4 kịch bản cho khủng hoảng Venezuela: Kịch bản cuối cùng không ai muốn xảy ra

Hồng Anh |

Báo Anh The Guardian ngày 30/1 đã có bài phân tích về 4 kịch bản có thể xảy ra với Venezuela, trong tình trạng bất ổn chính trị ngày càng leo thang tại quốc gia Mỹ-Latinh này.

Venezuela đang chìm trong hỗn loạn sau khi Chủ tịch Quốc hội Juan Guaidó tự phong làm Tổng thống lâm thời với sự ủng hộ của Mỹ và nhiều quốc gia khác. Hơn nữa, phía Washington mới đây đã tiếp tục gia tăng sức ép lên chính quyền của Tổng thống hợp hiến Nicolás Maduro bằng đòn trừng phạt được coi là "mạnh chưa từng có", nhằm vào công ty dầu khí quốc gia Venezuela.

Tổng thống Maduro chỉ vừa mới làm lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 2 không lâu trước khi những biến động trên diễn ra tại Caracas.

Trong khi đó, người tự xưng là "Tổng thống lâm thời của Venezuela" - ông Juan Guaidó - tuy được Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây, Mỹ-Latinh hậu thuẫn, nhưng lại không có quyền kiểm soát các đòn bẩy quyền lực tại Venezuela.

Theo bài báo ngày 30/1 của New York Times, ông Guaidó đã tiết lộ rằng phe đối lập của Venezuela đã bí mật gặp gỡ lực lượng an ninh và đưa ra đề nghị ân xá, nhằm thuyết phục họ "đổi phe".

Báo Anh The Guardian ngày 30/1 đã có bài phân tích về 4 kịch bản có thể xảy ra với quốc gia Mỹ-Latinh này. Sau đây là phần lược dịch nội dung trong bài viết của The Guardian.

Kịch bản thứ nhất

Chiếc ghế quyền lực của ông Maduro đã trải qua hai lần thách thức. Năm 2014, sau các cuộc biểu tình diện rộng, ông Maduro đã nhắm tới các lãnh đạo của phe đối lập, ví dụ như ông Leopoldo López - người bảo trợ chính trị của ông Guaidó. Người này sau đó đã bị bắt giữ, cấm tham gia tranh cử, và hiện vẫn đang bị theo dõi sát sao.

Năm 2017, làn sóng bất ổn mới đã nổ ra khi Tổng thống Maduro tuyên bố vô hiệu hóa quyền lực của Quốc hội (thuộc quyền kiểm soát của phe đối lập Venezuela), sau khi Quốc hội tuyên bố bỏ phiếu phế truất ông. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra khiến hàng trăm người thương vong, tuy nhiên ông Maduro vẫn giữ được chiếc ghế quyền lực của mình.

Kịch bản tương tự đã lặp lại, tuy nhiên ông Maduro được đánh giá là ở thế yếu hơn trước đây, mặc dù vẫn có sự hậu thuẫn của các đồng minh lớn như Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay, Tổng thống Venezuela đang phải chịu áp lực tứ phía từ nhiều nước phương Tây và Mỹ-Latinh.

Các lãnh đạo quân đội cấp cao của Venezuela đã khẳng định ủng hộ ông Maduro, nhưng gần đây đã có một số sĩ quan cấp thấp được các báo phương Tây ghi nhận là đào tẩu.

Các sĩ quan quân đội Venezuela chắc hẳn đã nhận thức được những ảnh hưởng về kinh tế từ cuộc khủng hoảng trong nước, nhưng ông Maduro được cho là đã trấn an họ bằng các vị trí trong chính phủ và công ty dầu khí quốc gia PDVSA. Tuy nhiên, đòn trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào công ty này có thể ảnh hưởng tới điều đó.

Tổng thống Maduro động viên tinh thần binh sĩ Venezuela trong bối cảnh bất ổn chính trị leo thang

Kịch bản thứ hai

Các chuyên gia không loại trừ nguy cơ một cuộc đảo chính ở Venezuela. Mặc dù vậy, cách làm này được cho là sẽ không đem lại nhiều lợi ích đối với người dân Venezuela, bởi những vấn đề như tham nhũng hay quản lý yếu kém vẫn sẽ còn đó.

Một số người kế nhiệm được đánh giá là tiềm năng bao gồm đồng minh của ông Maduro - cựu Chủ tịch Quốc hội Diosdado Cabello, hoặc Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino López. Các ứng viên tiềm năng khác là Phó Tổng thống Delcy Rodríguez, hoặc người tiền nhiệm của bà là Tareck El Aissami.

Mặc dù vậy, sự thay đổi ấy - nếu có - cũng sẽ khó làm hài lòng phe đối lập, hiện đang rất quyết tâm với mục tiêu "phục hồi nền dân chủ". Và nếu những giải pháp chính trị cũng không thể cứu vãn tình hình, thì có nguy cơ rất lớn là phe đối lập sẽ chuyển sang đấu tranh vũ trang.

Trong khi đó, nếu như nhà lãnh đạo thay thế ông Maduro không thể vực dậy nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng của Venezuela, thì tình hình trong khu vực sẽ càng bất ổn trầm trọng hơn.

Kịch bản thứ ba

Tổng thống Maduro vừa qua đã có động thái "xuống thang" khi ngỏ ý sẵn sàng đàm phán với phe đối lập với sự tham gia của một bên thứ 3 làm trung gian hòa giải.

Theo Guardian, vị Tổng thống hợp hiến của Venezuela có thể lựa chọn phương án từ bỏ quyền lực để giải quyết tình hình bất ổn hiện nay. Nhưng kể cả vậy, thì ông Maduro cũng sẽ không muốn mạo hiểm mất đi tất cả. Hàng ngàn quan chức và sĩ quan quân đội Venezuela hiện đang ủng hộ ông Maduro cũng không muốn điều đó.

Vừa qua, ông Guaidó đã tiết lộ về lời hứa sẽ ân xá cho các thành viên của lực lượng an ninh "từ bỏ" ông Maduro. Chuyên gia Dimitris Pantoulas đã so sánh động thái này với thỏa thuận hòa bình của chính quyền Colombia với lực lượng cánh tả FARC hồi năm 2016: "Có nhiều lý do thực tế đã dẫn tới động thái đó. Anh không thể đẩy hàng vạn người vào cảnh sống lưu vong hoặc phải đứng trước tòa được. Tình hình sẽ vô cùng hỗn loạn."

Trong kịch bản này, Tổng thống Maduro và đội ngũ của mình rất có thể sẽ phải rời khỏi Venezuela, nhưng hiện chưa rõ ông sẽ có những lựa chọn nào. Hiện nay, Nga, Trung Quốc, Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số các đồng minh lớn của ông Maduro trên thế giới.

4 kịch bản cho khủng hoảng Venezuela: Kịch bản cuối cùng không ai muốn xảy ra - Ảnh 4.

"Tổng thống lâm thời" tự xưng Juan Guaidó. Ảnh: Reuters.

Kịch bản cuối cùng

Từ lâu nay, ông Maduro luôn khẳng định cuộc khủng hoảng kinh tế tại Venezuela là hậu quả của chiến dịch "chiến tranh kinh tế" do Mỹ tiến hành trong hàng thập kỷ này với quốc gia Mỹ-Latinh này. Tuyên bố này đã giúp ông có được sự ủng hộ của nhiều tướng lĩnh và người dân Venezuela.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà phân tích lo ngại rằng những người mang tư tưởng diều hâu ở Washington và Caracas có thể đẩy hai quốc gia này tới bờ vực của một cuộc xung đột thực sự, thậm chí là xung đột quân sự.

Cuộc khủng hoảng tại Venezuela được cho là đã tạo ra ra làn sóng di cư lớn nhất trong lịch sử hiện đại của khu vực Mỹ-Latinh, và các nước láng giềng của Caracas đã đặt tình trạng báo động, cũng như kêu gọi tìm kiếm giải pháp.

Hiện nay, một cuộc xung đột quân sự vẫn chỉ là một mối lo xa, nhưng điều đó không thể loại trừ khả năng chính phủ cánh hữu của Brazil và Colombia gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm chống lại Tổng thống Maduro.

Nếu cuộc chiến đó diễn ra, thì nó sẽ vô cùng đẫm máu, dai dẳng và kèm theo những biến số vô cùng khó lường. Đặc biệt là gần đây, trong cuộc họp công bố đòn trừng phạt nhằm vào Venezuela của chính quyền Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã để lộ tờ ghi chú với dòng chữ "5.000 binh sĩ tới Colombia", khiến nhiều người lo ngại rằng Mỹ đang cân nhắc nghiêm túc về phương án can thiệp quân sự vào Venezuela.

Adam Isacson, một nhà phân tích an ninh tại Văn phòng Mỹ-Latinh tại Washington cho biết: "Bất kỳ cuộc chiến nào có sự tham gia của Colombia và Venezuela đều sẽ vô cùng kinh khủng - cả hai nước đều có lực lượng không quân hùng mạnh, nên cuộc chiến đó sẽ không chỉ dừng lại ở biên giới, mà sẽ diễn ra cả ở trong các thành phố, tàn phá các căn cứ quân sự và cơ sở hạ tầng của hai nước".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại