Bán đảo Triều Tiên quay về thực tại sau Olympic mùa đông

VÂN ANH |

Sự tham gia của Triều Tiên trong Thế vận hội mùa đông PyeongChang đã kết thúc, những người lạc quan hy vọng rằng, 2 tuần của sự thân thiện và đoàn kết sẽ vượt ra ngoài Olympic, thì đây chính là thời điểm đó. Liệu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Theo ông Andrew O’Neil- hiệu trưởng Trường Kinh doanh Griffith (thuộc Đại học Grifith, Australia) - thực tế bao giờ cũng đưa người ta trở lại hiện tại rất nhanh chóng. Hàn Quốc và Triều Tiên, về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, và không có sự đồng thuận nào ở Seoul về cách thức giải quyết vấn đề này, cũng như không có sự thống nhất thực tế nào ở Washington về cách thức đối phó với Bình Nhưỡng. Ông O’Neil cho rằng, 2 miền liên Triều có thể đối thoại lần nữa, nhưng vấn đề là Triều Tiên sẽ tham gia thế nào và Seoul sẽ đưa Bình Nhưỡng đến bàn đàm phán ra sao.

Hiện cũng chưa rõ, Triều Tiên - sau hài lòng về chiến thắng ngoại giao suốt 2 tuần tham gia Olympic - có rút lui hay lại tiếp tục thử tên lửa, lại có những lời lẽ hùng hồn với cả Hàn Quốc và Mỹ, khi thực tế là, nước này đã phản ứng tiêu cực với lệnh trừng phạt mới của Washington, gọi đây là “hành động chiến tranh”. Điều quan trọng là, liệu tiến bộ ngoại giao sau Thế vận hội có bị xóa sổ bằng 1 vụ thử nghiệm tên lửa hay hạt nhân khác, và liệu Bình Nhưỡng có sẵn sàng mất đòn bẩy đó tại thời điểm nối lại đối thoại với Seoul, khi Washington tiếp tục xem xét các biện pháp chế tài cứng rắn hơn?

Triều Tiên đàm phán với Mỹ?

Hàn Quốc ngày 26.2 bày tỏ hy vọng về các cuộc đàm phán mang tính xây dựng giữa Mỹ và Triều Tiên, 1 ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố để ngỏ khả năng đàm phán với Washington. “Chúng tôi hy vọng các cuộc thảo luận mang tính xây dựng giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ bắt đầu bằng 1 cơ hội thích hợp” - Reuters dẫn lời Baik Tae-hyun, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay. Trước đó, hôm 25.2, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết ông đã gặp phái đoàn Triều Tiên ở PyeongChang trước lễ bế mạc Olympic và nói với họ rằng, đàm phán Mỹ - Triều nên diễn ra càng sớm càng tốt, sau khi ông khẳng định, Bình Nhưỡng đồng ý là “mối quan hệ liên Triều và Mỹ - Triều cần phát triển cùng nhau”.

Tuy nhiên, ông O’Neil nhận định, không nên quá kỳ vọng vào tiến triển này, bởi Triều Tiên chưa chính thức cho thấy dấu hiệu nào chứng tỏ sẵn sàng đưa chương trình hạt nhân và tên lửa ra đối thoại. Nhà Trắng phản ứng lạc quan một cách thận trọng trước tuyên bố của ông Moon Jae-in. “Chúng tôi sẽ xem, liệu Triều Tiên có đưa ra thông điệp nào về việc sẵn sàng hội đàm hay không, để thực hiện các bước đi đầu tiên trên con đường phi hạt nhân hóa”. Nhà Trắng tái khẳng định, bất kỳ cuộc đàm phán nào với Triều Tiên cũng phải dẫn đến kết quả là chấm dứt chương trình hạt nhân, trong khi các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng vẫn được tiếp tục...

Thế kẹt của Tổng thống Moon Jae-in

Ông Moon Jae-in, người từng tuyên bố rằng ông muốn được nhớ đến như 1 nhà lãnh đạo “xây dựng mối quan hệ hòa bình giữa miền bắc và miền nam”, hiện phải cân bằng giữa tham vọng hòa bình với 1 bộ phận dân chúng bất bình trong nước và 1 đồng minh không dễ chịu ở Washington. Nhóm Âu-Á cho biết trong 1 thông cáo báo chí rằng, sẽ rất khó để ông Moon có được sự ủng hộ cho cuộc họp thượng đỉnh Nam - Bắc. Tổ chức này dẫn kết quả một số cuộc thăm dò cho thấy, tỉ lệ người Hàn Quốc phản đối quyết định của ông Moon thành lập đội nữ vận động viên khúc côn cầu chung giữa 2 miền là 72%, và phản đối quyết định 2 nước diễu hành chung dưới 1 lá cờ là 60%. Ngoài ra, 1 cuộc thăm dò của Đại học Seoul hồi tháng Giêng cho thấy, chỉ 40% số người được hỏi tin rằng, thống nhất 2 miền là việc cần thiết. Những người trẻ, nhất là độ tuổi từ 20 - 30 phản đối nhiều nhất việc thống nhất liên Triều.

Ông Moon Jae-in cho biết, trong khi Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ dần dần tổ chức đàm phán, thì mọi con đường dẫn đến bất kỳ sự hòa giải nào cũng phải đi qua Washington. Hôm 23.2, Mỹ tỏ ra không nhân nhượng với Triều Tiên, công bố loạt trừng phạt mới nhất với 27 thực thể và 28 tàu thuyền. “Loạt trừng phạt mới của Mỹ còn đi kèm hàm ý rằng, Tổng thống Donald Trump có thể sử dụng biện pháp tấn công quân sự nếu chúng không đạt hiệu quả. Đây không phải là điều mới mẻ trong chính sách của Mỹ, nhưng là 1 thử nghiệm thực tế quan trọng hậu Olympic về quan hệ liên Triều” - ông Andrew O’Neil nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại