img

Văn phòng mới của bà Thái Hương vừa được sửa lại cách đây vài tháng. Thay vì tiểu cảnh quen mắt, phòng giờ treo đầy những bức tranh tường về thiên nhiên, mô tả lại cảnh đẹp của nhiều quốc gia trên thế giới. Bức tranh duy nhất vẽ người họa một bé gái, mà khi giới thiệu, bà Thái Hương nói: "Đó là tôi, khi còn là một cô bé, chạy trên những cánh đồng rộng lớn. Tất cả mọi mong ước, khát vọng của tôi giờ đây vẫn còn vẹn nguyên như khi còn là một cô gái mới lớn".

Bà Thái Hương: “Tôi rất thích là một người phụ nữ bình thường” - Ảnh 1.

Bà Thái Hương: “Tôi rất thích là một người phụ nữ bình thường” - Ảnh 2.

Vì sao bà lại quyết định biến mảnh đất nội thành đắt đỏ rộng tới 20.000m2 thành trường học quốc tế thay vì xây dựng nhà để bán?

Ý định này xuất phát rất thực tiễn từ việc con tôi, vốn đang học năm nhất đại học Kinh tế quốc dân, đề nghị cho ra nước ngoài học. Tôi vốn chưa bao giờ nghĩ sẽ sống xa con ở hai đất nước khác nhau, nhưng vẫn đồng ý. Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi là đi cùng con trai để thu xếp việc học hành, ăn ở. Dù mọi việc sau này vẫn rất ổn thỏa, nhưng trong lòng tôi luôn thấy hụt hẫng, nhớ con đến nỗi năm đó tôi ra nước ngoài đến 4 chuyến để thăm con.

Con cái học xong trung học, lúc đó chúng mới 18 tuổi. Đó là độ tuổi vàng của con người, nhưng như con tôi, nhiều đứa trẻ sẽ trải nghiệm thời gian này ở nước ngoài, kinh nghiệm học tập, sống, làm việc và có thể là cả tình yêu. Gắn bó những năm tháng tuổi trẻ nồng nhiệt và sâu sắc với vùng đất ấy nên không khó hiểu khi có nhiều người đi du học rồi không muốn về. Họ có thể đã coi nơi đó là đất mẹ thứ hai trong tim, trong khi tôi không muốn con mình san sẻ tình yêu đó.

Bà Thái Hương: “Tôi rất thích là một người phụ nữ bình thường” - Ảnh 3.

Sự chia xa khiến tôi hụt hẫng, và cũng khiến con tôi hụt hẫng. Trong những cuộc gọi về với mẹ, con trai tôi luôn nói rằng nó sống rất tốt, rất vui vẻ. Nhưng khi chia sẻ với người khác, con nói rằng nếu sau này có con, nó sẽ không để con của mình đi học nước ngoài ở độ tuổi đó.

Xuất phát từ tình yêu của người mẹ, tình yêu tổ quốc, tôi đã quyết định xây dựng một ngôi trường quốc tế ngay tại Việt Nam. Đất nước mình còn khó khăn, cần nguồn nhân lực tốt nên cần có những đào tạo bàn bản, chỉn chu, đạt được chuẩn quốc tế nhưng không cần bước chân đi học nơi xa xôi.

Cùng lúc này, Nghị quyết đại hội đảng toàn quốc lần thứ 11 đặt ra yêu cầu phải "đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế", càng củng cố quyết tâm của tôi phải làm gì đó trong ngành giáo dục, phải mang lại giá trị đích thực, đầy tính nhân văn cho con trẻ.

Nhiều năm làm về sữa và thực phẩm, giờ chuyển sang điều hành trường học, bà có gặp khó khăn gì không?

Cách tiếp cận của mỗi ngành mỗi khác, nhưng sau khi lên được đề án, các bước triển khai tiếp theo đều giống nhau hết. Khi tiếp cận với một ngành mới, tư duy của tôi là tìm đến chuyên gia bậc thầy của nghề đó, mời họ về làm cho mình. Các ban bệ phía dưới, cộng sự của tôi sẽ cùng chung tay để làm. Thực ra, những người làm việc với tôi không hẳn là người giỏi nhất, nhưng với sự cần cù, họ chắc chắn sẽ làm được tất thảy.

Bà Thái Hương: “Tôi rất thích là một người phụ nữ bình thường” - Ảnh 4.

Ý tưởng là như vậy, nhưng khi bắt tay vào làm hẳn có nhiều khó khăn?

Khu đất này ban đầu được quy hoạch để xây cụm chung cư, nhưng sau đó tôi lại đề nghị và được chấp thuận xây trường quốc tế TH School. Ngày 25/3 chúng tôi mới nhận được giấy phép xây dựng, nhưng ngày 5/9 đã khai giảng được khóa đầu tiên. Mảnh đất ấy tôi đã mòn chân ở nơi đó, chăm chút tới từng gốc cây, mảnh tường để có được ngôi trường như hôm nay

Mảnh đất xây trường vốn là đất kim cương, tôi làm được là vì tôi đã vượt qua chính mình rồi. Nếu muốn xem kiếm được bao nhiêu tiền từ mảnh đất này thì cứ tính trên phương án xây nhà ở để bán sẽ ra con số, nhưng trường học thì chỉ được giá trị về thương hiệu, còn tiền bạc khó đong đếm được. Khi nói với cổ đông, tôi khẳng định rằng sau 15 năm thì nơi này rồi sẽ đơm hoa kết trái thôi.

Dự định ban đầu của chúng tôi là chỉ xây dựng trường trong khoảng 4.600m2, còn phần lớn trong diện tích khu đất 20.000m2 này sẽ xây nhà ở. Nhưng sau đó tôi nghĩ trường học mà không có chỗ cho học sinh chơi thì không được, nên tôi quyết tâm sử dụng toàn bộ. Vượt qua chính mình đã là qua được rào cản lớn nhất rồi, vì vậy tôi làm điều này rất say sưa, suốt 5 năm trời.

Làm TH True Milk với mong muốn mọi trẻ em Việt Nam đều được uống sữa tươi, nhưng với TH School, mức học phí 200-300 triệu một năm có thể là rào cản lớn khiến ngôi trường này chỉ có thể là điểm đến của những con em gia đình có điều kiện. Bà có nghĩ như vậy không?

Làm doanh nghiệp phải tính đến lợi ích, hài hòa thu và chi. Với mức học phí như hiện tại, trong 5-7 năm đầu TH sẽ chưa có lợi nhuận. Dự kiến đến năm thứ 15, nguồn thu mới đủ bù chi và có lãi, bởi còn rất nhiều thứ chúng tôi phải đầu tư cho ngôi trường này, nhất là từ bữa ăn của trẻ em.

Để có gạo, rau sạch phục vụ bữa ăn tại trường, tôi đã làm dự án gạo ở Thái Bình, mắm muối sạch ở Phú Yên, lạc vừng tại Nghệ An, hoa quả sạch, rau và sữa sạch. Ở trường, tôi trồng rất nhiều cây me, vì me ra nhiều quả, và trẻ con tuổi ấy đứa nào cũng muốn được nhấm chút đồ chua. Táo xanh cũng trồng rất nhiều, nhót quanh bờ tường, còn trồng một cây vối để lấy lá nấu nước uống cho trẻ con.

Tôi không chọn học sinh, học sinh nào cũng nhận hết. TH School giáo dục không phân biệt học sinh, trừ học sinh tự kỷ bởi sau này ở giai đoạn 2, tôi sẽ xây dựng ngôi trường dành riêng cho các cháu tự kỷ, vì tôi rất thương những đứa trẻ này.

5 năm đầu, TH School sẽ chỉ sử dụng giáo viên nước ngoài. Song song thời gian này, trường sẽ chú trọng vào đào tại giáo viên bản địa. Chúng tôi lấy nguồn từ các sinh viên sư phạm yêu nghề, học giỏi, có tiếng Anh thành thạo để nhận đào tạo tại viện đào tạo nguồn lực của TH School do nhóm chuyên gia nước ngoài giảng dạy, được cấp chứng chỉ để đứng lớp.

Bà Thái Hương: “Tôi rất thích là một người phụ nữ bình thường” - Ảnh 5.

Việc dạy học ở TH School có gì khác với trường học khác?

Tôi không so sánh với trường khác, cũng không biết họ đang làm cái gì. Tôi chỉ biết rằng đối với tôi việc dạy là tìm ra cách tiếp cận để nâng cao phẩm chất tự nhiên trẻ, còn việc học là để lấy được bằng tú tài quốc tế, không phải chỉ IQ mà cả EQ. Đây chắc chắn đây là mô hình đầu tiên, duy nhất tại Việt Nam vào thời điểm này, để 100% học sinh tốt nghiệp ở trường tôi có thể vào học đại học quốc tế ngay với tấm bằng được công nhận rộng rãi trên thế giới.

Giáo dục là tinh hoa của toàn thế giới, nên không sợ chúng ta bị hòa tan. Còn về vấn đề bản sắc, TH School có thêm môn Việt Nam học (gồm ngữ văn, lịch sử, địa lý). Nhiều người cho rằng môn sử quá dài không nên cho vào chương trình, nhưng tôi không đồng ý. Môn học đó phải được dạy trong trường, dạy bằng tiếng Việt, bao gồm sử Việt và sử thế giới, nhưng được thu gọn lại theo đúng mô hình mà quốc tế truyền thụ.

Cách tiếp cận truyền thống của giáo dục Việt nam vốn là "chứng minh định lý", còn TH School và thế giới tiếp cận theo kiểu "ứng dụng định lý vào cuộc sống".

Bà Thái Hương: “Tôi rất thích là một người phụ nữ bình thường” - Ảnh 6.

Bà Thái Hương: “Tôi rất thích là một người phụ nữ bình thường” - Ảnh 7.

Bà Thái Hương: “Tôi rất thích là một người phụ nữ bình thường” - Ảnh 8.

Điều gì giúp bà dù bận rộn nhưng lúc nào cũng tràn đầy năng lượng như vậy?

Đi chơi thì tôi thấy mệt lắm. Được nghỉ 1-2 ngày thì thấy mệt ngay. Tư duy của tôi là cái tâm dẫn lối rất sáng, tôi đi theo tâm Phật mà, tôi biết cái gì phải làm và nếu không làm sẽ thấy mình có tội lắm. Làm được là tôi đã thấy hạnh phúc lắm rồi.

Ta sống mà không có ước mơ, khát khao thì cũng chẳng sống để làm gì. Đi buôn thì cũng có thể thành công, nhưng nó không thể trở thành đỉnh cao được. Tôi đầy khát vọng, luôn luôn khát vọng.

Con tôi nhìn ra việc khai thác ngành bất động sản, nhưng tôi nói không. Tôi bảo: "Ta hãy đi con đường tạo ra sản phẩm cho xã hội. Đó là sự nghiệp mẹ đã đưa ra, các con phải bám vào đó". Đó là sự định hướng rõ ràng trong gia đình tôi.

Có bao giờ bà gặp chuyện mình muốn làm nhưng chưa làm được không?

Chưa từng. Tôi đã muốn là sẽ làm bằng được. Tôi không lan man đâu, làm gì cũng có chủ định hẳn hoi. Năm 1994 tôi đã muốn làm nhà máy bò sữa, nhưng xét thấy nguồn lực chưa đủ nên tôi dừng lại để chuẩn bị nền tảng tài chính cho đầy đủ.

Giáo dục cũng vậy. Tôi đã mời cả một nhóm chuyên gia đầu ngành về giáo dục, thiết kế để bàn thảo về dự án này, đều là người nước ngoài. Tôi nuôi họ trong vài năm, ngay cả thời điểm 2011, khi cả nước đều đang thiếu vốn, thiếu tiền, tôi cũng quyết không bỏ. Sự chuẩn bị kỹ càng như vậy là cần thiết, bởi giáo dục không cho phép mình được thực nghiệm.

Bà Thái Hương: “Tôi rất thích là một người phụ nữ bình thường” - Ảnh 9.

Xây dựng trường học cho trẻ em và cũng cho chính con của mình, điều này cũng cho thấy bà chăm con rất cẩn thận, thậm chí khá bao bọc?

Tôi là một người mẹ, không muốn buông con mình ra khi nó chưa đủ tuổi trưởng thành. Tôi cũng là một người mẹ ích kỷ, rất sợ con mình san sẻ tình cảm. Dù đi công tác liên tục như thế, nhưng mọi bữa cơm gia đình, nhất là bữa sáng, tôi luôn là người chuẩn bị.

Tôi cũng là người thắt khăn quàng đỏ cho con. Nhãn vở của con từ năm học lớp 1 đến năm lớp 12 đều do tôi dán và đề chữ. Tôi muốn mỗi khi con mở sách, đều nhìn thấy nhãn vở mẹ đã ghi cho chúng.

Bà Thái Hương: “Tôi rất thích là một người phụ nữ bình thường” - Ảnh 10.

Chăm con cẩn thận như vậy bà có bao giờ bị chính con mình phản ứng không?

Có chứ, nhưng tôi cứ lầm lì, mặc kệ phản ứng của chúng đi như vậy. Tôi là đứa trẻ rất nhạy cảm, tôi biết mình thích gì và không thích gì. Tôi cũng biết con mình thích gì và không thích gì, chỉ trừ chuyện ăn uống thôi.

Lúc các con tôi còn nhỏ, tôi hay nấu cháo cho chúng ăn lúc 9-10h đêm, rồi uống sữa đậu nành. Chuyện bắt con ăn thêm vì những thứ đó ngày nhỏ tôi rất thích, nhưng quên mất rằng ngày đó đói khổ nên thứ gì cũng thèm, còn tụi trẻ con giờ thừa chất nên không muốn ăn những món ấy nữa.

Từng được xưng tụng là người phụ nữ quyền lực, bà thấy mình có quyền lực thật không?

Tôi không cảm thấy mình là người phụ nữ quyền lực, cũng không thích người ta đặt cho mình danh xưng đại gia. Tất cả mọi mong ước, khát vọng của tôi vẫn còn vẹn nguyên như khi tôi còn là một cô gái mới lớn là muốn mang lại điều gì đó tốt đẹp cho người xung quanh.

Tôi rất thích nấu ăn, rất thích làm một người phụ nữ bình thường, nhưng vì sứ mệnh nên tôi chấp nhận trở thành một doanh nhân mạnh mẽ. Khi về nhà, đó là khoảnh khắc tôi thấy mình là người phụ nữ bình thường nhất. Tôi không bao giờ mang công việc về nhà, trong nhà cũng chưa từng tiếp bất cứ khách doanh nhân nào đến bàn chuyện làm ăn cả.

Bà Thái Hương: “Tôi rất thích là một người phụ nữ bình thường” - Ảnh 11.

Hạ Minh
Kiên Trần
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ08/03/2017