"2 trong 3 người đàn ông ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời doanh nhân của tôi đều thuộc về Liên Xô và nước Nga vĩ đại"
Ít ai biết được rằng, bà Thái Hương có một tuổi thơ gắn liền với đồng ruộng, với những người nông dân quanh năm lam lũ mà vẫn cơ cực, đói nghèo. Sinh ra ở mảnh đất miền Trung nắng gió, thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân, bà luôn ý thức được sứ mệnh một ngày có thể giúp cho người dân quê mình có thể tự hào về mảnh đất của chính họ.
Những năm tháng gian khó đã rèn giũa nên bản lĩnh của người đàn bà thép trong lĩnh vực sữa tươi, để rồi không chỉ từ mảnh đất quê hương, bà còn mang sứ mệnh đánh thức niềm tự hào tới với xứ sở bạch dương rộng lớn.
Phải nói rằng, bà Thái Hương có một cơ duyên và một tình yêu lớn lao lạ kỳ với đất nước Nga. Bà từng chia sẻ rằng: "2 trong số 3 người đàn ông ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời doanh nhân của tôi đều thuộc về Liên Xô và nước Nga vĩ đại"
Người đầu tiên chính là chàng thanh niên giàu nghị lực, hoài bão Paven Coocsaghin trong tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy". Đó là cuốn sách gối đầu giường với rất nhiều thế hệ thanh niên Liên Xô cũ cũng như Việt Nam một thời với câu nói nổi tiếng: "Cái quý nhất của con người là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí..".
Câu chuyện về Paven thổi lửa vào niềm kiêu hãnh, đánh thức ý chí không chịu khuất phục, luôn mạnh mẽ tiến bước trong bà trên con đường kinh doanh.
Người thứ 2 là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Với bà, người đàn ông quyền lực số 1 nước Nga không chỉ đơn giản là một nguyên thủ tài ba, mà cái cách ông chèo lái con thuyền Nga trước cơn bão khủng hoảng, cấm vận để giữ vị trí một cường quốc trên thế giới thực sự đã truyền cảm hứng cho bà Thái Hương.
Ở ông, bà tìm thấy những điểm chung như đều là những người yêu thiên nhiên và động vật. Bên cạnh đó, họ còn giống nhau ở một tâm hồn nhạy cảm, nhưng vẫn rất quyết đoán khi phải đưa ra các quyết định quan trọng.
Trong cơn bão cấm vận, chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin tìm mọi cách vực dậy nền kinh tế đất nước, phát triển các ngành truyền thống làm bệ đỡ như nông nghiệp. Chia sẻ tầm nhìn này, bà Thái Hương cũng nhận định nước Nga với tài nguyên đất đai rộng lớn, có thể trở thành cường quốc thế giới về nông nghiệp.
Với sự tạo điều kiện về chính sách và trợ giúp từ chính phủ Nga, con tàu TH do thuyền trưởng Thái Hương dẫn dắt bước chân vào cuộc khai phá vĩ đại: biến đất nở hoa, đánh thức niềm kiêu hãnh trên mảnh đất Bạch Dương.
Gieo lại mầm xanh trên những mảnh đất hoang vu
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của TH trong Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao và một số dự án về thực phẩm với tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD tại Liên bang Nga là cải tạo các vùng đất hoang vu, biến chúng trở thành những đồng cỏ, ngô… xanh tốt phục vụ cho việc phát triển đàn bò cho nguồn sữa tươi chất lượng cao.
Ông Aliev Rasul là giám đốc trang trại TH tại Nga. Trước đây, ông đã có nhiều năm làm việc ở nhiều nông trường quốc doanh của Nga. Phóng tầm mắt nhìn ra cánh đồng cỏ xanh mướt, bao la, lòng ông không khỏi dấy lên niềm tự hào.
Trước đây, đó là mảnh đất trồng ngô và củ cải. Sau khi Liên Xô tan rã, đất đai bị bỏ hoang, khô cằn. Là một người dân Nga yêu nước, yêu đất như hơi thở, ông không khỏi cảm thấy buồn lòng.
Khi tập đoàn TH bắt đầu xây dựng trang trại năm 2016, những vùng đất bị bỏ hoang này được quy hoạch lại và chính quyền tỉnh Moscow đã bàn giao cho nhà đầu tư. Cùng với TH, ông Rasul và các cộng sự của mình bắt tay vào cải tạo vùng đất này.
"Tôi là một trong những người đầu tiên đi khai phá mảnh đất này. Cùng với những cán bộ của TH tăng cường từ Nghệ An sang, chúng tôi đã phải tốn rất nhiều công sức, và phải dùng chính lao động chân tay để làm việc cho kịp vụ thời gian ban đầu. Máy móc đi trước, chúng tôi đi theo sau, dọn dẹp bằng tay và bỏ nhiều công sức.
Vất vả nhưng chúng tôi làm rất say mê, để chưa đầy trong vòng 1 năm đã dọn sạch được gần 5.000 ha đất. Cánh đồng cỏ xanh mướt này là kết quả vụ cỏ đầu tiên của chúng tôi, sắp cho thu hoạch" - ông Rasul chia sẻ.
Ông Rasul trên cánh đồng ngô bát ngát mới mọc lên tại Volokolamsk.
Chính quyết tâm và chiến lược đúng đắn của TH đã mang tới những quả ngọt đầu tiên trên đất Nga. Để rồi từ đó, những đồng cỏ xanh tươi, các trang trại bò sữa, những nhà máy bắt đầu mọc lên.
Tháng 1/2018, trang trại bò sữa cao sản TH được khánh thành tại Moscow.
Ngày 7/9/2018, Nhà máy chế biến sữa công suất 1.500 tấn/ngày được khởi công tại Kaluga.
Và tiến tới là những dự án triển khai dự án tại Tyumen, Cộng hòa Bashkortostan và vùng Viễn Đông, nâng tổng đàn bò sữa TH tại Nga lên 350.000 con, đủ sức đáp ứng cho nhu cầu lớn của thị trường.
Với nhiều người, dự án của TH thật mạo hiểm trong điều kiện khí hậu tại Nga có tới nửa năm là mùa đông giá lạnh, tuyết phủ trắng đất đai. Nhưng với những ai thực sự có niềm tin, TH đang bước những bước thần tốc trên mảnh đất Bạch Dương.
BàThái Hương và tâm nguyện trở thành "Người đầu bếp tử tế của nước Nga"
Khi được hỏi, tại sao lại chọn nước Nga để phát triển thị trường sữa và hành trang mang theo trên đất nước lạnh giá này, bà Thái Hương khiêm tốn chia sẻ: "Tôi sang Nga cũng chỉ dựa trên những giá trị cốt lõi, phẩm hạnh của sản phẩm mà thôi. Đó là nghiêm túc, chân chính và kiêu hãnh."
Với người đàn bà thép của ngành sữa ấy, con đường mang tới những sản phẩm sạch và chất lượng cho người tiêu dùng lại được nối dài, từ những trang trại bò sữa TH ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho tới những trang trại nơi nước Nga xa xôi. Những thành quả TH tạo nên trên mảnh đất Nga thật là kỳ tích. Nhưng chính sự kiên định trong hướng đi của bà Thái Hương tạo nên phần lớn thành công bước đầu của dự án này.
Quyết tâm của người phụ nữ mạnh mẽ ấy được thể hiện qua một câu chuyện về những ngày đầu của TH tại Nga. Khi xây dựng trang trại ở Moscow, Kaluga, lao động của TH RUS phải chặt cây, phát quang để có đất đai cày xới.
Khi nhận đất xây dựng nhà máy ở Kaluga, trước mắt bà vẫn là tít tắp đất hoang trải tới chân trời. Đứng trước mênh mông hoang vu, Giám đốc dự án lo lắng hỏi bà: "Chị ơi, cây cối ở đây đã mọc 20 năm thành rừng, rất khó để bắt đầu!!!", bà điềm tĩnh trả lời: "Hãy nỗ lực, có lòng quyết tâm là có tất cả!"
Bài viết này xin được khép lại bằng đoạn phát biểu ngắn của bà Thái Hương tại lễ khởi công nhà máy chế biến sữa tại Kaluga đầu tháng 9 vừa qua: "Các bạn Kaluga, các bạn Nga thân mến, tôi sang Nga trong thời kỳ cấm vận, sự thiếu hụt về sữa và các sản phẩm về sữa cũng như các sản phẩm về nông nghiệp, như tôi đã cam kết, TH sẽ trở thành nhà nội trợ tử tế, sẽ cùng những người nông dân Nga yêu mến mảnh đất này, nơi sáu tháng ngủ đông tạo ra hệ sinh thái dinh dưỡng tốt nhất cho đất, mặt trời vừa ló lên, vạn vật sinh sôi nảy nở; với một tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị từ đồng cỏ đến bàn ăn và tính nhân văn của thương hiệu là ánh sáng dẫn lối, tạo ra những sản phẩm sữa tiêu chuẩn hàng đầu quốc tế".
Đó cũng mãi là triết lý trường tồn mà bà cùng các cộng sự của mình theo đuổi.