Hôm qua, cộng đồng mạng xôn xao trước thông tin "thánh chửi" Dương Minh Tuyền bị bắt vì nổ súng lung tung.
Dương Minh Tuyền chỉ là một anh chàng bán thịt lợn, rồi bỗng dưng nổi như cồn vì liên tục quay các clip chửi bới trên mạng. Đa phần các clip do Tuyền quay đều chỉ sử dụng ngôn từ tục tĩu, thậm chí là trên mức tục tĩu.
Anh chửi tất, chẳng ngại ai. Anh gây chiến với mọi bức xúc trong xã hội bằng cách tiếp cận của riêng mình: Chửi bậy.
Chỉ nhờ có thế mà Facebook của anh có hơn… 700.000 lượt theo dõi – con số đáng mơ ước đối với bất kỳ ai.
Một nhà báo nổi tiếng mà tôi biết, thường xuyên viết về các vấn đề xã hội dưới góc nhìn rất thú vị, công tâm, mà cố mãi cũng chỉ gần 500.000 lượt theo dõi.
Vậy mà thánh chửi Dương Minh Tuyền chỉ nhờ chửi như Chí Phèo, đi lệch tất cả các chuẩn mực của xã hội thì gần cả triệu lượt người ngày ngày hóng anh chửi.
Để lý giải về hiện tượng này, báo chí mời cả những thạc sỹ tâm lý học tiếp cận dưới góc độ chuyên môn. Rằng thế này, thế nọ, lý thuyết nọ, lý thuyết kia.
Họ phản đối sự tồn tại của Dương Minh Tuyền. Họ chỉ trích sự lệch lạc của người dân khi cổ súy cho văn hóa chửi tục, đặc biệt là khi chúng ta đang sống trong một xã hội luôn coi trọng thuần phong mỹ tục.
Nhưng cá nhân tôi cho rằng, việc người dân theo dõi thánh chửi Dương Minh Tuyền đơn giản là vì niềm tin của chúng ta đã sứt mẻ quá nhiều. Và chúng ta cần một người thể hiện hộ sự bức xúc ấy.
Khi xuất hiện một bất công trong xã hội, nếu chúng ta còn trọn vẹn niềm tin, chúng ta sẽ hy vọng vụ việc sẽ được xét xử công bằng, đúng người, đúng tội.
Nhưng rồi sẽ lại có những cú đấm được biến thành cái "gạt tay vào má" khiến niềm tin của tất cả cứ sói mòn dần, và chúng ta ước, giá như có một thánh chửi nào đó xuất hiện, đơn giản chỉ để chửi mà thôi.
Chẳng cần biết anh ta có logic hay không. Chỉ cần anh ta thể hiện hộ sự bức xúc của xã hội bằng những từ ngữ tục tĩu là thấy… sướng rồi.
"Đặc sản" của Dương Minh Tuyền chính là chửi; và anh sẵn sàng chửi bất kỳ ai.
Hàng ngày ra đường, chúng ta dừng xe xếp hàng tuần tự chờ đèn xanh bật sáng. Bất ngờ một chiếc ô tô lấn sang làn ngược chiều chạy vượt đèn đỏ và thoát khỏi đám đông.
Lại thêm một niềm tin nữa sụp đổ: niềm tin vào sự công bằng trong xã hội. Và chúng ta lại cần được chửi, chỉ đơn giản là được chửi thôi.
Chúng ta vào bệnh viện, cầm số thứ tự 20 và rồi thi thoảng lại nghe thấy bác sỹ gọi bệnh nhân số… 40, 50 vì họ là người quen. Niềm tin sụp đổ, nhưng vì bị nhốt trong hình ảnh lịch lãm, chúng ta cần người khác chửi thay.
Thực ra mô típ Dương Minh Tuyền thậm chí đã từng xuất hiện tràn lan trong điện ảnh.
Rất nhiều bộ phim từng xây dựng một nhân vật đóng vai trò như phán quan giấu mặt. Người ta cho rằng pháp luật có kẽ hở và những kẻ làm hại xã hội luôn có cách lách qua khe hở đó để khiến niềm tin vào sự công bằng cứ sói mòn dần.
Những phán quan là người "thay trời hành đạo". Đây là những nhân vật nửa chính, nửa tà. Phần tà đơn giản vì anh không hành động theo pháp luật. Còn phần chính là cái tâm hướng tới công bằng của anh ta.
Cá nhân tôi cho rằng nếu muốn những thánh chửi, thánh phán quan không còn tồn tại trong xã hội này, cách duy nhất là tìm niềm tin trở lại.
Nhưng tìm thế nào bây giờ? Ai biết anh Niềm tin đang ở đâu xin liên lạc với người dân gần nhất. Chúng tôi xin cảm ơn và hậu tạ.