Băng tan biến chiến trường thành bùn lầy, cả Nga và Ukraine đều gặp khó khăn ở Bakhmut

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Reuters, TASS) |

Các lực lượng Nga đang siết chặt gọng kìm bao vây thành phố Bakhmut, nhưng khi mưa xuân và băng tan đã biến chiến trường miền Đông Ukraine thành bùn lầy, có thể cản trở nỗ lực giành thế chủ động của cả hai bên.

Theo hãng tin Reuters (Anh), hiện tượng tan băng vào mùa xuân, hay còn được gọi là “rasputitsa”, là thuật ngữ chỉ hiện tượng mặt đất trở nên lầy lội, nhiều bùn do thời tiết xấu. “Rasputitsa” có thể làm hỏng kế hoạch tiến công của các lực lượng trên khắp Ukraine, biến đường sá thành sông và những cánh đồng thành vũng lầy không thể lội qua. Việc di chuyển trên những con đường này được coi là cực hình đối với các lực lượng thiết giáp Nga.

Ở khu vực Donetsk gần chiến tuyến, các binh sĩ Ukraine phải lom khom trong những chiến hào lầy lội, sau khi thời tiết đột ngột ấm lên, biến mặt đất đóng băng trở thành những vũng bùn.

Binh sĩ Mykola, 59 tuổi, chỉ huy khẩu đội phóng tên lửa ở tiền tuyến Ukraine, cho biết: “Cả hai bên đều phải giữ nguyên vị trí vì mùa xuân đã biến chiến trường thành vũng bùn lầy. Chúng tôi không thể tiến quân”.

Đại tá Yuriy Madyar, Chỉ huy Lữ đoàn cơ giới đặc biệt số 28 thuộc quân đội Ukraine, cũng thừa nhận thời tiết là một vấn đề đối với lực lượng Ukraine.

“Ngày thứ ba liên tiếp nhiệt độ trên 0 độ C, mọi thứ tan chảy. Độ ẩm khủng khiếp. Mưa liên miên vào ban ngày ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ”, ông nói.

Phóng viên của hãng tin Reuters (Anh) cho biết một số phương tiện quân sự đã bị mắc kẹt dưới bùn. Trong một chiến hào ngoằn ngoèo khoét sâu dưới mặt đất, anh Volodymyr, chỉ huy trung đội 25 tuổi, cho biết các binh sĩ đã sẵn sàng hoạt động dưới bất kỳ điều kiện thời tiết nào.

“Khi chúng tôi được giao một mục tiêu, chúng tôi phải tiêu diệt nó bằng mọi cách”, anh nói.

Băng tan biến chiến trường thành bùn lầy, cả Nga và Ukraine đều gặp khó khăn ở Bakhmut - Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine lái xe tăng tại thành phố tiền tuyến Bakhmut, Ukraine, ngày 24/2. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Nga đang nỗ lực bao vây Bakhmut, buộc Ukraine phải rút quân đồn trú tại đây. Kế hoạch này có thể mang lại cho Moskva thắng lợi lớn đầu tiên sau hơn nửa năm, sau một trong những giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc xung đột – cuộc tấn công trên mặt đất đóng băng.

Sau khi bổ sung hàng nghìn quân dự bị vào cuối năm ngoái, Moskva đã tăng cường tấn công vào một số khu vực dọc theo mặt trận ở phía Đông Ukraine. Quân đội Nga đã thể hiện rõ quan điểm rằng nếu chậm, họ sẽ tiến về phía Bắc và phía Nam Bakhmut, cố gắng cắt đứt lực lượng Ukraine bên trong thành phố Bakhmut, từng là nơi sinh sống của khoảng 75.000 dân.

“Những trận chiến khốc liệt đang diễn ra ở đó. Bộ chỉ huy đang làm mọi thứ có thể để ngăn chặn đối phương tiến qua lãnh thổ của chúng tôi”, ông Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine, nói với truyền hình Ukraine, mô tả tình hình xung quanh Bakhmut.

Hôm 27/2, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy mô tả tình hình Bakhmut đang ngày càng khó khăn. Ông cáo buộc các lực lượng Nga phá hủy mọi thứ có thể sử dụng để bảo vệ các căn cứ và tuyến phòng thủ của Ukraine.

Trong những tuần gần đây, các lực lượng quân sự của Ukraine tập trung bảo vệ các vị trí phòng thủ. Tuy nhiên, giới quan sát dự đoán Kiev có thể sẽ phản công vào cuối năm nay bằng các loại vũ khí mới do phương Tây cam kết viện trợ.

“Tôi thực sự muốn giành chiến thắng trong năm nay. Để làm được điều này, chúng tôi cần mọi thứ - động lực, tự tin, bạn bè và ngoại giao”, ông Zelensky nói trên Telegram.

Băng tan biến chiến trường thành bùn lầy, cả Nga và Ukraine đều gặp khó khăn ở Bakhmut - Ảnh 2.

Binh sĩ Ukraine bên cạnh xe chiến đấu bộ binh gần thị trấn tiền tuyến Bakhmut. Ảnh: Reuters

Ukraine cũng đang liên tục kêu gọi Mỹ và phương Tây cung cấp chiến đấu cơ F-16 để giúp nước này đối phó với Quân đội Nga.

“Các phi công, đơn vị phòng không và chuyên gia khác trong lực lượng không quân của chúng tôi đang thực hiện rất tốt nhiệm vụ. Nhưng chúng tôi chỉ có thể bảo vệ bầu trời của mình khi mọi rào cản hàng không được dỡ bỏ hoàn toàn trong quan hệ với các đối tác”, ông Zelensky nói trong bài phát biểu trên đài phát thanh hàng đêm.

Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trở thành quan chức cấp cao mới nhất của phương Tây đến thăm thủ đô Kiev của Ukraine. Sau cuộc gặp với Tổng thống Zelensky và các quan chức khác, bà Yellen đã cam kết viện trợ cho Ukraine và áp đặt thêm các biện pháp cô lập Nga.

“Mỹ sẽ sát cánh cùng Ukraine đến chừng nào còn có thể,” bà Yellen nói với Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal. Bà Yellen cũng thông báo chuyển 1,25 tỷ USD đầu tiên trong gói hỗ trợ kinh tế và ngân sách mới nhất trị giá 9,9 tỷ USD của Washington cho Kiev.

Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã có chuyến thăm bất ngờ đến Kiev, thể hiện cam kết mạnh mẽ ủng hộ Ukraine trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga áp sát dấu mốc tròn một năm.

Về phần mình, hôm 27/2, Moskva tuyên bố các lược lượng của nước này đã phá hủy một kho đạn của Ukraine gần Bakhmut và bắn hạ tên lửa do Mỹ sản xuất cũng như máy bay không người lái của Ukraine.

Chuyên gia chính trị - quân sự Yan Gagin, cố vấn của lãnh đạo thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng do Nga bổ nhiệm, cho biết các lực lượng Nga đã cắt đứt mọi nguồn cung hậu cần cho lực lượng Ukraine ở Bakhmut và tất cả con đường dẫn đến thành phố đều nằm dưới sự kiểm soát của Moskva.

“Lực lượng của chúng tôi kiểm soát các con đường dẫn đến thành phố. Việc cung cấp đạn dược cho lực lượng đồn trú Ukraine đã bị gián đoạn. Việc luân chuyển và bổ sung nhân lực của họ cũng bị dừng lại”, ông nói.

Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga - Trung tướng Igor Konashenkov - cho biết các lực lượng Nga đã tấn công trung tâm tình báo điện tử của quân đội Ukraine ở tỉnh Kiev trong ngày 27/2.

“Tại khu định cư Brovary thuộc vùng Kiev, trung tâm tình báo vô tuyến điện tử của quân đội Ukraine đã bị tấn công”, ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại