Thách thức của "người đứng đầu"
Nghỉ hưu, bà Bằng được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố 19. Đây là tổ dân phố gồm 9 tòa nhà (Nam Xa La 5 tòa và Bắc Xa La 4 tòa), có mật độ dân số lớn nhất thành phố, khoảng 8.000 nhân khẩu với trên 2.400 hộ.
Nhận bàn giao công việc chính thức từ tháng 4.2017, nhưng ngay từ trước đó, bà Bằng đã tiếp cận và nắm bắt tình hình chung của toàn tổ dân phố.
Bà Bằng chia sẻ: “Khi nhận công tác tôi cũng lo vì tuổi đã cao, mà đặc điểm dân cư nơi tôi đảm nhiệm rất phức tạp, thường xuyên có những biến động lớn.
Hơn nữa, trước đây việc cân đối các hoạt động giữa hai bên khu dân cư chưa được đảm bảo nên giờ “gò” mọi người vào quy chế, quy ước của thành phố rất khó”.
Trải qua 20 lần họp với dân cư rồi vận động lên, xuống, bà tìm thêm được những cư dân tích cực đồng hành sắp xếp và nhân rộng các phong trào xã hội tại tổ.
Một nhiệm vụ đã khó, ấy thế mà bà Bằng cùng lúc giữ cả vị trí Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của tổ dân phố. Việc gối lên việc, vất vả lại thêm phần vất vả.
Làm sao để phát triển số lượng hội viên? Làm sao để đẩy mạnh các hoạt động phong trào?... là những câu hỏi luôn làm bà phải suy nghĩ. Và thế là cuộc vận động chị em phụ nữ tham gia vào Hội được bà Bằng triển khai bằng những việc làm không ai tưởng.
Mỗi lần đi chợ, đi thang máy, gặp phụ nữ nào bà Bằng cũng đều rủ vào sinh hoạt trong Hội. Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn, từ chỗ chỉ có 30 thành viên ban đầu, đến nay số hội viên trong Chi hội do bà đứng đầu đã lên tới hơn 100 người, thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực.
Vượt qua thách thức, với tư cách là người đứng đầu, bà Bằng đã giúp cho tổ dân phố số 19 trong hai năm 2017, 2018 là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bản thân bà Bằng cũng được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trao tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2019.
Và câu chuyện 10 tấn rác bị “thổi bay”
Trên địa bàn phường Phúc La có khoảng 1 km đường dọc bên bờ sông Nhuệ là điểm đen về rác thải, biến nơi đây trở thành bãi rác khổng lồ.
“Mỗi lần đi họp qua đây, tôi rất bức xúc. Mình đi qua thôi đã không chịu được thì người dân sống gần đó quá khổ. Do đó, tôi có ý nghĩ giải phóng đống rác này đi” – bà Bằng cho biết.
Nghĩ là làm, bà Bằng manh nha ý tưởng ban đầu sẽ tiến hành giải phóng rác trong khoảng 300m rồi trồng hoa, sau đó nhân rộng dần.
Thế nhưng suy đi, tính lại, bà nhận thấy nếu đã làm thì phải làm tròn trịa mới có hiệu quả. Bà đã lên kế hoạch, xin ý kiến lãnh đạo; đồng thời bàn bạc với Chi hội Phụ nữ cùng phối hợp để làm.
Ý tưởng của bà Bằng ngay lập tức được chấp thuận. Để hiện thực hóa ý tưởng, bà Bằng trực tiếp đi vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cùng chung sức xã hội hóa kinh phí thuê xe bốc rác thải đi.
Bên cạnh đó, bà cũng tuyên truyền, vận động sâu rộng đến toàn thể cư dân của tổ dân phố cùng làm. Với sự gương mẫu đi đầu và những nỗ lực của bản thân, bà Bằng đã cùng mọi người dọn sạch 10 tấn rác thải chỉ trong 5 ngày.
Mọi người trong Chi hội Phụ nữ của tổ dân phố cùng tham gia chăm sóc hoa dọc tuyến đường với bà Bằng. Ảnh: NVCC.
Vào cuối tháng 5.2017, toàn tổ dân phố ra quân trồng hoa tại nơi rác đã được giải phóng.
Xác định “công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”, bà Bằng đã phân chia mỗi ngày sẽ có 5 nhóm thực hiện việc chăm sóc, tưới tắm cho hoa đã trồng.
Điều đặc biệt là nước tưới cho hoa đều do đi xin từ các khu chung cư xung quanh.
Công việc vì thế cũng nặng nhọc hơn, nhưng ai nấy cũng đều hào hứng với quyết tâm “đã làm được rồi thì phải duy trì”. Giờ đây, 1km đường đã xanh mướt, rực rỡ sắc hoa. Và mọi người vẫn thường nói ấy là "con đường bà Bằng".
Nói về “chiến tích” này, bà Bằng chỉ cười hiền hậu và nói: “Đó là một kỷ niệm tự hào. Tôi cảm thấy mình đã góp được một chút sức lực vào công việc chung của toàn tổ dân phố, tạo được niềm tin trong cư dân”.
Không chỉ giải phóng 10 tấn rác, góp phần tạo nên lá cờ đầu trong phong trào công tác xã hội của quận, bà Bằng còn thúc đẩy phát triển nhiều hoạt động phong trào như: “Ngày thứ 7 xanh” - vận động người dân giữ cho đường thông, hè thoáng. Hay phong trào hiến máu nhân đạo và nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa khác.
Thán phục chắc chắn sẽ là cảm nhận chung của bất cứ ai khi được tiếp xúc và làm việc với bà Bằng – một người phụ nữ có tâm sáng, luôn quan niệm: “Còn sức khỏe thì còn cống hiến”.