Công ty Cổ phần Thương mại Gia Lai (UPCoM: CGL) thực hiện giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán vào ngày 3/12/2020. Trong khoảng một năm rưỡi niêm yết trên sàn UPCoM, CGL gần như không có giao dịch. Biểu đồ kỹ thuật mã này chỉ đi ngang mà không có bất kỳ đường gợn sóng nào. Thị giá đứng yên ở mốc 34.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa đạt 63,92 tỷ đồng.
Chỉ có một giao dịch khớp lệnh trong 16 tháng lên sàn
Suốt thời gian này, Thương mại Gia Lai chỉ có giao dịch khớp lệnh thành công vào phiên ngày 8/7/2021. Hôm đó, CGL giao dịch thành công tròn trĩnh 100 cổ phiếu, tổng giá trị đạt hơn 3 triệu đồng. Giá khớp lệnh cũng chỉ quanh mốc 34.000 đồng/cổ phiếu.
Công ty Cổ phần Thương mại Gia Lai có trụ sở chính tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), từng là công ty nhà nước sở hữu 100% vốn trước khi cổ phần hóa. Đến cuối năm 2004, đơn vị này được cổ phần hóa và tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên đầu tiên vào tháng 12 cùng năm.
Thương mại Gia Lai sau khi cổ phần hóa đã thực hiện chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, người lao động. Cụ thể, tháng 5/2007, công ty chào bán cổ phiếu để tăng vốn từ 10,7 tỷ đồng lên 15,7 đồng. Sau đó hơn hai năm, tháng 11/2009, Thương mại Gia Lai tiếp tục chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và người lao động để tăng vốn từ 15,7 tỷ đồng lên 18, 8 tỷ đồng.
Trong 12 năm qua, công ty hoạt động với quy mô vốn là 18,8 tỷ đồng.
Ngành nghề kinh doanh của CGL khá rộng. Tập trung chủ yếu vào kinh doanh vật tư, phân bón phục vụ cho sản xuất lâm nghiệp, hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ, ô tô, xe gắn máy, phụ tùng thay thế và các dịch vụ kèm theo, vật tư xây dựng, trang trí nội thất, hàng điện tử, viễn thông, máy móc, thiết bị văn phòng, điện dân dụng, phụ tùng thay thế và các dịch vụ kèm theo, hàng công nghiệp tiêu dùng thiết yếu, rượu, bia, thuốc lá điếu, xăng dầu nhớt máy.
Thương mại Gia Lai có một công ty con là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Comexim Chư Sê đặt trụ sở tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Comexim Chư Sê kinh doanh mua bán mô tô, xe máy và phụ tùng; Bán buôn hàng nông, lâm sản; Bán buôn và bán lẻ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng gia đình… Vốn điều lệ thực góp: 11,2 tỷ đồng. CGL sở hữu 100%.
Một công ty liên kết là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Sài Gòn – Gia Lai tại phường Hoa Lư, TP Pleiku (Gia Lai). Pháp nhân này kinh doanh bán lẻ trong siêu thị, trung tâm thương mại. CGL góp 35 tỷ đồng, sở hữu 30% vốn của Thương mại Sài Gòn – Gia Lai.
Tình hình kinh doanh khả quan
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, chỉ tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của CGL đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Tham số này năm 2020 đạt là 930 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp cho năm 2021 và 2020 lần lượt là 48 tỷ đồng và 53 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần từ âm hơn 3,2 tỷ đồng năm 2020 đã có lãi vào năm 2021, đạt 8,7 tỷ đồng. Từ đó, lợi nhuận sau thuế cũng bật tăng lên 6,7 tỷ đồng năm 2021, thay vì chỉ có vỏn vẹn hơn 800 triệu đồng của một năm trước đó.
Khoản mục tiền tiền mặt giảm 3 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2021 xuống còn hơn 9 tỷ đồng vào ngày 31/12/2021. Theo báo cáo, công ty này có các khoản phải thu, tạm ứng với các đơn vị sản xuất thực phẩm, ngành hàng tiêu dùng nhanh nổi tiếng như Unilever, Masan, Kimberly Clark... Công ty này có 10 quyền sở hữu đất, tổng diện tích lên đến hơn 18.000 m2, nguyên giá giá hơn 17 tỷ đồng.
Tỷ lệ sở hữu của những người có liên quan đến công ty rất đậm đặc dẫn đến thị giá của mã này không có cơ hội tăng giảm theo các cơn sóng của thị trường. Các lãnh đạo tại CGL nắm cổ phần gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thái Bình (8,9%), Tổng Giám đốc Lê Đức Duy (5,73%), Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Phong (1,62%), Kế toán trưởng Hồ Lê Thanh Tâm và vợ (1,17%), các Thành viên Hội đồng quản trị: Phạm Kim Hùng (4,16%), Nguyễn Thanh Dương (7,45%), Lê Thanh Tùng (1,75%)...