Ba Lan biết tên lửa do ai sản xuất?

Xuân Mai |

Ba Lan sáng sớm 16-11 (giờ địa phương) cho biết một tên lửa do Nga sản xuất đã rơi ở phía Đông nước này làm chết hai người, đây là lần đầu tiên vũ khí được cho là của Nga rơi xuống một quốc gia NATO kể từ khi diễn ra xung đột Ukraine.

Hình ảnh từ hiện trường ở thị trấn Przewodow, cách biên giới Ukraine khoảng 6,4 km về phía Tây. Ảnh: TVN

Hình ảnh từ hiện trường ở thị trấn Przewodow, cách biên giới Ukraine khoảng 6,4 km về phía Tây. Ảnh: TVN

Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Ba Lan xác định tên lửa này được sản xuất tại Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Andrzej Duda thận trọng hơn khi cho rằng các quan chức không biết liệu ai đã bắn nó hoặc nó được sản xuất ở địa điểm cụ thể nào. Ông nói rằng rất có thể do Nga sản xuất nhưng điều đó vẫn đang được xác minh.

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau đã triệu tập đại sứ Nga và yêu cầu giải thích chi tiết ngay lập tức. Theo đài CNN, hôm 15-11, Nga đã tấn công các cơ sở năng lượng của Ukraine bằng loạt tên lửa lớn nhất từ ​​trước đến nay, nhằm vào các mục tiêu trên khắp nước này và gây mất điện trên diện rộng.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo Ba Lan đã quyết định tăng cường giám sát không phận của mình, đồng thời xác nhận rằng Ba Lan đang cân nhắc khả năng yêu cầu tham vấn theo Điều 4 của Hiệp ước NATO.

Theo Điều 4 của Hiệp ước NATO, các bên sẽ tham vấn cùng nhau bất cứ khi nào một trong các bên cho rằng sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh của bất kỳ thành viên nào trong liên minh bị đe dọa. Các đồng minh NATO cũng đang điều tra thông tin cho rằng vụ nổ là do tên lửa của Nga "bị chệch hướng".

Ba Lan biết tên lửa do ai sản xuất? - Ảnh 1.

Phát ngôn viên chính phủ Ba Lan Piotr Muller nói với giới truyền thông sau khi xảy ra vụ nổ gần biên giới với Ukraine. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin AP, Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận Nga đứng sau "bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các mục tiêu gần biên giới Ukraine-Ba Lan" và cho biết trong một tuyên bố rằng các bức ảnh về hiện trường "không liên quan gì" đến vũ khí Nga.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, tuyên bố của các phương tiện truyền thông Ba Lan và các quan chức về vụ rơi tên lửa ở khu vực dân cư Przewodow là một hành động khiêu khích có chủ ý nhằm làm leo thang tình hình.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của các đặc phái viên liên minh quân sự này để thảo luận về các diễn biến gần biên giới Ukraine ở Ba Lan. Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết ông đã điện đàm với Tổng thống Duda sau thông tin trên, đồng thời tái khẳng định sự đoàn kết của Anh với Ba Lan. Ông Sunak đề nghị cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ cần thiết nào để khẩn trương xác định điều gì đã xảy ra.

Trong khi đó, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev tuyên bố vụ nổ ở Ba Lan là "không thể chấp nhận", cần phải được làm rõ ngay lập tức, cũng như có các biện pháp phù hợp.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel thông báo các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) có mặt tại các cuộc họp G20 ở Bali có thể sẽ nhóm họp trong ngày 16-11 để thảo luận về vụ nổ ở Ba Lan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại