Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long xác nhận, có tình trạng thạch nhũ trong hang động bị ngư dân cưa mang về nhà, nhưng đã xảy ra trước năm 1995.
Sau đó, Ban Quản lý mới được thành lập khi vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Cũng theo lời ông Huỳnh, thạch nhũ rất có giá trị đối với di sản nhưng ít giá trị kinh tế trong việc lấy về làm hòn non bộ cũng như trưng bể cá thủy sinh.
“Những thạch nhũ có thể do hoạt động kiến tạo địa chất khiến bị rơi, nhưng cũng không loại trừ việc có tác động của con người”, ông Huỳnh cho biết.
Giải thích về vấn đề được phản ánh là hang Cặp La có nhiều vết được cho là mới, ông Huỳnh cho hay, rất khó để xác định việc thạch nhũ bị cưa trộm từ lâu hay mới gần đây.
Thạch nhũ mất đầu.
"Những hang nào mở thì thạch nhũ bị bám rêu xanh, nếu bị cưa thì sẽ biết ngay, còn hang nào đóng thì rất khó phân biệt bị cưa lâu hay mới vì bản chất thạch nhũ là rất trắng", lời ông Huỳnh.
Được biết, Ban Quản lý vịnh Hạ Long thành lập 5 trung tâm để chia ra quản lý bao gồm: Trung tâm 1, 2, 3, 4 và trung tâm vịnh Bái Tử Long, trong đó có 13 nhân viên thuộc lực lượng kiểm tra túc trực 24/24 giờ.
Mặc dù nguồn tin từ ngư dân cho biết có hoạt động cưa trộm nhũ đá tại một số hang động nhưng ông Huỳnh cho biết rất lâu rồi không có thông tin báo cáo về việc thạch nhũ bị cưa trộm từ lực lượng kiểm tra.