Bão biển đã phá hủy lô tên lửa S-400 Trung Quốc ra sao?

Anh Minh |

Có thông tin nói Trung Quốc đã đặt mua từ Nga một số tên lửa đất đối không tiên tiến dùng cho hệ thống S-400.

Nhưng tàu chuyên chở số tên lửa này gặp bão trên biển, gây hư hại hoàn toàn. Khi đến Trung Quốc, người ta nhận thấy các tên lửa 40N6 phải được mang trở về Nga và tiêu hủy.

Phóng viên tạp chí Aviation Week & Space Technology đã có mặt tại triển lãm vũ khí và công nghệ quốc phòng ở Abu Dhabi (UAE) mang tên IDEX 2019.

Anh ta đã đến gặp Sergey Chemezov, Giám đốc Tập đoàn Rostec của Nga và hỏi rằng có phải một chuyến hàng gần đây giao các hệ thống phòng không S-400 cho Trung Quốc bao gồm cả các tên lửa 40N6 mới.

Ông Chemezov thừa nhận rằng tất cả các tên lửa trong chuyến hàng này đã bị phá hủy. Vụ việc xảy ra trên biển, được hãng thông tấn Nga TASS tường thuật lại hôm 19/1. Cũng trong ngày hôm đó, tạp chí Maritime Bulletin xác định con tàu gặp sự cố là tàu Nikifor Begichev.

Tàu rời cảng Ust-Luga ở tỉnh Leningrad vào ngày 30/12/2018, hướng tới Trung Quốc. Báo chí Nga cũng xác định Ust-Luga cũng chính là cảng mà từ đây một chuyến hàng khác chuyên chở hệ thống tên lửa S-400 đã được thực hiện hồi đầu năm 2018

Tạp chí Maritime Bulletin viết như sau: “Trong đêm mùng 3 tháng giêng gặp bão và rắc rối xảy ra với món hàng cồng kềnh trên boong. Con tàu có nhiều lúc trôi dạt không định hướng và vào khoảng 5 giờ ngày 3 tháng Giêng, quay trở về. Các loại hỏng hóc, chưa rõ. Tàu quay về Ust-Luga vào ngày 9 tháng giêng”.

Bão biển đã phá hủy lô tên lửa S-400 Trung Quốc ra sao? - Ảnh 1.

Các xe bệ phóng tự hành của hệ thống phòng không S-400 Triumf

Theo những gì được phóng viên ghi âm lại ở họp báo, ông Chemezov nói các tên lửa bị hư hỏng đã được “thanh lý” và nhà thầu Rostec đang sản xuất đợt hàng mới.

Tên lửa 40N6 là một trong những loại hỏa tiễn phòng không tiên tiến nhất hiện nay. Nó được hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumf sử dụng.

Giống như hệ thống phòng không Patriot của Mỹ, S-400 có thể sử dụng nhiều loại tên lửa để đánh chặn các mối nguy khác nhau, và 40N6 là tên lửa mới nhất được phát triển cho hệ thống này.

Nó có năng lực bắn hạ các máy bay do thám, thu thập tình báo, máy bay cảnh báo sớm, ví dụ như loại E-3 AWACS trong quân đội Mỹ và NATO. 40N6 có tầm bắn tối đa 380km, độ cao tối đa 30.000m.

Theo báo chí Nga, tên lửa có thể đạt tốc độ Mach 3.42 (hơn 4.200km/h) , nhưng một báo cáo năm 2015 của phía Mỹ nói tốc độ tối đa của nó ở mức kinh hoàng hơn rất nhiều: Mach 14 (16.700km/h).

Không nghi ngờ gì nữa, S-400 là một hệ thống tên lửa cực kỳ nguy hiểm. Các radar của nó được thiết kế để chống lại các hoạt động gây nhiễu của đối phương. Radar thu của hệ thống có một số năng lực phát hiện máy bay tàng hình.

Hệ thống S-400 có thể cùng lúc theo dõi 36 mục tiêu và có thể kết nối với các hệ thống phòng không khác của Nga để phối hợp tạo ra vùng phòng không chống lại các máy bay bay thấp, tên lửa hành trình, thậm chí là tên lửa đạn đạo.

Các tên lửa mới của hệ thống này được nhà thầu quốc phòng Almaz-Antey sản xuất, đi vào phục vụ trong lực lượng phòng không Nga từ tháng 10/2018, chậm hơn 3 năm so với kế hoạch. Trung Quốc đã đặt hàng một số hệ thống S-400 kèm tên lửa hồi tháng 11/2014, giao hàng hoàn tất giữa năm 2018.

Các chuyến hàng trước bao gồm loại tên lửa cũ hơn là 48N6E2, nhưng có vẻ chuyến hàng mới nhất toàn là tên lửa 40N6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại