Nhà hát đã được lãnh đạo TP quyết định xây dựng cách đây 20 năm
Sáng 11/10, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM đã có những trao đổi về những nội dung liên quan và lý do tại sao kỳ họp bất thường của HĐND TP thông qua dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch (HBSO) tại Thủ Thiêm (quận 2) với quy mô 1.700 chỗ ngồi, tổng kinh phí 1.508 tỷ đồng.
Theo bà Tâm, dự án nhà hát vừa được thông qua thuộc dự án nhóm A mà Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép HĐND TP HCM quyết định.
Về việc tại sao lại đầu tư dự án trong thời điểm này, bà Tâm cho hay, dự án Nhà hát HBSO đã được lãnh đạo TP quyết định xây dựng cách đây 20 năm và hiện nay, vấn đề đặt ra là chọn địa điểm sao cho phù hợp.
"Nguồn vốn thực hiện dự án nhà hát hiện chúng ta đã có nguồn tiền chỉ định mục tiêu của đấu giá mặt bằng ở Quận 1.
Tính khả thi của HBSO này chúng ta thấy rất rõ. Bởi TP HCM là thành phố lớn, quá trình hội nhập, phát triển đòi hỏi các thiết chế văn hóa đủ tầm để thu hút, giao lưu văn hóa của cả thế giới này chứ không chỉ riêng của thành phố.
Chưa kể trình độ dân trí của thành phố ngày càng nâng lên thì yêu cầu hưởng thụ văn hóa cũng cần phải đầu tư một cách xứng tầm và nhà hát giao hưởng này đáp ứng cho được cho yêu cầu đó", bà Tâm nhấn mạnh.
Liên quan đến vị trí đặt nhà hát tại khu vực Thủ Thiêm (Q.2), bà Tâm khẳng định, trong thiết kế, quy hoạch khu Thủ Thiêm đã có quy hoạch HBSO.
"Việc xây dựng này hoàn toàn theo quy hoạch chứ không phải tự nhiên đặt vị trí nhà hát tại Thủ Thiêm", bà Tâm nói.
Ảnh minh họa.
Chủ tịch HĐND TP HCM nêu rõ, không có chuyện TP chỉ tập trung đầu tư cho dự án nhà hát này mà xao nhãng đầu tư cho các công trình phục vụ y tế, giáo dục hay chống ngập.
"Thành phố đã đầu tư một Bệnh viện Nhi đồng và đang chuẩn bị đầu tư thêm 3 bệnh viện cửa ngõ với giá trị mấy ngàn tỷ đồng ở Hóc Môn, Thủ Đức... Ngoài ra, tiếp tục đầu tư cho Bệnh viện Ung bướu, chấn thương chỉnh hình...
Với giáo dục, mỗi năm, thành phố đều dành kinh phí xây dựng, sửa chữa mấy ngàn phòng học.
Đối với các công trình chống ngập hiện đang tiếp tục triển khai dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng hay các dự án giao thông được triển khai liên tục và nếu đi toàn thành phố sẽ thấy chỗ nào cũng đang làm đường, làm cầu.
Một thành phố không chỉ cần đầu tư hạ tầng mà cần phải đầu tư các thiết chế văn hóa để đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố", bà Tâm thông tin thêm.
Người giàu hay nghèo đều có thể thưởng thức nghệ thuật ở nhà hát
Người đứng đầu HĐND TP HCM chia sẻ, vài ngày qua, có một vài người gọi điện cho bà hỏi làm nhà hát cho ai, cho người giàu hay người nghèo.
"Tôi có trả lời là người giàu hay nghèo đều có thể thưởng thức được và nhà hát sẽ có tiền sảnh lớn phục vụ miễn phí nhiều chương trình nghệ thuật đại chúng.
Tuy nhiên, Nhà hát sẽ có những chương trình hàn lâm dành cho những người có đủ trình độ hiểu, nghe về nghệ thuật sẽ mua vé vào xem.
Ngoài ra, tôi cũng nói rõ, khi đầu tư xây dựng nông thôn mới, từng quận, huyện đều đầu tư xây dựng các thiết chế, công trình phục vụ văn hóa, công nhân có các câu lạc bộ, rạp chiếu phim được xã hội hóa...
Có thể nói, ở phân khúc nào, người dân thành phố cũng có những thiết chế văn hóa để phục vụ nhưng hiện nay chỉ thiếu thiết chế văn hóa mang tầm khu vực để có thể thu hút giao lưu từ các nhà hát lớn trên thế giới, khu vực, đất diễn hàn lâm cho các nghệ sĩ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp", bà Tâm bày tỏ.
Chủ tịch HĐND TP HCM nhấn mạnh thêm: "HBSO không phải phục vụ cho một vài năm, một vài chục năm mà mục tiêu xây dựng là phục vụ cho hàng trăm năm.
Do đó, việc đầu tư là cần thiết, cấp bách và 1.500 tỷ đồng không phải nhỏ nên phải cân nhắc rất kỹ lưỡng".
Bà Tâm nói thêm, trong quá trình triển khai, TP phải lắng nghe góp ý của người dân, nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý để xây dựng công trình nhà hát đảm bảo bền vững và HĐND sẽ giám sát chặt chẽ vấn đề này.