Đại Hùng là một kiến trúc sư, sống ở thành phố sầm uất, hiện đại trong hơn 10 năm. Khoảng 5 năm trước, anh quyết định cùng gia đình chuyển hẳn đến ngoại ô sinh sống.
Tại đây, Đại Hùng mua một mảnh đất hoang rộng 18 mẫu nằm cạnh bờ sông. Cả nhà cùng nhau xây dựng nông trại, canh tác kết hợp cây lương thực và cây ăn trái. Chưa kể, họ còn trang bị ca nô hiện đại để gia chủ có thể dẫn khách đi tham quan xung quanh.
Đại Hùng bắt đầu làm việc tại thành phố lớn vào năm 2008. Sau nhiều năm cống hiến, anh đã thành lập công ty riêng, còn xây được nhà ở quê.
"Bị hấp dẫn bởi chốn phồn hoa đô thị, tôi quyết tâm lên thành phố lập nghiệp. Tuy nhiên, sau chục năm sống ở đây, tôi không thể nào tìm được cảm giác tự do, thư thái như ở quê nhà", anh tâm sự.
Năm 2012, khi con gái đầu lòng chuẩn bị chào đời, vợ chồng Đại Hùng quyết định bán căn nhà ở trung tâm Thượng Hải để về quê sinh sống. Tuy nhiên, nhận thấy cuộc sống nông thôn ảnh hưởng đến việc học của con, họ lại chuyển về ngoại ô Thượng Hải, cách trung tâm 1 tiếng lái xe.
"Chúng tôi muốn có một cuộc sống cân bằng hơn", người cha cho biết.
Nơi gia đình Đại Hùng sống là một vùng bán hoang. Cỏ dại mọc khắp cánh đồng, bên cạnh là rừng long não và rừng trúc, được bao bọc bởi một dòng sông. Đại Hùng phụ trách cải tạo mảnh đất và xây dựng nông trại, việc canh tác do người vợ Mạc Kỳ đảm đương.
Ở đây, mỗi mùa trong năm đều có những đặc điểm nổi bật. Mùa xuân hoa nở rộ, thích hợp để ngắm cảnh và chụp ảnh. Mùa hạ là mùa sen, cây cối sinh trưởng. Mùa thu là lúc thu hoạch, tận hưởng cảm giác bình yên chốn thôn quê giữa cánh đồng vàng. Mùa đông là thời điểm để nghỉ ngơi.
"Sống giữa thiên nhiên không phải việc đơn giản. Chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn về vấn đề: kỹ thuật, kinh tế và cả tinh thần. Là người cầu toàn, tôi muốn nông trại của mình trở thành chốn ‘tự nhiên’ hoàn toàn, nên lại càng áp lực. Hòa hợp với thiên nhiên quả thực là một quá trình yêu cầu học hỏi và nỗ lực không ngừng", vị KTS nhận định.
Bị hấp dẫn bởi ý tưởng phát triển nông nghiệp bền vững, Đại Hùng và Mạc Kỳ quyết định tham gia các khóa học để được đào tạo bài bản.
Dưới bàn tay chăm sóc của người vợ, nông trại của họ không chỉ trồng cây lương thực, mà còn có cả vườn rau quả với đủ loại nông sản như cà chua, cà tím, mướp, dưa chuột, nho, dâu tây,.... Họ cũng không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ.
Ruộng lúa cũng là nơi sinh sống của đàn vịt. Ruộng lúa chứa nước cho đàn vịt thoải mái bơi lộ; ngược lại, đàn vịt sẽ bắt sâu, nhổ cỏ và bón phân cho cánh đồng.
Vợ chồng Đại Hùng xây nông trại theo nguyên tắc "lấy thiên nhiên làm thầy", "lấy chức năng làm chủ", không quá quan tâm đến hình dáng bên ngoài. Ngoài ra, họ cũng coi con người là một phần của hệ sinh thái, nên dựng hẳn 2 phòng vệ sinh giữa cánh đồng.
Trong nông trại còn có một hồ sen, tuy không lớn nhưng quang cảnh rất thoáng đãng. Đây không chỉ là nơi cả gia đình vui chơi, mà còn tạo ranh giới tự nhiên cho nông trại, vừa điều hòa được sinh thái và cảnh quan.
