Ngày nay, học sinh khi đến trường, những tưởng điều cần học duy nhất là điều có trong sách vở, ấy vậy mà qua các bài học mới thấy kiến thức cuộc sống cũng quan trọng đến nhường nào. Nếu không nắm chắc được những kiến thức này thì dù cho học trò có khả năng làm toán, học chữ nhạy đến đâu thì cũng là một trở ngại lớn.
Con trai chị Vương năm nay học lớp 3, học lực rất tốt, thường xuyên đạt điểm cao trong các bài kiểm tra. Điều này khiến chị Vương rất yên tâm, đôi khi chị chỉ để ý tới bài vở và điểm số của con, còn việc học cậu bé vô cùng tự giác. Tuy nhiên, sau khi con nhận lại bài kiểm tra vào ngày hôm nay, điểm số của con chỉ đạt 95 thay vì 100 khiến chị có chút thắc mắc.
Sau khi xem lại bài để cùng con rút kinh nghiệm, nhìn vào phần khiến con bị mất điểm, chị tỏ ra bức xúc vì rõ ràng con mình đã làm đúng nhưng chẳng hiểu lý do vì sao cô gạch sai. Theo đó, phép tính cậu bé thực hiện là 100 ÷ 10 = 10. Do đó, ngay lập tức chị đã gọi điện cho cô giáo hỏi rõ nguyên do của việc nhầm lẫn này.
Tuy nhiên, thay vì đòi lại công bằng cho con, chị lại bị cô giáo nói thẳng một câu mà chỉ biết nhột: "Con chị đã làm sai bài vì thiếu kiến thức cuộc sống!"
Hóa ra, đề bài của câu hỏi này là: "Cần bao nhiêu thanh đường ray cho một đoạn đường sắt dài 100 mét, biết mỗi thanh dài 10 mét?"
Con trai chị Vương chỉ lấy 100 chia cho 10 mà không để ý rằng, để tạo ra một đường ray thì cần phải có hai thanh sắt song song nối liền nhau. Như vậy, để giải quyết bài toán, học sinh cần nhân đôi đoạn đường 100 mét lên rồi mới thực hiện phép chia. Hoặc học sinh cũng có thể thực hiện phép chia trước rồi nhân với kết quả vừa tìm được cho 2. Như vậy, kết quả của bài toán là 20.
Trước lời giải thích này, chị Vương cảm thấy xấu hổ vì chính mình cũng bỏ qua chi tiết này. Được biết, bài toán này chỉ duy nhất một học sinh trong lớp làm đúng. Điều đó cho thấy, ngoài kiến thức trên sách vở, học sinh cũng phải rèn luyện và trau dồi những kỹ năng, kiến thức trong cuộc sống thường ngày.
Qua bài tập này cũng có thể nhận ra xu hướng giáo dục ngày nay đã có chút thay đổi khi bài tập của học sinh không còn trọng về mặt sách vở cứng nhắc nữa mà thường lồng ghép các yếu tố để học sinh được rèn luyện tính tư duy và nâng cao hiểu biết xã hội.
Theo Sohu