85 độ C là nạn nhân mới nhất của sự căng thẳng trong quan hệ hai bờ. Sau khi bà Thái đến thăm một trong nhiều chuỗi cửa hàng của họ tại Los Angeles (Mỹ) lúc quá cảnh sang thăm hai nước Belize và Paraguay, cư dân mạng Trung Quốc đã lên tiếng đòi tẩy chay toàn bộ 600 cửa hàng tại Trung Quốc của thương hiệu này.
85 độ C xử lý khủng hoảng bằng cách đăng một thông điệp trên tài khoản Weibo, tuyên bố ủng hộ “Đồng thuận 1992” (thừa nhận nguyên tắc "một Trung Quốc") cũng như phản đối bất cứ hành động lẫn lời nói muốn ly khai nào.
Tuyên bố này lại tạo nên làn sóng giận dữ tại Đài Loan. Một chính trị gia đảng Dân tiến của bà Thái cho rằng thương hiệu bánh nên đổi thành “92 độ C”. Cộng đồng mạng hòn đảo này cũng kêu gọi tẩy chay.
Các ứng dụng đặt đồ ăn uống Trung Quốc như Meituan-Dianping và Ele.me đều xóa tên chuỗi cửa hàng này khỏi nền tảng của mình. Hãng tin CNA còn cho biết trang web tiếng Trung của 85 độ C dường như đã bị tấn công mạng.
Thậm chí, không ít nhà đầu tư còn bán cổ phiếu Gourmet Master, công ty mẹ của 85 độ C. Theo Nick Guo, một khách hàng của chuỗi cửa hàng: “Tôi không ủng hộ doanh nghiệp làm ăn ở Trung Quốc nhưng lại không ủng hộ đất nước thống nhất. Hầu hết người Trung Quốc chắc chắn sẽ đồng tình với tôi”.
Đài Loan luôn được Bắc Kinh xác định là phần lãnh thổ không thể tách rời và sẽ có ngày thống nhất, vì vậy họ luôn phản ứng mạnh mẽ, bằng lời nói lẫn hành động với bất kỳ động thái đòi độc lập cho đảo này.
Không phải chỉ có 85 độ C gặp rắc rối vì căng thẳng hai bờ. Hôm 17.8, cảnh sát thành phố Mã An Sơn (tỉnh An Huy) thông báo vừa bắt giữ một người dám đặt câu hỏi “Luật nào cấm không được gọi Đài Loan là một quốc gia?” trên mạng xã hội.
Trước đó, nhiều hãng hàng không nước ngoài thời gian qua cũng bị buộc phải sửa/xóa thông tin có ý chỉ Đài Loan, Hồng Kông, Macau là các vùng lãnh thổ độc lập với Trung Quốc. Tháng 4 vừa qua, giải thưởng văn học quốc tế Man Booker cũng phải đính chính lại thông tin khi ghi quốc tịch của nhà văn Ngô Minh Ích là “Đài Loan”.