Bắc Kinh lần đầu báo cáo về quân lực Mỹ: Hơn 200 căn cứ, 37 vạn lính bao vây Trung Quốc

Hải Võ |

Báo cáo về quân lực Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương năm 2016 được Viện nghiên cứu biển Đông, cơ quan nghiên cứu ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc công bố tại thủ đô Bắc Kinh ngày 25/11.

Viện nghiên cứu biển Đông (NISCSS) là cơ quan trực thuộc chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, chịu sự chỉ đạo của Bộ ngoại giao cùng Cục hải dương quốc gia Trung Quốc trong nghiệp vụ và chính sách.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công bố một báo cáo nghiên cứu được đánh giá là chuyên nghiệp, toàn diện và có hệ thống để giới thiệu, phân tích về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Báo cáo gồm 5 chương với hơn 30.000 chữ, chủ yếu đánh giá về hiện diện quân sự Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, chính sách của Mỹ ở biển Đông và quan hệ hợp tác quân sự Mỹ-Trung Quốc.

Theo đó, dưới sự thúc đẩy của chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", Mỹ đã từng bước tăng cường bố trí binh lực ở khu vực, gia tăng hiện diện ở tuyến đầu cùng các hoạt động quân sự.

Báo cáo lần đầu nêu con số cụ thể để cáo buộc Mỹ mở rộng và hoàn thiện mạng lưới căn cứ quân sự cũng như lực lượng vũ trang tại châu Á, đồng thời khẳng định quy mô quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản đã đạt đến mức "chưa từng có trong lịch sử".

Thống kê của NISCSS cho thấy quân Mỹ có tổng cộng 7 nhóm căn cứ ở châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, chiếm gần 50% tổng số căn cứ ở nước ngoài. Trong đó, tại Nhật Bản có 122 căn cứ Mỹ và ở Hàn Quốc là 83.

Binh lực Mỹ triển khai ở khu vực này gần 370.000 quân nhân, chiếm hơn 50% toàn bộ quân lực Mỹ ở nước ngoài.

Ngoài ra, Mỹ đang từng bước bố trí các nhóm tàu chiến trên mặt nước hiện đại đến châu Á-Thái Bình Dương theo chiến lược "xoay trục".

NISCSS cho rằng, Trung Quốc đang trở thành "quốc gia đối tượng" để Mỹ tiến hành hoạt động tiếp cận giám sát Trung Quốc với tần suất lớn nhất, phạm vi rộng nhất và hình thức nhiều nhất, mà biển Đông trở thành khu vực trọng điểm.

Theo NISCSS, trong đề xuất ngân sách cho năm tài chính 2017, Lầu Năm Góc nhấn mạnh tiếp tục thúc đẩy chiến lược "xoay trục", duy trì hành động thận trọng và tăng cường sức ép dài hạn nhằm bảo đảm ưu thế quân sự của Mỹ, đối phó với quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.

Viện trưởng NISCSS, ông Ngô Sĩ Tồn nói rằng Mỹ đã ra báo cáo về quân lực Trung Quốc trong 16 năm liên tiếp, trong khi Nhật Bản cũng có báo cáo tương tự trong vài năm gần đây.

Ông Ngô cho hay, Trung Quốc công bố báo cáo về quan lực Mỹ vào thời điểm hiện tại nhằm "chứng minh khách quan sự đầu tư quân phí của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, mạng lưới căn cứ và bố trí binh lực, đặc biệt là tình hình hoạt động quân sự ở biển Đông".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại