Bà Tuệ mù bán cá, mong ước mua được cỗ quan tài cho chính mình 9 năm trước giờ ra sao?

Lam Giang |

5-6 năm bươn chải ở Hà Nội, bà Tuệ vẫn chưa tích đủ tiền để mua cỗ quan tài như mong ước. 9 năm đã trôi qua, cuộc sống của người phụ nữ này đã có nhiều thay đổi.

Người phụ nữ mù bán tôm cá mưu sinh

Cách đây 9 năm, câu chuyện về bà Đoàn Thị Tuệ (hiện 62 tuổi, quê ở xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) bị mù lòa, lên Hà Nội mưu sinh bằng nghề bán tôm cá, mơ ước dành dụm đủ tiền để mua 1 cỗ quan tài cho mình rồi về quê được chia sẻ trên báo chí, truyền hình đã để lại trong lòng người đọc, người xem nhiều cảm xúc. Không ít người đã rơi nước mắt, thương cho số phận của bà Tuệ. 

Theo thông tin trên báo Thanh Niên, thời điểm ấy bà Tuệ ở trọ trên phố Phúc Tân. Mỗi sáng, bà dạy từ 3 giờ, đi bộ đến chợ Long Biên lấy tôm, cá, sau đó về bán ở chợ Hàm Tử Quan (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm). Cuộc sống vất vả, sức khỏe yếu, nhiều bệnh tật nên 5-6 năm lên thủ đô mưu sinh, bà Tuệ vẫn chưa dành dụm đủ tiền mua cỗ quan tài như mong ước.

Gần 10 năm trôi qua, nhiều người tò mò không biết cuộc sống hiện tại của bà Tuệ ra sao? Mong ước năm ấy đã thực hiện được hay chưa?

Bà Tuệ mù bán cá, mong ước mua được cỗ quan tài cho chính mình 9 năm trước giờ ra sao?- Ảnh 1.

Hình ảnh bà Tuệ mù ngồi bán cá ở chợ Hàm Tử Quan gần 10 năm trước. Ảnh: Dự Phạm

Mới đây, phóng sự trên VTC Now cho biết, năm 2017, do sức khỏe ngày một yếu dần, không còn khả năng thức khuya dậy sớm, đi bộ cả chục cây số lấy hàng về bán nên bà Tuệ đã trở về quê nhà, sống cùng người mẹ già.

Người thân và chính quyền địa phương chung tay sửa sang lại căn nhà cho bà Tuệ sinh sống. Đồng thời, bà được địa phương giúp đỡ cho đi học lớp tẩm quất, massage cho người mù. Hiện tại, bà đang đi làm ở một cửa tiệm của người quen, chủ tiệm cũng là người khiếm thị. Công việc nhẹ nhàng, an toàn hơn, không quá vất vả như đi bán tôm, bán cá trước đây, thu nhập cũng giúp bà có thể tự nuôi sống bản thân.

Về được ít năm, mẹ qua đời nên hiện tại bà Tuệ đang sống một mình trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, đơn sơ, trong nhà không có món đồ nào giá trị. Vì đi làm cách nhà 13km nên bà Tuệ ở lại chỗ làm, thỉnh thoảng gia đình có công việc bà mới về nhà.

Căn nhà của bà Tuệ ở cạnh nhà 2 người cháu. Mỗi khi bà về, các cháu lại giúp bà việc ăn uống, chăm sóc đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà.

Bà Tuệ mù bán cá, mong ước mua được cỗ quan tài cho chính mình 9 năm trước giờ ra sao?- Ảnh 2.

Bà Tuệ hiện đã về quê, sống một mình trong căn nhà đơn sơ, cũ kỹ.

Lạc quan giữa cuộc đời cô đơn

Bà Tuệ kể, bố mẹ bà có 5 người con, không may 3 người mắt cứ yếu dần rồi mù hẳn, hiện tại có vài người cháu cũng bị mù. Gia đình bà mấy đời làm nông, cuộc sống rất khó khăn.

Mặc dù có những lúc rất buồn, cô đơn, thèm mái ấm gia đình, nhưng bà Tuệ đành chịu đựng chứ chẳng biết phải làm sao. Người phụ nữ ngoài 60 tuổi tâm sự, trước kia bà quyết định không lập gia đình, bởi sợ bản thân trở thành gánh nặng cho người khác. Cuộc sống cô đơn, bà Tuệ lấy công việc làm niềm vui, lúc nào cũng cố gắng hết sức.

Nói về mơ ước năm xưa là cố gắng tích góp, mua được một cỗ quan tài cho chính mình, bà Tuệ thật thà bộc bạch: “Tôi không có khả năng chăm lo, báo hiếu bố mẹ nên cũng không muốn trở thành gánh nặng cho bất kỳ ai. Vì vậy, điều tôi mong muốn nhất thời điểm bấy giờ là cố gắng để tự lo được đám tang cho mình. Mình tự lo được cho bản thân cái gì thì đó là niềm vui của mình”.

Bà Tuệ mù bán cá, mong ước mua được cỗ quan tài cho chính mình 9 năm trước giờ ra sao?- Ảnh 3.

Người phụ nữ mù lạc quan, bằng lòng với những gì mình đang có.

Đến hiện tại, bà Tuệ vẫn chắt bóp, không dám chi tiêu hoang toàng để dành dụm tiền dưỡng già. Bà vẫn vậy, luôn chủ động chứ không ỷ lại, trông chờ vào người khác. Cuộc sống chưa bao giờ hết khó khăn, nhưng có một điều là gương mặt phúc hậu của người phụ nữ này luôn nở nụ cười, trong câu chuyện bà kể cũng luôn toát lên vẻ lạc quan.

Bà Tuệ bảo, bà không phàn nàn, buồn tủi, không nghĩ đến điều hơn, kém, thay vào đó là bằng lòng với những gì mình đang có, hướng đến những điều tốt đẹp và sẵn sàng đón nhận điều không may. “Tôi tin rằng chỉ cần sống thiện lành, điều tốt đẹp sẽ tự khắc tìm đến”, bà Tuệ nói.

Giờ đây khi đã ở tuổi gần 70, bà Tuệ mong sau này già yếu, sức khỏe không còn cho phép có thể tự đi kiếm miếng ăn, bà sẽ được vào Trung tâm nuôi dưỡng người khuyết tật sống nốt phần đời còn lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại