Giá cao thì có thể thương lượng để kéo xuống, nhưng cũng không thể kéo xuống quá thấp vì một Cty chuyên kinh doanh bản quyền như ISM không dễ gì chịu lỗ hoặc không có lãi trong từng thương vụ của họ.
Giá cao, VTV không chấp nhận, có thể vì cho rằng quá đắt hoặc vượt quá khoản ngân sách dành cho việc này, nhưng không có nghĩa là không có cách giải quyết.
Cách giải quyết đó là hàng chục năm về trước VTV từng bắt tay với các đài địa phương để mua bản quyền World Cup và cùng chia sẻ phát sóng.
Đây cũng là cách giải quyết để có được bản quyền phục vụ công chúng dù miễn phí hay kinh doanh ở nhiều quốc gia như Singapore, Thái Lan… trong kì World Cup 2018 này. Song, bài học liên kết/đoàn kết này ngày nay đã bị chính các nhà đài bỏ qua, dù rằng nếu liên kết thì họ có được sự tin yêu của người hâm mộ - khán giả.
Ai cũng hiểu chi phí bản quyền là một gánh nặng không nhỏ, chính vì thế không thể bắt các nhà đài kinh doanh (truyền hình trả tiền) chung vai.
Song với các đài truyền hình quảng bá, ngay từ khi ra đời cùng với kinh phí hoạt động bao nhiêu năm qua đều từ ngân sách dân đóng góp, thì 4 năm 1 kì World Cup cần tìm cách giải quyết phù hợp và hiệu quả để phục vụ người dân là hoàn toàn cần thiết, chính đáng và thậm chí phù hợp đạo lí của những tổ chức nhà nước vốn xài tiền thuế do người hâm mộ đóng góp.
Ngay cả một số nhà đài ngày nay lớn mạnh được cũng phải bắt đầu từ sự đầu tư, nuôi nấng từ ngân sách chứ không phải hớp không khí mà phát triển được.
Chi phí là một rào cản nhưng không phải là không thể vượt qua nếu chúng ta có cái tâm liên kết, bắt tay hợp tác hướng mục tiêu hoàn toàn vì người hâm mộ nước nhà. Hơn nữa, cùng chia sẻ và cùng kinh doanh khả năng thu hút đối tác quảng cáo, truyền thông, tài trợ sẽ rộng hơn.
Song ngay từ đầu, chúng ta đã không chọn cách này.
Tục ngữ có câu "ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân".
Xin hãy quan tâm đến cơn khát của người hâm mộ Việt Nam lúc này. Xét ở một góc độ nào đó, người hâm mộ cũng đâu phải xem "chùa".