Là bác sĩ chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ da khá nổi tiếng tại Hà Nội, chị Lã Thanh Hà (thường được biết đến là bác sĩ Lã Hà) được các phụ huynh khác "hâm mộ" vì vừa có chuyên môn giỏi, vừa là một người mẹ dạy con tài ba. Cả 2 cô con gái của chị đều học tại Đại học Harvard (Mỹ) - ngôi trường đại học danh giá số 1 thế giới.
Bác sĩ Lã Thanh Hà
Cụ thể, con gái cả của chị Lã Hà là Tôn Hà Anh từng được 5 trường đại học danh giá trên thế giới trao học bổng toàn phần (Harvard, Princeton, Columbia, Brown và Wellesley). Hà Anh đã lựa chọn học Đại học Harvard. Rồi 7 năm sau, cô con gái thứ hai là em Tôn Hiền Anh cũng được nhận suất học bổng toàn phần tại ngôi trường lừng danh này.
Là mẹ của 2 cô con gái tài giỏi, khi được hỏi về bí quyết dạy con, bác sĩ Lã Hà cho biết mình không "dạy" mà chủ động làm gương trong học tập, nghiên cứu, hành động, giao tiếp và công việc, từ đó truyền cho các con nguồn cảm hứng đối với việc học hành, trau dồi tri thức.
1- Luôn đồng hành cùng con ngay từ bé
Với bác sĩ Lã Thanh Hà, cách giáo dục con là luôn cố gắng lồng ghép những bài học vào các câu chuyện cuộc sống thực tế. Nữ bác sĩ kể, ngày con gái đầu chừng 2 tuổi, giữa trưa hè cháy bỏng da, thấy con xoè tay khoe có quả cam. Mẹ hỏi con lấy cam ở đâu thì cô bé Hà Anh nói lấy ở chỗ bác bán cam đằng kia trong lúc mẹ đang bận rộn mua đồ trong chợ.
Ngay lập tức, chị Lã Hà bắt Hà Anh đi đem trả quả cam ấy lại cho người bán hàng. Đồng thời, chị giải thích cho con của mình rằng, để có một quả cam, các bác nông dân cần bỏ rất nhiều công sức, thời gian, với nhiều công đoạn chờ mãi mới ra được quả cam đi bán, sau đó lấy tiền mua gạo để nuôi gia đình.
Hà Anh và Hiền Anh – hai cô con gái rất tài năng và giỏi giang của chị Thanh Hà.
Đó chỉ một trong hàng nghìn những câu chuyện về cách dạy con của bà mẹ Hà Nội có 2 con đỗ Harvard. Bởi chị luôn tâm niệm, bản thân không nên gượng ép con phải làm thế này thế khác. Mà chính các bậc phụ huynh phải gieo lên trong các con những bài học đầu tiên về lòng yêu thương, tính nhân văn và trách nhiệm của mỗi con người đối với xã hội. Từ đó, cả Hà Anh và Hiền Anh dần khôn lớn, trưởng thành qua từng ngày!
Theo chị Lã Thanh Hà, đứa trẻ nào cũng ham chơi nên với các con thì cô luôn cố gắng theo con ngay từ đầu để tạo thói quen học hành.
"Khi con gái lớn Hà Anh bắt đầu đi học là lúc tôi sinh Hiền Anh. Khi ấy, tôi quay cuồng trong bỉm sữa, công việc nên gắng tranh thủ thời gian. Cứ mỗi chiều vừa nấu cơm vừa trông Hiền Anh thì Hà Anh phải kê bàn ngồi học cạnh mẹ ngay trong căn bếp"…
“Và rồi, khi Hiền Anh đi học cấp 1 là khi tôi lại đi học tiếp. Hai đứa luôn ngồi học cùng mẹ, vừa học vừa tranh thủ kèm cho các con. Có lần tôi mệt quá ngủ gật thì giật mình thấy Hà Anh hét toáng lên. Thì ra Hiền Anh lấy nước đổ lên đầu chị vì… hỏi bài mà chị mải học không trả lời”.
Cô con gái lớn của bác sĩ Thanh Hà – Tôn Hà Anh.
2- Xóa định kiến sinh con một bề là con gái
Bên cạnh đó, chị cũng kịch liệt phản đối cách giáo dục con bằng những lời mắng chửi hay sử dụng đòn roi. Bác sĩ Lã Hà chia sẻ: "Mỗi đứa trẻ sinh ra như những tờ giấy trắng, đúng - sai, phải - trái đều do bố mẹ, gia đình, thầy/cô giáo, xã hội...
Việc giáo dục bằng bạo lực, nếu đem ra để dạy con cái là điều không nên, bởi lẽ việc dạy như thế sẽ làm con vô cùng rối bời, không biết mình sai do đâu mà bị đánh... Chính vì vậy, mới có chuyện, có thể hôm nay con sợ nhưng ngày mai cháu lại tái diễn những điều không được làm ấy!.
Thay vì đánh con, các bậc phụ huynh hãy giải thích cho các con hiểu. Có thể một lần các cháu chưa hiểu, nhưng nhiều lần với nhiều ví dụ trong đời sống, tôi tin các con sẽ hiểu. Để rồi những lần sau, các cháu tránh và không tái phạm nữa!", bác sĩ Lã Hà nhắn gửi đến các bậc phụ huynh.
Với quan niệm đó, theo thời gian các con của vợ chồng chị Lã Hà dần lớn và sống yêu thương, hiếu thảo với mọi người, đặc biệt là ông bà nội. "Năm ấy, con gái tôi 3 tuổi, khi ông bước xuống cầu thang, cháu đã chạy lon ton lại và nói: 'Ông ơi! Ông vịn vào vai cháu mà đi cho khỏi ngã…'".
Sau đó, ông đã dành những lời khen ngợi cho đứa cháu của mình: "Con bé này còn nhỏ mà đã sống hiếu nghĩa". Có lẽ chỉ bằng những hành động nho nhỏ diễn ra hàng ngày như vậy, cũng giúp cho bố mẹ chồng tôi dần thay đổi quan điểm về việc sinh con gái không giúp ích gì được cho ông bà, bố mẹ mai sau. Từ đó, các cụ không những không gây áp lực về việc sinh thêm con trai mà còn rất yêu quý 2 cô cháu gái ngoan ngoãn hiếu thảo với ông bà", chị Hà kể.
Chị Lã Hà luôn ngưỡng mộ những người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, và mong muốn bản thân và các cô con gái của mình theo đuổi hình tượng trên.
Bên cạnh đó, bà mẹ Hà Nội có 2 con đỗ Harvard cũng chia sẻ thêm, trong xã hội hiện đại không chỉ có nhiều những người đàn ông giỏi giang, thành đạt mà chị em phụ nữ cũng không hề kém cạnh. Họ là những nhà chính trị gia nổi tiếng, doanh nhân vừa xinh đẹp, thông minh và vô cùng thành công. Chính những tấm gương ấy đã thôi thúc chị và các con luôn nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ. Bởi chị luôn quan niệm, bằng sự nỗ lực ấy thì mỗi người trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, để dần có bình đẳng giới, từ đó đem lại một xã hội tốt đẹp hơn!
"Trong văn hoá Việt Nam, có lẽ quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn chưa thể thay đổi! Nhưng nếu được, mỗi người trong chúng ta hãy thay đổi góc nhìn một chút, biết đâu sẽ trở nên hài hoà, phù hợp. Rồi lâu dần những định kiến ấy sẽ được xoá nhoà", chị Lã Hà chia sẻ.
3- Phải làm gương và gieo tình yêu học tiếng Anh trong con
Ngoài việc đồng hành cùng con thì các bậc làm cha mẹ còn phải vượt qua cám dỗ cho con. Với chị Thanh Hà thì… “Ngày nghỉ cuối tuần ai cũng muốn nghỉ ngơi, nhưng tôi cũng thôi vì hai con phải học thêm. Sáng trời có mưa tầm tã cũng phải đi học. Đến nơi cô bé còn gà gật không chịu xuống xe và lè nhè: 'Mẹ ơi đến rồi à…' đầy tiếc nuối”.
Bà mẹ giảng viên này còn chia sẻ thêm:
"Nhiều khi mình kỷ luật con nhưng chính mình cũng… sa ngã. Một mùa hè cách đây nhiều năm trước, nhà lần đầu có máy tính cài trò chơi. Hiền Anh rủ mẹ và chị cùng chơi, chơi cho vui nhưng thành ra thích quá.
Một thời gian ngắn tôi nhận ra trưa nào mình cũng chỉ mong về nhà thật nhanh để chơi cùng con. Cả mẹ lẫn con ngày nào cũng chơi rất đam mê. Tôi quyết định thu lại máy (dù bản thân cũng tiếc)".
Cô con gái út Tôn Hiền Anh
Theo quan điểm của chị Thanh Hà, trong việc dạy con, nếu mình không vượt qua được cám dỗ thì đừng nghĩ đến chuyện con trẻ nghe lời. Và tất nhiên, mình chơi game thì không thể bảo con đi đọc sách được!
Bởi có những tư tưởng cởi mở, tiến bộ cùng cách giải quyết hợp lý trong mọi vấn đề như vậy nên giúp chị có thêm được kiến thức và kỹ năng trong việc dạy con. Một phần được truyền lại từ truyền thống gia đình, một phần khác là do đọc sách. Bởi vậy, nữ bác sĩ luôn quan niệm rằng, sống nhờ giao tiếp xã hội, sống nhờ môi trường gia đình và sống nhờ rất nhiều vào đọc sách.
Theo bác sĩ Lã Hà, việc lựa chọn sách như thế nào lại vô cùng quan trọng! Có những thứ mình mất rất nhiều thời gian để đọc, để nghiền ngẫm. Cũng vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, chị đã định hướng cho các con đọc sách và coi đó là công việc cần thiết, việc nên làm vào mỗi sáng thức giấc.
Nữ bác sĩ đã chọn những quyển sách văn học nước ngoài và những cuốn có giá trị nhân văn, để gieo lên trong các con tình yêu thương về gia đình, quê hương, đất nước. Bởi chị cho rằng, những cuốn kinh điển ấy được viết ra và nổi tiếng như vậy thì người ta đã chắt lọc rất nhiều những tinh hoa trong đó. Chính vì vậy, ở nhà chị Lã Hà có sẵn một tủ sách, phần nhiều là sách văn học châu Âu như: "Những người khốn khổ", "Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà", "Hội chợ phù hoa", "Không gia đình," "Những tấm lòng cao cả"...
"Tôi không cho con của mình đi học tiếng Anh ở trung tâm! Bằng việc học hỏi kinh nghiệm của những phụ huynh đi trước, tôi được khuyên nên tìm những băng đĩa bằng tiếng Anh của người bản xứ cho các con nghe để luyện phát âm thật chuẩn.
Sau đó, tôi đã tự tay đi chọn những băng đĩa chuẩn người bản xứ để mua về cho con nghe. Khi có tình yêu với tiếng Anh, tôi thuê 1 cô giáo về nhà 1 tuần chỉ dạy các con 2 từ tiếng Anh, để các cháu nhớ từ vựng! Rồi lớn dần, các con tự học, đọc thêm các kiến thức về ngữ pháp….", chị Lã Hà tiết lộ bí quyết.
Chị Thanh Hà và ông xã hạnh phúc trong lễ tốt nghiệp năm 2017 của con gái lớn Hà Anh
Ngay từ khi còn nhỏ, gia đình luôn chú trọng đến việc đọc sách, đặc biệt là những tác phẩm văn học nước ngoài. Vì vậy, khi Hà Anh và Hiền Anh đã có một chút "vốn" tiếng Anh, các cháu đều tìm đến những cuốn sách nguyên bản được viết bằng tiếng Anh để đọc. Theo các con của chị Lã Hà thì cách này vô cùng hiệu quả, các con không chỉ nuôi dưỡng được đam mê đọc mà còn trau dồi thêm vốn ngoại ngữ: "Cả Hiền Anh và Hà Anh đều xem việc đọc sách tiếng Anh là một trong những cách học ngoại ngữ hiệu quả", chị Lã Hà cho hay.
4- Sử dụng phương pháp "lạt mềm buộc chặt"
Chị Lã Hà chia sẻ gia đình chị không ủng hộ phương pháp dạy con theo kiểu độc đoán hay bạo lực. Mà thường xuyên áp dụng việc viết bản kiểm điểm để giúp các con có cơ hội diễn giải lại sự việc và chủ động chỉ ra những điều cần khắc phục.
Và vấn đề ấy càng thể hiện rõ hơn trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày ở gia đình cô. Nữ giảng viên cho hay:
"Nếu giờ giấc của tôi có phần hơi lung tung vì còn phải trực đêm ở bệnh viện thì ông xã tôi vẫn dậy tập thể dục đúng 5h sáng mỗi ngày, dù mùa đông hay mùa hè. Và ông xã tôi cũng đã áp "kỷ luật thép" này lên cả hai đứa con. Nghỉ hè, các con vẫn phải dậy lúc 5h30 sáng để vận động, chơi thể thao, bắt đầu một ngày mới. Tôi cảm thấy xót con vì chúng ngủ không được tròn giấc, nhưng không thể phủ nhận là hai đứa con được rèn cho tính kỷ luật, giờ nào việc nấy vì phương pháp của ông xã".
Tôn Hà Anh rạng rỡ trong ngày lễ tốt nghiệp đại học của mình
5- Tôn trọng quyết định của con nhưng phải trong khuôn khổ
Ở thời điểm hiện tại, câu chuyện 2 cô con gái xinh đẹp, giỏi giang của chị Lã Hà đỗ trường Harvard khiến nhiều người ngưỡng mộ và thầm ước được giống vậy! Tuy nhiên, ít ai biết rằng, việc để cô con gái thứ 2 - Hiền Anh sang Mỹ theo học tại trường Đại học Harvard là một trong những quyết định khó khăn đối với vợ chồng chị.
"Vợ chồng tôi đã xa con gái đầu từ khi cháu 16 tuổi, bởi vậy khi con gái út ít đỗ Harvard, chúng tôi vừa mừng vừa thương con. Bởi không muốn tiếp tục phải xa con nữa, chỉ muốn Hiền Anh thi đỗ rồi học trường Đại học Y Hà Nội, để trở thành bác sĩ", chị Hà tâm sự.
Tiết lộ về lý do có phần "lạ đời" như vậy, chị Lã Hà chia sẻ: "Thứ nhất, tôi muốn con học gần nhà, được nhìn thấy con mỗi ngày. Thứ hai, tôi nhận thấy Hiền Anh là một người khéo tay, kiên trì, cẩn thận, có tư duy và biết yêu thương, đồng cảm với mọi người. Bởi vậy, nếu cháu trở thành bác sĩ cháu sẽ là người bác sĩ vừa có năng lực chuyên môn tốt, vừa có tâm với nghề".
Định hướng là vậy, song Hiền Anh vẫn âm thầm cố gắng, quyết định đi theo ngã rẽ của riêng mình. “Hai cô con gái tôi cũng khá bướng bỉnh, và để dạy hai cô con gái ương ngạnh này, tôi có một luật bất thành văn ở nhà là: Con sẽ được làm thứ con thích với hai điều kiện. 1 là khi đã chọn thì không được cả thèm chóng chán. 2 là con sẽ phải chấp nhận hậu quả nếu ba mẹ đã khuyên mà con không nghe.
Trước nguyện vọng của con, vợ chồng tôi đành tôn trọng. Chúng tôi chỉ nói với con rằng, hãy không ngừng cố gắng và nỗ lực để hoàn thành ước nguyện của bản thân nhé con!", chị Lã Hà cho hay.
Khoảnh khắc gia đình vô cùng ấm áp và hạnh phúc bên nhau.
Đến thời điểm hiện tại, việc để 2 cô con gái rời xa mái ấm gia đình sang Mỹ du học, chị Lã Hà lại cho rằng, đó là quyết định đúng đắn. "Tôi tin rằng, với những trải nghiệm và kiến thức mà các con đã học được, cả Hà Anh và Hiền Anh sẽ trở thành những người tốt. Tôi luôn ví các cháu như những hạt cát nhỏ, nếu ai cũng giống thế, đều cần mẫn làm việc, học tập và cống hiến thì sẽ tạo ra những giá trị cho cuộc sống", bác sĩ Lã Hà tâm sự.
Tổng hợp