Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội (nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính) bàn giao nhiệm vụ cho tân Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: VGP/HT
Chiều 13/4, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021, đồng thời tổ chức bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính giữa đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính và đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tại Hội nghị, đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ tin tưởng, với kinh nghiệm lãnh đạo và thực tiễn phong phú của mình, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc sẽ kế thừa truyền thống đoàn kết, thống nhất của ngành tài chính, lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành tài chính thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước giai đoạn 2021- 2025.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, những kết quả mà ngành tài chính đã đạt được trong giai đoạn vừa qua có đóng góp lớn của nguyên Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cùng tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính; sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức ngành tài chính; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, cùng với tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao.
Báo cáo kết quả quản lý, điều hành nhiệm kỳ 2016-2020 của Bộ Tài chính, ông Võ Thành Hưng – Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN) cho biết, mục tiêu quản lý, điều hành tài chính – NSNN được đặt ra trong nhiệm kỳ 2016 – 2020 là tài chính phục vụ ổn định vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Ưu tiên hoàn thiện thể chế tài chính – NSNN theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, tạo dựng môi trường đầu tư cạnh tranh, lành mạnh, tăng cường huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính nhằm thúc đẩy phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trong khu vực và trên thế giới.
Các kết quả đạt được đến nay khá toàn diện và tích cực, góp phần quan trọng vào việc củng cố các cân đối lớn, ổn định vĩ mô, thúc đẩy đầu tư kinh doanh, đồng thời cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tạo cơ sở để chủ động đưa ra các giải pháp tài chính – NSNN đối phó có hiệu quả với thiên tai, đại dịch COVID-19 trong năm 2020 và động lực cho giai đoạn tới.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh:VGP/HT
Ngành tài chính đã tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế tài chính làm cơ sở khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh...; đồng thời giữ vững an ninh an toàn tài chính quốc gia, từng bước cải thiện dư địa tài khóa để chủ động ứng phó với các biến động lớn.
Công tác quản lý, điều hành NSNN đều đạt và vượt dự toán. Ngành tài chính đã chủ động chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, trình cấp thẩm quyền hoàn thiện khung pháp lý quy định về cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, dịch vụ công…
Hệ thống pháp luật về quản lý tài sản công được đổi mới, hoàn thiện đồng bộ. Công tác tổ chức việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước được chú trọng và cơ bản hoàn thành. Quy trình xử lý tài sản được quy định chặt chẽ.
Công tác ứng dụng hiện đại hóa công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, các quy trình quản lý hiện đại vào công tác quản lý tài chính NSNN được đặc biệt chú trọng. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực, cần kiệm, liêm chính.