Bà Hillary Clinton đã "hết bài" với ông Trump?

Ngọc Việt |

Cuộc đua vào chiến ghế Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đang gay cấn và có nhiều bất ngờ... cho đến khi ứng viên Donald Trump "tự ngã".

Trump "chai lỳ" trước loạt bê bối

Washington Post ngày 29/9 nhận định, với ứng cử viên Donald Trump dù có tiếp tục xảy ra những sự kiện tồi tệ hay những bê bối đã xảy ra trong quá khứ bị phơi bày thì với ông đều không thành vấn đề nữa.

Với việc phá vỡ các nguyên tắc của chính trị truyền thống, Trump đã gần như một mình chống lại cả hệ thống chính trị Mỹ, vậy nhưng cho đến giờ phút này ông ta vẫn đứng vững trên đường đua. Sự cừ khôi của Trump đã khiến các sự kiện không hay trở nên miễn nhiễm với ông.

"Hệ thống chính trị của chúng ta đã trở nên lỗi thời? Phải điều chỉnh những gì? Cấu trúc gia đình? Thừa kế xã hội? Thói quen tự hủy hoại? Phải làm sao thì Trump không nói. Song cử tri lại thích ông ta, tin tưởng ông ta như những gì ông ta nói", Washington Post bình luận.

Tờ báo Mỹ còn nhấn mạnh rằng, sau 15 tháng, sự hoài nghi về Trump đã đã trở nên quá phổ biến đến mức người ta gần như cảm thấy bình thường. Trump đã khiến cho hệ thống chính trị Mỹ như đang vận hành trong một thế giới khác - nơi tồn tại hình học phi Euclid, nơi mà sự kiện hết quan trọng, còn lịch sử và logic thì biến mất.

Sau cuộc đối đầu trực tiếp trên truyền hình lần thứ nhất, vị tỷ phú bị đánh tơi bời bởi việc gọi cựu Hoa hậu Hoàn vũ vốn Alicia Machado là "Miss Piggy" – Hoa hậu Lợn. Những tưởng Trump sẽ bị người ủng hộ quay lưng, thậm chí quay sang ủng hộ phe Dân chủ.

Nhằm cộng hưởng hưởng thêm công lực để quật ngã Trump, phe Dân chủ đã thúc đẩy và thành công việc khai thác điểm yếu trong vấn đề thuế của Trump từ vụ báo New York Times lật tẩy hồ sơ thuế báo lỗ hơn 900 triệu USD của Trump vào năm 1995 để né thuế thu nhập cá nhân suốt 18 năm.

Trước vụ việc "khủng khiếp" mà Trump giấu nhẹm hàng chục năm qua bị phơi bày, có lẽ người lạc quan nhất cũng không thể nhận định khả quan về cơ may của Trump. Vì vậy, ngay cả việc bà Clinton có bị ho trở lại cũng không khiến ủng hộ viên phe Dân chủ lo lắng.

Vậy nhưng tại buổi vận động tranh cử ở tiểu bang Colorado, ông Trump lại nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt từ những người ủng hộ tin rằng với việc né được cơ quan thuế hàng chục năm, ông đã thể hiện quá am hiểu luật thuế và có khả năng thay đổi hệ thống này.

Và scandal thuế nhanh chóng loãng đi và Trump vẫn "bình an vô sự", cho đến khi đoạn băng ghi lại những lời thô tục về ý định dâm ô phụ nữ có chồng của ứng viên này bị tung ra hôm thứ Sáu (7/10).

Bà Hillary Clinton đã hết bài với ông Trump? - Ảnh 1.

Dù có rất nhiều bê bối bị phanh phui nhưng Donald Trump vẫn được nhiều cử tri Mỹ tin tưởng và ủng hộ. (Ảnh Reuters)

Clinton buộc phải xa rời "di sản Obama"

Trong khi các đòn tấn công nhằm vào Trump chưa hiệu quả, trước khi tỉ phú tự sa lầy vì bê bối "dâm ô", bà Clinton đã lựa chọn phương án đoạn tuyệt với những di sản của Tổng thống Obama, vốn còn gây nhiều tranh cãi.

Song phương án này có thể là "con dao hai lưỡi" bởi một trong những thuận lợi nhất của Clinton khi tranh cử là được sự ủng hộ lớn từ đương kim Tổng thống. Ông Obama đã "lĩnh ấn tiên phong" trong chiến dịch ủng hộ cựu Ngoại trưởng.

Vợ chồng tổng thống Mỹ cùng "tiếp sức" bà Clinton trong đại hội đảng Dân chủ hồi tháng 7 là minh chứng rõ nhất. Mong muốn của Obama khi bà thắng cử là sự tiếp nối các chính sách dang dở, mà quan trọng nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Khó có thể nói rằng ông Obama không "hụt hẫng" khi bà Clinton lại công khai tuyên bố sẽ chống TPP tới cùng. Có lẽ vào giai đoạn nước rút hiện nay thì Tổng thống Mỹ có thể cảm nhận di sản của ông sẽ đi về đâu, dù đảng Dân chủ hay Cộng hòa thắng cử.

Bà Hillary Clinton đã hết bài với ông Trump? - Ảnh 2.

Việc bà Hillary chọn phương án B là quyết đoạn tuyệt với TPP khó có thể là quyết định chuẩn xác. (Ảnh : Internet)

Phụ họa thêm là việc cựu Tổng thống Bill Clinton phê phán Đạo luật chăm sóc sức khỏe cho người thu nhập thấp (ACA), còn gọi là Obamacare. Phát biểu tại cuộc vận động tranh cử cùng vợ ở Flint, bang Michigan, ông Clinton đã lên tiếng :

"Các bạn đã có một hệ thống điên rồ khi bỗng nhiên hơn 25 triệu người được hưởng lợi từ chính sách chăm sóc sức khỏe, trong khi những người còn lại phải quần quật làm việc, thường là 60 tiếng một tuần, trong hoàn cảnh phí bảo hiểm tăng gấp đôi còn phạm vi bảo hiểm thì giảm còn một nửa. Đó là điều điên rồ nhất trên thế giới".

Trong khi, nếu so sánh với TPP thì ObamaCare quan trọng không kém với cuộc đời làm Tổng thống của ông Obama.

Mặc dù chưa thể khẳng định phương án B của vợ chồng Bill và Hillary có hiệu quả tới mức nào, song dường như cựu Ngoại trưởng Mỹ đã hết bài tấn công đối thủ phe Cộng hoà để giành ưu thế tuyệt đối.

Cử tri Mỹ không thể không trăn trở trước động thái này.

Trong mắt cử tri, có lẽ ưu thế của Clinton có được qua cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ nhất chỉ còn là hình ảnh bà trong tư thế đĩnh đạc, lập luận có logic và khả năng điều tiết sự kiện; còn lần thứ hai là sự công kích nhằm vào scandal của Trump và ứng biến bình tĩnh trước các đòn phản công của đối thủ.

Những biện pháp mà cử tri trông đợi ở bà Clinton vẫn chưa thể nhận diện được.

Những động thái của Clinton tấn công vào bê bối của Trump và đoạn tuyệt với di sản của Obama đang chứng minh nhận định của Trump trong một một Hội nghị ở Bắc Dakota rằng: "Các chính trị gia đã sử dụng bạn để đánh cắp phiếu bầu của bạn. Họ không đưa cho bạn thứ gì cả", theo Washington Post.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại