Bà nội ưa sạch sẽ khiến kỳ nghỉ hè 2 ngày của cháu 'ngập trong nước mắt'

Tiểu Ngạn |

Một bên là mẹ chồng, một bên là con trai. Tôi phải làm thế nào để vừa lòng cả 2 đây?

Gia đình chúng tôi vừa trải qua một khởi đầu mùa hè vô cùng bão táp. Tôi đã dự tính trước những chuyện có thể xảy ra khi đưa con về quê chơi, nhưng kết cục vẫn không tránh khỏi sự cố.

Quê chồng tôi cách thành phố chỉ 30km nên đi lại khá dễ. Tuy nhiên trái ngược với suy nghĩ của mọi người, độ hào hứng khi nhắc đến chuyện về quê nội của gia đình tôi là 4/10. Lý do không phải vì bố mẹ chồng khó tính hay gì. Mà điều duy nhất khiến cả nhà tôi sợ hãi chính là… tật sạch sẽ thái quá của bà nội cu Khoai.

Từ lúc chưa về làm dâu tôi đã biết mẹ chồng mắc bệnh sạch sẽ. Nhà cửa sân vườn lúc nào cũng sạch bong, một cái lá rơi hay trời nổi tí gió bụi là bà vác chổi xẻng ra quét dọn bằng hết. 1 ngày bà lau nhà 4-5 lần. Bát đũa nồi niêu vừa nấu xong còn nóng bà cũng đeo găng tay rửa hết, đem ra nắng phơi khô rồi mới mang vào cất.

Dĩ nhiên bố chồng và ông xã tôi thì ngược lại, vừa ở bẩn lại còn bừa bãi. 2 người bày 1 người theo sau dọn, mấy chục năm như thế cho đến khi có thêm tôi là 2 phía “cân” nhau. Tôi cũng than thở nhiều mà chồng chỉ học thói quen ngăn nắp được vài hôm. Xong cuối cùng thì đâu vẫn hoàn đó.

Lúc đầu được mẹ chồng rủ dọn dẹp là tôi nhiệt tình lắm. 1 là muốn ghi điểm ấn tượng, 2 là bản thân tôi cũng không ưa bừa bãi. Thế nhưng dọn hoài ai chịu nổi, với tần suất lau rửa liên tục của mẹ chồng thì tôi theo không kịp. Lắm hôm mệt tôi không làm cùng mẹ được, hàng xóm sang chơi lại bóng gió kêu “con dâu nằm ềnh cho mẹ chồng hầu”.

Nhiều người phật ý vì thói quen sạch sẽ của mẹ chồng tôi lắm. Từ họ hàng người quen đến chính ông xã tôi cũng phải kêu sạch quá hóa phiền. Lễ Tết đông khách đến nhà chơi, ai cũng ngại vì động tí là mẹ chồng tôi ra tay quét dọn. Vỏ hạt dưa hạt bí người ta cắn vài hạt mẹ cầm giấy ra gạt thùng rác luôn. Bánh kẹo trẻ con ăn rơi vãi miếng nào mẹ theo sau nhặt ngay miếng ấy. Ăn cỗ ở nhà mẹ, họ hàng biết tính nên mọi người toàn tự giác mang theo túi nilon để bỏ xương gà vỏ quả rồi xách đi vứt cho lẹ!

Bà nội ưa sạch sẽ khiến kỳ nghỉ hè 2 ngày của cháu ngập trong nước mắt - Ảnh 1.

Thực sự thì mẹ chồng tôi rất tốt, bà chu đáo và hiền lành. Chỉ duy nhất thói quen sạch sẽ làm tôi e ngại. Sau đợt ở cữ nhà nội tôi đã khóc với chồng rằng “Em thề không dám ở với mẹ lâu quá 2 ngày nữa”. Tại bà kỹ tính quá thằng Khoai cũng khổ. Bà giữ cháu đến mức chân thằng bé không chạm đất nổi. Lắm hôm quần áo bà giặt hết, gặp trời mưa nên Khoai chẳng còn gì mặc phải quấn chăn đi ngủ.

Cháu muốn chạy nhảy nghịch nọ nghịch kia bà cũng không cho. Đồ chơi của Khoai ngày nào bà cũng… đem luộc, bảo tiệt trùng cho đỡ bệnh. Có bữa thằng bé đói, khóc ngằn ngặt đòi ăn. Tôi nấu bột xong rồi nhưng bà thấy nồi để ngoài không đậy nắp nên bắt bỏ hết, sợ bụi bẩn ruồi bâu không biết lại mang cho cháu ăn sinh bệnh.

Chuyện nào cũng khiến tôi phát điên mà không dám cãi lại mẹ! Nhiều lần bố chồng tôi thấy không ổn cũng góp ý với bà một chút, nhưng nói được dăm ba câu thấy bà im im là ông hốt. Ông sợ bà tủi thân, sợ bà nghĩ ông trách móc nọ kia nên lại thôi.

Chồng tôi cũng chẳng dám ý kiến vì đúng ra sạch sẽ có phải xấu đâu. Từ bé đến lớn toàn tay mẹ chăm lo cho anh, quần áo chăn đệm thơm tho ngăn nắp nên anh không thể hé răng bảo mẹ bớt dọn bớt sạch đi được. Mẹ không bắt con dâu phải chăm chỉ giống bà là may lắm rồi, vợ chồng tôi cũng ở xa nên chúng tôi đành bảo nhau kệ vậy.

Song đến hôm rồi cho cu Khoai về quê, kế hoạch gửi nó 1 tháng chơi với ông bà nội đã "toang" ngay từ khi bắt đầu!

Con trai tôi giờ đã 6 tuổi, rất hiếu động và chạy nhảy khắp nơi. Cả năm rồi vợ chồng tôi bận rộn vì mục tiêu đổi nhà mới nên lâu lắm nó chẳng được về quê. Gặp lại ông bà nó hò hét ầm ĩ, cứ nhắm cái vườn quả với ruộng rau mà nghịch. Ông nội với bố còn rủ nó đi câu ngoài bờ mương, bẻ ngô với chặt tre về làm ống sáo nữa. Kết cục mới 2 ngày về quê con tôi đã bẩn thỉu rách quần, đứt dép liên tục.

Vợ chồng tôi chủ trương nuôi dạy con vui vẻ nên không cấm con chơi cái gì. Song bà nội Khoai thì không như thế. Thấy nó tha đất cát, lá bẩn ở vườn với mương về sân là bà nhăn mặt, xách chổi ra quét bằng hết. Nó trèo cây ổi vặt quả ăn bị bà mắng, chơi với con chó hàng xóm cũng bị bắt về kì cọ rửa tay chân cả tiếng đồng hồ.

Thằng Khoai khó chịu ra mặt. Nó cứ mếu máo hỏi tại sao bà nội không cho chơi cái này, vì sao bà nội bắt nó phải rửa tay. Thằng bé đang chơi dở ngoài ngõ cũng bị bắt về thay quần áo mới rồi ngồi 1 chỗ xem tivi. Được 5-10 phút là nó chán kêu ầm lên đòi chạy ra ngoài.

Rồi đỉnh điểm là nay Khoai muốn theo đám trẻ trong xóm đi bắt cua đồng. Nó chạy vào xin phép bố mẹ, dĩ nhiên chúng tôi đồng ý ngay. Nhưng bà nội nó đang nấu cơm trong bếp chạy ra lôi nó lại, nhất quyết bắt cháu ở nhà vì… sợ chơi xong bẩn thỉu.

Khoai giãy đành đạch lên đòi đi. Ông nội thương cháu nên cũng xin xỏ vài câu, còn hứa sẽ tắm rửa cho cháu ngoài sân thật sạch mới cho vào nhà. Song bà vẫn một mực lắc đầu.

- Nó lăn lộn nước bùn đầy vi trùng vi khuẩn, xong nhỡ cua cắp vào tay thì sao? 2 ông cháu có cọ sân cho tôi bao giờ đâu mà hứa với hẹn. Ở nhà thiếu gì cái chơi, không thì lấy bài tập hè ra mà làm. Lớp 1 mà cô giáo không giao bài tập à?

Nghe bà nhắc đến bài tập phát là thằng Khoai khóc như xả lũ! Nó lăn đùng ra đất đòi về chung cư khiến cả nhà cùng sốc.

Dỗ mãi mà con không nín, nó còn quăng phá đồ đạc lung tung. Tôi sợ con stress nên đành xin phép bố mẹ chồng dọn đồ quay lại thành phố gấp. Cả thằng Khoai lẫn bà nội đều không ai nhường ai, đứng ở giữa mà vợ chồng tôi khó xử vô cùng. Bênh con thì bà nội buồn, mà nghe theo bà nội thì thằng bé tổn thương.

Chúng tôi luôn mong con có một tuổi thơ trọn vẹn hạnh phúc, có bố mẹ, ông bà ở bên và được vui chơi thỏa thích. Nhưng có vẻ mọi thứ không được như ước nguyện.

Chuyến này quay lại thành phố thì kiểu gì thằng Khoai cũng rất lâu mới chịu về quê lần nữa. Kỳ nghỉ hè ngắn ngủi chưa đầy 36 tiếng ngập trong nước mắt chắc sẽ là nỗi ám ảnh khó quên với nó. Vợ chồng tôi đi làm suốt, ông bà ngoại cũng bận bán hàng. Tìm thuê bảo mẫu về trông nó nghỉ hè cũng không dễ. Không biết làm thế nào bây giờ…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại