Đến những năm 1980, nỗi lo đất nước cạn kiệt nguồn tài nguyên quý giá nhất này khiến các chính trị gia hạn chế sản xuất dầu. Cũng trong giai đoạn này, giá dầu thế giới bắt đầu giảm do nguồn cung dồi dào.
Sự lao dốc của cả sản lượng khai thác và giá dầu khiến kinh tế Venezuela bắt đầu sa sút. Trong giai đoạn 1980-1990, GDP bình quân đầu người của Venezuela giảm đến 46%. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Hugo Chavez đã vực dậy nền kinh tế bằng cách quốc hữu hóa các ngành công nghiệp và dành nhiều ngân sách cho các chương trình xã hội.
Trang Vox cho biết trong thời gian nhà lãnh đạo này nắm quyền (1999-2013), tỉ lệ thất nghiệp giảm một nửa, tỉ lệ nghèo giảm hơn một nửa trong lúc thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi, giáo dục được cải thiện…
Tuy nhiên, người kế nhiệm ông Chavez, Tổng thống Nicolas Maduro, lại không tạo được dấu ấn nào đáng kể. Do phụ thuộc quá nhiều vào dầu (chiếm đến 95% kim ngạch xuất khẩu và phân nửa nguồn thu của ngân sách), kinh tế Venezuela trúng đòn mạnh khi giá dầu lao dốc không phanh kể từ năm 2014. Những yếu tố khác là tình trạng quản lý kém, nạn tham nhũng và nợ công lớn (ước tính 150 tỉ USD).
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết GDP Venezuela giảm 45% trong 5 năm qua và dự báo lạm phát tại nước này đạt mức 10 triệu % năm 2019. Thực trạng này khiến nhiều người dân Venezuela không đủ tiền mua nhu yếu phẩm cơ bản. Ngay cả những người có tiền cũng không có thực phẩm, thuốc men... để mua. Một nghiên cứu của các trường đại học lớn ở Venezuela cho biết có 87% người dân sống trong cảnh nghèo năm 2017.
Sức khỏe người dân, nhất là trẻ em, xuống dốc. Tạp chí The New Yorker (Mỹ) dẫn một ước tính cho biết cứ 3 bệnh nhân vào bệnh viện công thì có 1 người tử vong. Tỉ lệ thất nghiệp và tội phạm bạo lực cũng tăng mạnh.
Ông Maduro thường xuyên quy trách nhiệm cho phe đối lập phá hoại để đẩy đất nước vào khủng hoảng. Chưa rõ cáo buộc đúng sai thế nào nhưng thực tế là người dân nước này giờ đây chỉ có 2 lựa chọn: Rời bỏ đất nước hoặc phụ thuộc vào phúc lợi của chính phủ. Liên Hiệp Quốc ước tính có 3 triệu người Venezuela rời đất nước kể từ năm 2014 với hy vọng cải thiện cuộc sống.