Chiếc bình 20 NDT
Theo ký ức của ông Lưu và bà Tạ, năm đó trong lúc sửa lại nhà, vợ chồng ông vô tình phát hiện một chiếc bình sứ bỏ trong góc nhà đã lâu, sau khi lau rửa thấy hoa văn khá đẹp nên đã để làm vật trang trí.
Tuy nhiên, đến năm 1976 do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên vợ chồng ông quyết định mang chiếc bình sứ đến Trạm thu hồi di tích mong sẽ có thể bán lấy chút tiền trang trải cuộc sống.
Khi đến đây, một nhân viên thu mua đã ngắm nghía nhìn chiếc bình sứ hồi lâu. Sau khi trao đổi với một nhân viên khác thì họ cho rằng chiếc bình này không mấy giá trị và họ trả vợ chồng bà 18 NDT.
Chiếc bình được bán với giá bèo bọt (Nguồn: Kknews)
Vợ chồng bà cảm thấy cái giá 18 NDT quá ít nên sau khi thương lượng một hồi, nhân viên lại bỏ thêm 2 NDT. Bằng cách này, Trạm di tích văn hóa đã "thu mua" cổ vật này với giá chỉ 20 NDT (khoảng 70.000 VNĐ).
Một năm sau khi sự việc xảy ra, ông Lưu nhận được điện thoại của nhân viên Trạm di tích văn hóa nói rằng "có chuyện tốt", mời chú đến Trạm di tích văn hóa và đã trao cho ông thêm 350 NDT. Mặc dù vậy, ông Lưu cũng không biết giá trị cụ thể của chiếc lọ sứ mà tổ tiên để lại.
Chiếc bình cổ của vợ chồng ông Lưu (Nguồn: Kknews)
Thời gian thấm thoát trôi qua, thật không ngờ chiếc bình 20 NDT ngày đó sau 40 năm lại được các chuyên gia xác định là một bảo vật cực kỳ quý hiếm của nhà Nguyên (1271–1368) và trên thế giới hiện nay chỉ có 2 chiếc được tìm thấy. Các chuyên gia ước tính giá trị của chiếc bình bát giác này có thể lên tới 200 triệu NDT (hơn 700 tỷ đồng).
Những cổ vật bằng sứ dưới thời nhà Nguyên cực hiếm vì những vị vua cai trị của triều đại này không ưa chuộng đồ sứ. Hầu hết các vật dụng của quý tộc đều bằng vàng và bạc nguyên chất vì vậy số lượng đồ sứ dưới triều đại chỉ có khoảng 300 món.
Lấy lại bảo vật
Cho dù chỉ là ước tính, nhưng khi ông Lưu và bà Tạ biết được tin tức từ các phương tiện truyền thông, họ đã rất sốc: "Những người mua di vật văn hóa đã không cho chúng tôi biết giá trị thực và niên đại của chiếc bình sứ, nếu không chúng tôi sẽ không bán nó với giá 20 nhân dân tệ."
Vợ chồng ông đưa ra yêu cầu thu hồi hợp đồng mua bán ban đầu với Trạm thu hồi di tích và yêu cầu phải trả lại bình sứ. Đôi vợ chồng già đồng thời cho biết nếu không trả lại bình sứ thì mong được đền bù xứng đáng theo giá trị thực của cổ vật.
Cận cảnh chiếc bình sứ (Nguồn: Baike.baidu)
Luật sư Xun Ying từ Công ty Luật Liêu Ninh cho biết khi giao dịch diễn ra vợ chồng ông Lưu không biết giá trị thực và giá trị sưu tầm của chiếc bình sứ tám mặt nên khi thỏa thuận với Trạm thu hồi di tích văn hóa đã có sự không công bằng giữa 2 bên.
Trong trường hợp này, theo quy định của Luật Hợp đồng, hợp đồng có thể bị thu hồi hoặc thay đổi theo quy định của pháp luật. Vợ chồng ông Lưu cũng có quyền yêu cầu bảo tàng trả lại bình sứ hoặc yêu cầu bồi thường thích đáng.
Tuy nhiên, năm đó khi giao dịch giữa 2 bên diễn không có bản hợp đồng nào được ký, mà thực chất được Trạm thu hồi di tích nhận cổ vật dưới dạng tự nguyện giao nộp và số tiền mà vợ chồng ông Lưu nhận được coi là tiền thưởng cho việc tự nguyện giao nộp di tích văn hóa. Chính vì vậy mà vợ chồng ông đành ngậm ngùi chấp nhận kết quả.