Ảnh: Internet.
Đối với việc bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa, trộm mộ chính là một kẻ thù không đội trời chung, vì những tổn thất mà trộm mộ mang lại là không thể đong đếm được.
Trộm mộ từ lâu đã được xem là một hành động phi pháp, chúng ta cũng thường nghe đến việc trộm mộ, tàng trữ cổ vật văn hóa trái phép sẽ bị đi tù, vậy thì câu hỏi đặt ra là trộm mộ gây tổn hại như thế nào để đến mức bị xử tử hình?
Tang vật được thu giữ sau những vụ trộm của Diêu Ngọc Trung.
Câu chuyện sau đây là một ví dụ. Diêu Ngọc Trung là một tên trộm mộ sống tại khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc. Sau khi học xong hết tiểu học hắn ta đã bắt đầu bước chân vào xã hội. Với truyền thống làm nghề trộm mộ trong gia đình, họ Diêu đã không tìm công việc lương thiện khác mà nhanh chóng "nối nghiệp" cha ông.
Diêu Ngọc Trung nhận thấy rằng những phương pháp trộm mộ của tổ tiên đã quá lỗi thời, cho nên tự mình nghiên cứu và tìm kiếm những phương pháp mới. Phương pháp của hắn có kết hợp cả khoa học kỹ thuật, có thể nói là đạt đến độ lão luyện, chuyên gia cũng phải kinh ngạc.
Công cụ mà nhóm tội phạm Diêu Ngọc Trung thường xuyên sử dụng là trát tử - công cụ leo cây gồm hai móc kim loại dùng để buộc vào chân.
Trát tử có hiệu quả vô cùng cao trong dò tìm mộ. Khi cắm trát tử xuống hố, tùy vào sự thay đổi màu sắc trên chiếc kim nhọn, có thể phán đoán được dưới lòng đất có gì. Ngoài ra, hắn ta còn sử dụng nhiều công cụ khác như la bàn, máy dò kim loại, máy chụp ảnh ba chiều...
Chân dung kẻ trộm mộ khét tiếng Diêu Ngọc Trung (Ảnh: Sohu)
Diêu Ngọc Trung lập cả một đội trộm mộ, trong suốt 30 năm làm nghề này, đội của hắn đã đào hơn 200 ngôi mộ, các loại cổ vật khác nhau bị hắn đưa tới rất nhiều nơi, từ chợ đen tới nước ngoài. Số tiền kiếm được từ việc bán các cổ vật lên tới hơn 500 triệu NDT.
Sau này hắn ta sa vào con đường nghiện ngập, rồi bị bắt. Những tổn thất mà hắn ta gây ra với các di tích văn hóa, đã đến mức vô cùng nghiêm trọng. Do đó, tòa án xử hắn ta tội tử hình.
Trong phiên tòa xét xử, Diêu Ngọc Trung vẫn không tỏ ra ăn năn, hắn còn tự tin khẳng định tại Trung Quốc, 100 chuyên gia khảo cổ cũng không giỏi bằng hắn. Phát ngôn này khiến truyền thông đất nước tỷ dân bấy giờ phải sục sôi!
Tự tin là vậy song trước giờ thi hành án tử, Diêu Ngọc Trung mới khóc lóc xin tha tội, còn tiết lộ mình biết đường vào lăng mộ Tần Thủy Hoàng để xin một con đường sống. Lúc này nhiều chuyên gia khảo cổ cũng tỏ ra bất ngờ, bán tín bán nghi. Song, những tội trạng họ Diêu gây ra đã đến mức không thể khoan hồng, hắn vẫn bị xử chết.
Câu chuyện trên cho thấy, dù không giết người, nhưng gây tổn hại nghiêm trọng đến di sản văn hóa, thì vẫn xứng đáng bị trừng trị. Tội trạng của nhân vật trong câu chuyện là hành vi suy đồi về mặt đạo đức, cũng là bài học cảnh tỉnh cho tất cả mọi người.