Quan hệ giữa Belarus và Ba Lan lại rơi vào tình trạng căng thẳng khi Warsaw quyết định đóng cửa biên giới với Minsk một lần nữa, nối tiếp vụ việc năm ngoái khi chăng dây thép gai suốt dọc đường biên.
Giữa hai nước chỉ có một cửa khẩu dành cho người đi bộ và một tuyến đường bộ vẫn hoạt động, nhưng Ba Lan cảnh báo sẽ sớm đóng cửa.
Theo các chuyên gia nhận xét, điều này không chỉ gây hại cho Belarus mà còn tác động lên cả Nga và Trung Quốc.
Xét đến thực tế biên giới Ukraine - Belarus cũng đã bị đóng cửa từ tháng 2 năm ngoái, Minsk thực sự có nguy cơ bị phong tỏa. Không chỉ có vậy, Lithuania cũng tham gia các biện pháp hạn chế.
Cụ thể vào ngày 15/2/2023, Vilnius đã thông báo cho Minsk biết về việc đình chỉ hoạt động di chuyển đối với các đoàn tàu chở hàng đến lãnh thổ của mình qua trạm kiểm soát Stasilos.
Tới ngày 16/2/2023, Lithuania lại đơn phương ngừng hợp tác với Belarus để đảm bảo luồng vận chuyển qua biên giới không bị gián đoạn theo thỏa thuận được ký giữa hai quốc gia, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 4/11/2019.
Tại Minsk, các nhà chức trách Belarus đã bày tỏ sự giận dữ đối với Đại biện lâm thời Ba Lan tại nước này - ông Martin Wojciechowski, đồng thời quyết định hạn chế nhập cảnh đối với xe tải và xe đầu kéo của Ba Lan như biện pháp trả đũa.
Theo những gì chính phủ Belarus công bố, giờ đây các xe tải đăng ký tại Ba Lan chỉ được phép thực hiện hoạt động vận chuyển hàng hóa qua khu vực biên giới một cách cực kỳ hạn chế.
Phương tiện vận tải từ Ba Lan chỉ có thể đi qua các trạm kiểm soát bao gồm Kozlovich (khu vực Belarus - Ba Lan), Privalka và Benyakoni (khu vực Belarus -Lithuania), cũng như tại điểm thông quan Berestovitsa-TLC và khu vực chờ nhập cảnh Berestovitsa.
Trước diễn biến trên, nhà khoa học chính trị Aleksey Dzermant đã lưu ý, cuộc đối đầu ở biên giới sẽ gây ra những hậu quả to lớn không chỉ đối với Belarus và Ba Lan, mà còn cả Trung Quốc và Nga.
Theo vị chuyên gia, quyết định của Ba Lan có liên quan đến những căng thẳng gần đây trong đời sống chính trị khu vực, về cuộc xung đột Ukraine cũng như quan hệ quốc tế có liên quan.
"Chính quyền Belarus phản ứng một cách tương xứng khi chặn xe tải Ba Lan vào nước này, buộc các tài xế phải chuyển sản phẩm sang xe tải của Belarus để luồng hàng tiếp tục được lưu thông".
"Bây giờ Lithuania cũng đã tham gia vào tình huống căng thẳng. Rõ ràng đây là một phần trong chiến lược tổng thể của phương Tây nhằm hạ thấp 'Bức màn sắt', khiến các mối quan hệ thương mại, kinh tế và chuỗi cung ứng đối diện nguy cơ bị phá vỡ".
"Phương Tây đang cố gắng ngăn chặn chuỗi liên kết Á - Âu và mục tiêu của họ không chỉ là Minsk, đối tượng của các biện pháp gây căng thẳng nói trên bao gồm cả Nga và Trung Quốc".
"Các tuyến đường bộ bị phong tỏa là huyết mạch vận chuyển hàng hóa đến những quốc gia nói trên. Việc giảm khối lượng thông quan tại các cửa khẩu gây hại đến mức tối đa cho những nước liên quan", chuyên gia Dzermant nhận xét.
Trước câu hỏi Ba Lan có thể đóng các trạm kiểm soát còn lại hay không, nhà khoa học chính trị người Nga nhận xét: "Có nguy cơ như vậy, bởi vì tình hình hiện tại là rất cấp bách".
"Tuy nhiên Ba Lan cũng là một quốc gia quá cảnh và sẽ chịu thiệt hại lớn từ quyết định như vậy. Nếu tiếp tục chính sách phong tỏa biên giới họ sẽ mất rất nhiều thứ".
"Nhưng rủi ro đang tăng lên, chúng ta thấy ngày càng có nhiều vũ khí của Mỹ được cung cấp cho Ukraine qua Ba Lan, vì vậy Warsaw rất có thể sẽ leo thang và cắt đứt hoàn toàn các mối quan hệ với nước láng giềng", ông Aleksey Dzermant kết luận.