tội với những gì đang điều tra, và khi cuộc điều tra gần như là để giải tội cho anh ta. Trong trường hợp này, ông Trump đã nhấn mạnh kể từ khi bắt đầu cuộc điều tra rằng không có sự câu kết, và cuộc điều tra của ông Mueller có vẻ như để chứng minh điều này.
Thứ 6, chúng ta không biết sẽ có bao nhiêu điều trong báo cáo của ông Mueller được đưa ra ánh sáng. Vào ngày 14.3, Hạ viện đã nhất trí thông qua nghị quyết - yêu cầu ông Mueller phải công khai toàn bộ bản báo cáo. Ngài tổng thống cũng muốn toàn bộ bản báo cáo được đưa ra. Và ông Barr đã tuyên bố rằng ông vẫn "cam kết minh bạch hết sức có thể". Vậy vấn đề là gì?
Vấn đề như ông Barr vạch ra trong lá thư ngày 24.3 là, các điều luật, quy định và chính sách lâu nay của Bộ Tư pháp hạn chế những gì ông có thể đưa ra. Trở ngại lớn nhất theo ông Barr là: điều "rõ ràng" là bản báo cáo có những tài liệu có quan hệ tới "những vấn đề xảy ra trước bồi thẩm đoàn", và các nguyên tắc giới hạn việc lộ ra tài liệu như vậy. Hơn nữa, các chính sách của Bộ Tư pháp đòi hỏi các công tố viên liên bang phải "cẩn trọng với những lợi ích cá nhân và danh tiếng của những bên thứ 3 không bị quy tội". Và, tất nhiên vẫn còn những trường hợp chưa xử lý trong cuộc điều tra của Mueller. Như ông Barr tuyên bố, ông phải cẩn thận để không lộ ra những tin tức "có thể tác động tới những vấn đề đang diễn ra, bao gồm cả những gì mà Công tố viên đặc biệt đã chuyển giao cho các văn phòng khác".
Thứ 7, sẽ có thêm nhiều cuộc điều tra diễn ra với tòa án làm mệt mỏi dư luận. Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler, một đảng viên Dân chủ, đã thề sẽ tiếp tục điều tra ngài tổng thống. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham, một đảng viên Cộng hòa, cũng thề sẽ điều tra cáo buộc lạm dụng bộ luật Giám sát Tình báo nước ngoài khi bắt đầu vụ điều tra Nga cũng như việc tổ chức điều tra của FBI, ông còn đi xa hơn khi yêu cầu Tổng Chưởng lý Barr bổ nhiệm một Công tố viên đặc biệt mới, để điều tra "mặt khác của câu chuyện". Đây sẽ là một chặng đường rất gập ghềnh.