Bắc Băng Dương có thể trở nên "trống vắng" vì mất lượng lớn băng biển lần đầu tiên trong 100.000 năm nếu con người không có những động thái hỗ trợ để kiểm soát mức nhiệt tăng, nhằm hạn chế tốc độ ấm lên toàn cầu dừng ở ngưỡng 2 độ C, các nhà khoa học cảnh báo.
Khu vực này đang trải qua sự tăng mạnh hơn nhiều về nhiệt độ trong những thập kỷ gần đây so với phần còn lại của thế giới. Nhiệt độ mùa đông ở đảo Spitsbergen thuộc phía bắc Na Uy cao hơn 8-11 độ C so với mức trung bình từ giữa năm 1961-1990.
Điều này được cho là sẽ có tác động lớn đến khí hậu ở phần lớn khu vực Bắc bán cầu, làm gia tăng số lượng những cơn bão nguy hiểm. Theo các chuyên gia hàng đầu cảnh báo, sự thay đổi nhanh chóng và bất ngờ này có thể tạo ra một hiệu ứng "thảm khốc" đối với khí hậu của Trái Đất.
Biển băng đóng vai trò quan trọng trong việc phản xạ phần lớn năng lượng từ ánh sáng Mặt Trời. Nếu biển băng tan biến thì tốc độ ấm lên toàn cầu cũng sẽ gia tăng.
Trong một bài báo trên tạp chí Nature Climate Change, Tiến sĩ James Screen và Tiến sĩ Daniel Williamson của đại học Exeter (Anh) đã nhận định về khả năng băng tan gần như hoàn toàn nếu nhiệt độ tăng lên 1.5 độ C hay 2 độ C.
Ngay cả khi kiểm soát mức nhiệt tăng toàn cầu dừng ở ngưỡng 2 độ C thì tình trạng băng tan chảy ở Bắc Cực cũng khó có thể ngăn chặn. Ảnh: NASA
Các nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu lo ngại rằng, ngay cả khi thậm chí con người đạt được mục tiêu kiểm soát mức nhiệt dừng ở mức 2 độ C (theo thỏa thuận lịch sử Paris – COP 21) thì cũng khó có thể ngăn chặn tình trạng Bắc Cực tan chảy.
Bắc cực sẽ được coi là mất băng nếu diện tích băng giảm xuống dưới một triệu kilomet vuông. Điều này có nghĩa là vùng biển bao quanh Bắc Cực sẽ thoáng đãng và các tảng băng còn lại chủ yếu tập trung ở những hòn đảo nhỏ và cửa biển thuộc ngoài khơi phía bắc nước Nga và Canada.
Theo Trung tâm dữ liệu băng và tuyết Mỹ, vào tháng 9/ 2016, băng biển Bắc Cực giảm xuống còn khoảng 4,1 triệu kilomet vuông, mức thấp thứ hai so với kỷ lục 3,4 triệu trong năm 2012.
Biển băng Nam Cực hiện đang ở mức thấp kỷ lục với 2,14 triệu kilomet vuông, so với mức trung bình 3,16 triệu trong khoảng thời gian từ 1981 - 2010.
Vào tháng 12/ 2016, Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA) cho biết, tình hình biển băng đang thay đổi rất nhanh "vượt quá khả năng kiểm soát và giải thích" cho những gì đang xảy ra.
Hệ quả xấu "tàn khốc"
Biển băng ở Bắc Cực đang có nguy cơ tan chảy rất cao, kích thích quá trình ấm lên toàn cầu diễn ra nhanh và phức tạp hơn. Điều này có thể kéo theo những hậu quả khôn lường về biến đổi khí hậu.
Thời tiết trở nên khắc nghiệt, thất thường, hạn hán có thể kéo dài, diễn biến những trận bão, lốc xoáy và thiên tai sẽ dữ dội và khó nhận biết hơn.
Mực nước biển dâng cao lên có thể làm nhiễm mặn các nguồn cung cấp nước ngọt cho những hoạt động sản xuất và đời sống, đe dọa mất phần lớn đất liền ở những quốc gia ven biển và các vùng đất thấp. Ngoài ra, các mô hình khí hậu cũng có sự thay đổi đáng kể.
Đối với con người, sự thay đổi đột ngột các mô hình khí hậu sẽ có tác dụng nguy hại vào cơ thể con người, đó là sẽ không thể chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt như thời tiết nóng, lạnh thay đổi bất ngờ.
Thiên tai thất thường và gia tăng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, sức khỏe và hoạt động sinh hoạt, học tập và lao động sản xuất của con người. Bên cạnh đó, vấn đề bệnh truyên nhiễm gia tăng cũng là một trong những tác động đáng sợ của nóng lên toàn cầu do côn trùng truyền bệnh phát triển mạnh mẽ.
Đối với động thực vật tự nhiên, biến đổi khí hậu có thể làm suy giảm nghiêm trọng tính đa dạng sinh học của các hệ sinh thái. Đặc biệt, nhiều loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao vì nhiệt độ tăng cao kéo theo diễn biến bất ngờ của thời tiết.
Gấu trắng có nguy cơ tuyệt chunge cao nếu biển băng ở Bắc Cực biến mất. Ảnh: Internet
Việc biển băng ở Bắc Cực có khả năng biến mất có thể kéo theo mối đe dọa lớn về môi trường sống cho loài gấu Bắc Cực, một loài vật dễ bị tổn thương và ngày càng khan hiếm.
Theo các chuyên gia, 2/3 số lượng gấu trắng Bắc Cực sẽ biến mất vào năm 2050. Hiện nay, gấu trắng Bắc Cực được xếp vào loại quan tâm đặc biệt ở một số quốc gia như Canada, Mỹ.
Nguồn: Independent, Theguardian, Nature.org