Ở giữa nông trại là một bếp ăn nửa kín nửa hở. Trong bếp còn có một quầy bar, ngồi đó có thể phóng tầm mắt ra cánh đồng lúa bên ngoài. Bên trái căn bếp là gian nhà chính của cả gia đình. Ngoài ra, đây còn là nơi đặt xưởng vẽ của Đại Hùng.
Vị KTS tiết lộ, các công trình ở nông trại đều có kết cấu vững chắc, chống chọi được với thiên tai. Nông trại không được trang bị điều hòa nhiệt độ, trên mái chỉ có một quả cầu thông gió.
Hồ sen cũng là một tuyến đường thủy, nối nông trại với con sông bên ngoài. Đại Hùng đích thân đóng một chiếc thuyền bằng gỗ tuyết tùng, thỉnh thoảng chèo từ đầm sen ra sông để du ngoạn.
Năm 2013, vị KTS này từng thực hiện một chuyến du lịch vòng quanh thế giới. Anh đã chiêm ngưỡng rất nhiều dòng sông và thuyền bè, từ những con thuyền trôi dọc sông Nile cho đến những cánh buồm phủ đầy mặt hồ Zurich.
Khi về nước, anh ấp ủ sở hữu một con thuyền của riêng mình. Chưa kể, chèo thuyền còn là môn thể thao thanh lịch và bổ ích.
"Trước khi có cầu, thuyền là phương tiện đi lại chính của người dân sống ven sông ở Sùng Minh. Giờ mọi người chọn ô tô hết. Tuy nhiên, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, có một con thuyền nhỏ để tiện khám phá các ngóc ngách nhỏ cũng là một cái thú", anh chia sẻ.
Hiện nay, nông trại đã có đến 11 chiếc thuyền, trong đó vài chiếc là nhờ bạn bè của Đại Hùng đóng hộ. Những chiếc thuyền này rất gọn nhẹ, có thể dễ dàng nâng lên hạ xuống, cất trên mái nhà khi không dùng đến.
Bên cạnh đó, ông bố này còn thiết kế một tuyến đường đưa khách du lịch đi ngắm hoàng hôn, xây dựng hệ thống bến thuyền dọc theo các dòng nước. Mỗi bến đều có một căn nhà nhỏ bằng gỗ để mọi người nghỉ qua đêm. Những căn nhà này hoàn toàn không có điều hòa, mà tận dụng khí trời mát mẻ.
Sau khi giải quyết vấn đề cơm áo gạo tiền, gia đình Đại Hùng bắt đầu tính đến việc đáp ứng những nhu cầu cao cấp hơn về tinh thần. Họ vừa muốn tận hưởng sự yên bình và trong lành của thôn quê, vừa không bị ngắt kết nối với thế giới bên ngoài.
Sau khi giải quyết được những nhu cầu cơ bản của cuộc sống, gia đình Đại Hùng bắt đầu tính đến việc đáp ứng những nhu cầu cao cấp hơn về mặt tinh thần. Đại Hùng phải tính đến chuyện làm sao để vừa có thể tận hưởng sự bình yên và trong lành của nông thôn, vừa không bị ngắt kết nối với thế giới bên ngoài.
Thôn Sùng Minh vốn là một bãi bồi ven sông, xung quanh đều là những cánh đồng lau sậy lớn. Mùa đông đến, anh ra đây thu thập lau sậy và tre trúc về làm vật liệu, tiếp tục xây dựng và cải tạo ngôi nhà.
Trong nông trại có một sân khấu hình tròn được làm từ tre và gỗ tuyết tùng. Phần mái được lợp bởi lau sậy, phần sàn được trải sỏi, bao quanh bởi một vòng tròn lợp bằng gỗ. Đây là nơi vợ chồng Đại Hùng ngồi nghỉ, nằm ngủ hoặc tập yoga.
Phía đông và phía tây nông trại là khu vực trồng lúa, rơm chất thành đống sau mỗi mùa vụ. Đầu năm vừa rồi, vị KTS đã xây một ngôi nhà lấy cảm hứng từ những đống rơm này. Ngồi ở đây, vợ chồng anh có thể chiêm ngưỡng được toàn bộ nông trại và quang cảnh xung quanh, hóng gió mát trong lành.
Trên tầng hai của khu nhà chính là một căn phòng dành cho khách. Từ đây, họ cũng có thể ngắm nhìn cánh đồng lúa.
Ngoài ra, nông trại còn có một chòi gỗ tuyết tùng hình kim tự tháp, nơi mọi người thường đón những tia nắng đầu tiên trong ngày. Khung cảnh thiên nhiên hoàn hảo thậm chí giúp Đại Hùng sáng tác được một bài thơ trong ngày đầu ở đây.
Vợ chồng Đại Hùng sinh được 2 cô con gái. Lớn lên giữa thiên nhiên, các bé có tình yêu rất lớn với muôn loài. Các bé đặc biệt thích chăm sóc vật nuôi, thậm chí còn muốn tự mình ấp trứng cho gà nở, mang cả gà con cùng đi chèo thuyền.
Cuộc sống của 2 đứa trẻ này vô cùng tự do tự tại, ngày ngày đều chạy nhảy và nô đùa khắp nông trại. Đại Hùng và vợ cũng không yêu cầu quá cao về việc học hành của con. Mỗi khi rảnh rỗi, họ sẽ đưa lũ trẻ đi dạo quanh thành phố, ghé thăm bảo tàng và cảm nhận sự ồn ào, tấp nập của đô thị.
"Chúng tôi có thể nhanh chóng chuyển đổi giữa thành thị và nông thôn mà không tốn quá nhiều công sức. Điều này có ích cho lũ trẻ", anh giải thích.
"Chúng tôi không muốn áp đặt các con. Cách giáo dục tốt nhất là để lũ trẻ tự do khám phá và phát triển trong môi trường của chúng. Nếu không có tuổi thơ tự do, lũ trẻ sẽ không thể tự do trong cuộc sống".
Đại Hùng cho biết, nông trại này không chỉ là nơi sinh sống của gia đình anh, mà còn là chốn "trú ẩn" của những vị khách theo chủ nghĩa bền vững. Họ đến đây thư giãn, đồng thời tự nấu nướng, thậm chí còn tình nguyện giúp đỡ các việc vặt trong nông trại.
"Tôi luôn nói rõ nội quy với những người đến nông trại: Ở đây có trà và cà phê, nhưng bạn phải tự pha. Nhà bếp mở cửa cho tất cả mọi người, nhưng bạn phải tự nấu nướng. Nông trại có thể cung cấp các bữa ăn, nhưng do hạn chế về nhân lực và nguồn nguyên liệu, bạn phải đặt trước", ông chủ nông trại cho biết.
"Ngược lại, các quy tắc về chỗ ở linh hoạt hơn nhiều. Bạn có thể sống trong nhà thuyền hoặc nhà gỗ trong nông trại, thuê lều hoặc mang theo giường riêng, cắm trại tùy thích".
Khi khách đông, gia đình Đại Hùng không thể tránh khỏi bận rộn. Những quy tắc này giúp cuộc sống của họ bớt áp lực, đồng thời biến nông trại trở thành một điểm đến thú vị.
Từ ngày sống ở đây, Mạc Kỳ không còn đi mua sắm mấy. Quần áo, mũ, giày của các thành viên đều do cô tự tay làm. Về cơ bản, cuộc sống ở nông trại cho phép họ tự cung tự cấp về thực phẩm, quần áo, nhà ở và phương tiện đi lại. Trong 2 năm gần đây, kinh tế của nông trại cũng đã đi vào trạng thái bền vững.
"Không có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn; chúng vốn chỉ là nơi sinh sống. Mục tiêu của chúng tôi là sáng tạo, xây dựng và hiện thực hóa ý tưởng, đồng thời giúp đỡ mọi người. Món quà lớn nhất mà chúng tôi nhận được chính là lời cảm ơn mà các vị khách để lại cho nông trại", Đại Hùng tâm sự.
(Theo Sohu)