Bảng quảng cáo bịt kín mặt tiền nhà, nguy hiểm chực chờ

D.N.HÀ - T.LONG |

Tại TP.HCM, rất nhiều biển hiệu, bảng quảng cáo sai quy định đang tồn tại ở các mặt tiền đường nhưng việc xử lý, xử phạt của các cơ quan chức năng chưa được nghiêm minh.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều biển hiệu, bảng quảng cáo che kín mặt tiền từ tầng 1 đến tầng trên cùng của các tòa nhà, che luôn bancông, lối thoát hiểm. Đây là những mối nguy hiểm khi có cháy nổ xảy ra.

Không còn lỗ thở

Một quán karaoke trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận) tọa lạc trong tòa nhà khoảng năm tầng lầu. Trước tòa nhà là biển hiệu của cơ sở này với diện tích chiếm gần hết mặt tiền, kéo từ sân thượng xuống tầng 1, chỉ còn khoản trống ở tầng trệt.

Để cố định biển hiệu, chủ cơ sở cho hàn một khung sắt kiên cố, khoảng trống giữa hai thanh sắt khoảng một gang tay. Lưới sắt kiên cố này cũng phủ trùm toàn bộ mặt tiền tòa nhà.

Khu vực đường Sư Vạn Hạnh nối dài (Q.10) cũng có gần mười quán karaoke lắp đặt bảng quảng cáo che kín bancông tòa nhà. Một số quán cơi nới thêm khung sắt phía trên tầng thượng để bảng quảng cáo thêm cao, thêm to.

Tại quán karaoke F, chủ quán lắp một tấm biển cao hơn 4m phủ kín toàn bộ bancông, cửa sổ căn nhà. Trong quán, các cửa sổ bị che kín bởi bảng quảng cáo, nếu xảy ra sự cố khách chỉ còn lối thoát hiểm duy nhất chạy theo lối cầu thang xuống cửa chính.

Tương tự, tại vòng xoay Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình) có gần chục cơ sở kinh doanh với những bảng quảng cáo che kín cả mặt tiền nhà. Kết cấu của các bảng quảng cáo chủ yếu là khung sắt cố định bên trong, bên ngoài trang trí bằng tấm nhựa nhôm, bạt hifex... Có bảng quảng cáo nằm lọt thỏm giữa mớ dây điện rối mù.

Bà Trần Thị Thu Trang, trưởng Phòng văn hóa - thông tin Q.8, cho biết trên địa bàn quận có hơn 1.400 bảng quảng cáo lớn nhỏ của các cơ sở kinh doanh.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Q.8 phát hiện 315 cơ sở lắp đặt biển quảng cáo không đúng quy định, nhiều nhất là các quán karaoke. Qua kiểm tra cho thấy hầu hết cá nhân, tổ chức không xin phép dựng bảng quảng cáo ngoài trời.

Địa phương ít xử lý

Ông Nguyễn Quý Cáp, chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM, khẳng định việc lắp đặt biển hiệu, bảng quảng cáo che kín cả mặt tiền của căn nhà là sai quy định về xây dựng, lắp đặt bảng quảng cáo ngoài trời.

Theo ông Cáp, biển hiệu, bảng quảng cáo ngang thì chiều ngang phải bằng chiều rộng mặt tiền của công trình, chiều cao tối đa 2m. Đối với biển hiệu, bảng quảng cáo dọc thì chiều ngang tối đa 1m, chiều cao tối đa 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà.

Ông Cáp cho biết hiện TP có nhiều biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm. “Trách nhiệm kiểm tra, xử lý trước hết thuộc về UBND các quận huyện, phường xã nhưng hiện nhiều địa phương chưa mặn mà xử lý” - ông Cáp nhận định.

Một chuyên gia về cấp phép của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn thì phải xin giấy phép xây dựng.

Tại TP.HCM có quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị quy định bảng quảng cáo không được che cửa đi, cửa sổ, phần trống của bancông, lối thoát hiểm, lối phòng cháy chữa cháy.

Các bảng quảng cáo phải bảo đảm an toàn về kết cấu chịu lực, bảo đảm an toàn điện và phòng cháy chữa cháy.

“Đối chiếu những quy định này thì những bảng quảng cáo, biển hiệu che kín toàn bộ mặt tiền căn nhà là vi phạm. Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý được” - vị này cho hay.

Thông tin từ Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết hiện cơ quan này đang tham mưu cho UBND TP phê duyệt kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát tất cả các địa điểm kinh doanh karaoke, nhà hàng, vũ trường, quán bar, trung tâm tiệc cưới.

Nội dung kiểm tra không những bên trong cơ sở mà cả những bảng quảng cáo, biển hiệu phía ngoài của các cơ sở này.

Bên cạnh đó, UBND các quận huyện cũng phải kiểm tra, rà soát tất cả cơ sở trên toàn địa bàn mình phụ trách. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý đến nơi đến chốn.

Tiêu chuẩn về PCCC nhà cao tầng ở châu Âu

Có bốn chiến lược PCCC hàng đầu phổ biến ở đa số các nước: khả năng bền vững của công trình trong trường hợp xảy ra cháy (khả năng chống cháy của cấu trúc công trình); khả năng hạn chế sự lan rộng của 
đám cháy; các lối thoát hiểm; hạn chế việc phát triển của đám cháy (sự lây lan của ngọn lửa, đặc tính của các bề mặt trong và ngoài công trình).

Quy định bắt buộc các nhà cao tầng (ở Bỉ là từ 25m trở lên, Đan Mạch từ 23m) phải có hai lối thoát hiểm độc lập. Ở Pháp người ta có thể lựa chọn việc có một hành lang thoát hiểm thứ hai ngay 
cả khi tòa nhà có chiều cao 28-50m...

Ngoài ra, mỗi nước cũng có những quy định về đặc tính của các loại vật liệu bề mặt bên trong của các hành lang, lối thoát hiểm căn cứ theo phương diện lây lan của ngọn lửa cũng như mức độ tỏa nhiệt khi xảy ra cháy.

D.KIM THOA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại