Bán nước tẩy rửa toilet với lợi nhuận “khiêm tốn”, một doanh nghiệp Việt bỗng đổi đời khi được nước ngoài mua với giá 1800 tỷ đồng

Kiến Khang |

Cuối tháng 3/2017, Tập đoàn Hóa chất Nhật Bản Earth Chemical đã ra thông báo chi 1.824 tỷ đồng (hơn 80 triệu USD) để mua lại 100% vốn của CTCP Á Mỹ Gia, một doanh nghiệp chuyên về kinh doanh hóa mỹ phẩm.

Á Mỹ Gia được thành lập vào năm 2003, có nhà máy tại Bình Dương với các sản phẩm chính là hóa phẩm tẩy rửa và vệ sinh gia dụng với các thương hiệu Gift, Ami, Redfoxx.

Các dòng sản phẩm của công ty được chia thành 3 nhóm chính là chăm sóc nhà cửa (nước tẩy rửa toilet, phòng tắm, viên tẩy bòn cầu, kem tẩy, nước rửa chén...); sản phẩm chăm sóc không gian (bình xịt thơm phòng, sáp thơm khử mùi) và các sản phẩm khác như bình xịt côn trùng, bột phân hủy vi sinh.

Mức giá 1.824 tỷ đồng được đánh giá là khá hời khi so với quy mô hiện tại của Á Mỹ Gia. Năm 2016, doanh nghiệp này đạt 351 tỷ đồng doanh thu và 37 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng nhẹ so với năm 2015. Như vậy Earth Chemical đã mua AMG với mức giá gấp gần 50 lần lợi nhuận của năm 2016.

Hiện Á Mỹ Gia có vốn điều lệ 15 tỷ đồng do 7 cổ đông cá nhân sở hữu 100% vốn.

Hai doanh nghiệp cùng ngành nghề với AMG là Bột giặt LIX và Bột giặt NET hiện chỉ được định giá ở mức lần lượt là 1.630 tỷ và 712 tỷ đồng dù có doanh thu cũng như lợi nhuận lớn hơn rất nhiều.

Bán nước tẩy rửa toilet với lợi nhuận “khiêm tốn”, một doanh nghiệp Việt bỗng đổi đời khi được nước ngoài mua với giá 1800 tỷ đồng - Ảnh 1.

Mục tiêu của Earth Chemical khi mua AMG là tạo bàn đạp vững chắc nhằm gia tăng sự hiện diện của tập đoàn này tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng với những thị trường trọng điểm như Thái Lan hay Trung Quốc. Earth Chemical đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt doanh thu hơn 15 tỷ Yên (130 triệu USD) tại khu vực này.

Do vậy, việc Earth Chemical chấp nhận trả mức giá cao để mua Á Mỹ Gia nhiều khả năng là để rút ngắn thời gian thâm nhập thị trường, tận dụng cơ sở vật chất sẵn có… chứ không đơn thuần là nhìn vào kết quả kinh doanh hiện tại.

Một số doanh nghiệp hàng tiêu dùng khác như CTCP Sản xuất hàng gia dụng Quốc tế (ICP – với thương hiệu chủ lực là dầu gội X-Men) hay Công ty sản xuất băng vệ sinh Diana Việt Nam cũng từng được phía nước ngoài trả mức giá rất cao so với kết quả kinh doanh tại thời điểm diễn ra thương vụ.

Nhưng chỉ vài năm sau đó, các doanh nghiệp này đã tăng trưởng phi mã, mức giá ngày trước vốn được coi là đắt thì nay đã trở thành rẻ.

Với trường hợp của ICP, đầu năm 2011, tập đoàn Ấn Độ Marico đã chi ra 60 triệu USD để mua lại 85% cổ phần của doanh nghiệp này, tức định giá công ty ở mức 70 triệu USD.

Khi đó, kết quả kinh doanh của ICP vẫn còn rất khiêm tốn với với doanh thu và lợi nhuận năm 2010 đạt lần lượt là 380 tỷ và 12 tỷ đồng.

Sau đó, kết quả kinh doanh của ICP đã tăng trưởng rất ấn tượng. Đến năm 2015, doanh thu của công ty đã vượt mức 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận tăng gấp 12-15 lần so với thời điểm mua lại.

Năm 2014, ICP đã mua lại 15% cổ phần còn lại từ các cổ đông sáng lập với giá gấp 3 lần giá mua năm 2011, tương ứng mức định giá lên đến hơn 200 triệu USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại