Ảnh: Wire Feeds
"Gần một nửa nhân loại đang sống trong vùng nguy hiểm - ngay bây giờ. Nhiều hệ sinh thái đang ở điểm không thể quay trở lại - ngay bây giờ. Ô nhiễm carbon không được kiểm soát đang ghì buộc những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới rơi vào sự hủy diệt - ngay bây giờ" - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tuyên bố trên website chính thức của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Đó là những lời trăn trở của ông sau khi xem xét bản báo cáo bất thường của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) vừa công bố ngày 28/2/2022.
Vào ngày 28/2/2022, tập thể khoảng 200 các nhà khoa học của Liên Hợp Quốc đã đưa ra một cảnh báo rõ ràng về tác động của biến đổi khí hậu đối với con người và hành tinh. Bảo báo cáo của IPCC nói rằng sự sụp đổ hệ sinh thái, sự tuyệt chủng của các loài, các đợt nắng nóng chết người và lũ lụt là bốn trong những “hiểm họa khí hậu không thể tránh khỏi” mà thế giới sẽ phải đối mặt trong 2 thập kỷ tới do sự nóng lên toàn cầu.
Bình thường, các báo cáo khổng lồ này sẽ được IPCC đưa ra sau từ 5 đến 7 năm một lần. Tuy nhiên, đứng trước hiện thực này, họ đã phải liên tục báo động. Bản báo cáo dài 36 trang của IPCC công bố ngày 28/2/2022 được cô đọng từ hơn 1.000 trang dữ liệu, do hàng trăm các nhà khoa học thực hiện rồi chỉnh sửa từng dòng một.
TỪ "MÃ ĐỎ" CHUYỂN SANG "NỖI THỐNG KHỔ"
Báo cáo của IPCC công bố ngày 28/2/2022 là báo cáo thứ 2 trong một loạt 3 báo cáo từ các nhà khoa học khí hậu hàng đầu của Liên Hợp Quốc; và nó được đưa ra chỉ hơn 100 ngày kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra tại Glasgow (COP26) hồi tháng 11/2021, nhất trí đẩy mạnh hành động để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C và ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres trước đó gọi báo cáo đầu tiên được IPCC ban hành vào ngày 9/8/2021 là "Mã màu đỏ cho nhân loại".
Sang đến bản báo cáo mới nhất này, ông António Guterres cho biết: Bằng chứng do IPCC trình bày chi tiết không giống bất cứ thứ gì ông ấy từng thấy, và gọi đó là "Tập bản đồ về nỗi thống khổ của con người và một bản cáo trạng đanh thép về sự thất bại trong lãnh đạo toàn cầu về khí hậu", UN/News thông tin.
Trước những bằng chứng thảm khốc đó, điều cần thiết là phải đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ C, và giới khoa học cho thấy điều đó sẽ yêu cầu thế giới cắt giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
"Nhưng theo các cam kết hiện tại, lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng gần 14% trong thập kỷ hiện tại. Đó là một thảm họa" - Tổng thư ký LHQ nói.
Ông António Guterres - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Ảnh: UN
Tổng thư ký LHQ giải thích, một trong những sự thật cốt lõi của báo cáo là: Than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác đang làm nghẹt thở nhân loại; đồng thời kêu gọi tất cả các chính phủ G20 tuân thủ các thỏa thuận của họ để ngừng tài trợ cho than ở nước ngoài và hiện phải khẩn trương làm điều tương tự ở trong nước.
Tổng thư ký LHQ đã nói "Nhiên liệu hóa thạch - Đây chính là 'ngõ cụt' cho hành tinh của chúng ta, cho nhân loại, cho các nền kinh tế", đồng thời kêu gọi các nước phát triển, các Ngân hàng Phát triển Đa phương, các nhà tài chính tư nhân và những người khác thành lập liên minh để giúp các nền kinh tế mới nổi lớn chấm dứt việc sử dụng than đá.
Hơn nữa, ông nói rằng những gã khổng lồ dầu khí - và những người bảo lãnh cho họ - cũng phải chú ý. "Bạn không thể tuyên bố là xanh trong khi các kế hoạch và dự án của bạn làm suy yếu mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và bỏ qua việc cắt giảm lượng khí thải lớn phải thực hiện trong thập kỷ này".
Thay vì làm chậm quá trình khử cacbon của nền kinh tế toàn cầu, giờ là lúc để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sang một tương lai năng lượng tái tạo.
Trên thực tế, báo cáo ngày 28/2 tập trung vào các tác động, thích ứng và tính dễ bị tổn thương, tiết lộ cách con người và hành tinh đang bị biến đổi khí hậu "che lấp" như thế nào.
Tổng thư ký António Guterres nói rằng ông biết người dân ở khắp mọi nơi đang lo lắng và tức giận. "Tôi cũng vậy. Bây giờ là lúc để biến cơn thịnh nộ thành hành động. Mọi phần nhỏ của các nỗ lực đều rất quan trọng. Mọi giọng nói đều có thể tạo ra sự khác biệt. Và mỗi giây đều quan trọng".
HIỆN THỰC CỦA THẾ GIỚI VÌ NÓNG LÊN TOÀN CẦU
Hoesung Lee, Chủ tịch IPCC cho biết trên website chính thức của LHQ rằng: "Báo cáo ra ngày 28/2 của IPCC là một cảnh báo nghiêm trọng về hậu quả của việc không hành động. Các bằng chứng khoa học tích lũy đã rõ ràng: Biến đổi khí hậu là một mối đe dọa đối với hạnh phúc của con người và sức khỏe hành tinh".
Đây là những dẫn chứng của IPCC:
IPCC nói rằng các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt gia tăng đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của thực vật và động vật, dẫn đến tử vong hàng loạt ở các loài như cây cối và san hô. Các hiện tượng thời tiết cực đoan này đang diễn ra đồng thời, gây ra các tác động tầng tầng lớp lớp ngày càng khó quản lý.
Các cơn bão trở lại vào năm 2020 đã gây ra tàn phá và lũ lụt khắp Trung Mỹ, khiến hàng nghìn người mất nhà cửa. Ảnh: UNICEF / Inti Ocon / AFP-Services
Riêng đối với con người, nóng lên toàn cầu đã khiến hàng triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và mất nguồn nước nghiêm trọng, đặc biệt là ở châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ, trên các đảo nhỏ và Bắc Cực.
IPCC cho biết đã có ít nhất 3,3 tỷ người dân 'rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu' và có nguy cơ tử vong do thời tiết khắc nghiệt cao gấp 15 lần.
Trong khi đó, những đứa trẻ sống vào năm 2100 sẽ phải trải qua thời kỳ khí hậu khắc nghiệt gấp 4 lần so với hiện tại. Và nếu nhiệt độ tăng thêm gần 2 độ C kể từ bây giờ, chúng sẽ sống trong một thế giới đầy lũ lụt, bão, hạn hán và sóng nhiệt cao gấp 5 lần.
Tồi tệ hơn, sẽ có thêm nhiều người chết mỗi năm vì các đợt nắng nóng, dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt, ô nhiễm không khí và nạn đói vì hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Các tác giả của báo cáo cho biết, cứ 1/10 độ ấm lên, lại có thêm nhiều người chết vì căng thẳng nhiệt; các vấn đề về tim và phổi do nhiệt và ô nhiễm không khí; các bệnh truyền nhiễm; bệnh do muỗi và đói kém.
Không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người, biến đổi khí hậu còn có nguy cơ gây thiệt hại hàng tỷ USD, thậm chí hàng nghìn tỷ USD.
Báo cáo của IPCC kết luận, nếu hiện tượng ấm lên toàn cầu không nhanh chóng được các quốc gia chung tay kìm giữ, thì việc Trái Đất thường xuyên bị ảnh hưởng bởi sức nóng chết người, hỏa hoạn, lũ lụt và hạn hán trong những thập kỷ tới sẽ còn tồi tệ hơn nữa theo 127 cách, với một vài trong số đó 'có khả năng không thể đảo ngược'.
Nguồn: UN, DM