Bà Clinton "giúp" Tập Cận Bình khởi động cuộc thanh trừng ở TQ?

Hải Võ |

Quyết định mà bà Hillary Clinton đưa ra vào tháng 2/2012 đã được phía Trung Quốc "cảm ơn", theo Washington Free Beacon (Mỹ).

Trang Washington Free Beacon ngày 6/9 đăng tải bài viết của ký giả chính trị nổi tiếng Bill Gertz nhắc lại vụ việc cựu Phó thị trưởng, Cục trưởng Cục công an thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, ông Vương Lập Quân đào tẩu tới Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, Tứ Xuyên ngày 6/2/2012 để xin tị nạn chính trị.

Sau đó, Vương được truyền thông Trung Quốc báo cáo là "tự nguyện rời khỏi" lãnh sự quán Mỹ, trong khi Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng thừa nhận có chuyến "viếng thăm" này.

Theo Bill Gertz, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đã chỉ thị cơ quan ngoại giao nước này tại Trung Quốc từ chối tiếp nhận Vương Lập Quân, đồng thời "trao trả" ông này cho phía Trung Quốc.

Washington Free Beacon cho hay, bà Clinton đã sử dụng email cá nhân để thảo luận vụ Vương Lập Quân cùng các trợ lý và quan chức ngoại giao Mỹ, và nhiều khả năng Bắc Kinh đã nắm trong tay nội dung này.

Đánh giá từ cách thức xử lý vụ ông Vương, đặc biệt khi ông này "mang theo nhiều tài liệu mật", tác giả Gertz cho rằng chính sách mà bà theo đuổi là duy trì quan hệ tốt với các lãnh đạo Trung Nam Hải, hơn thu thập các thông tin tình báo mà Washington cần có về "mối đe dọa đang lên mang tên Trung Quốc".

Bà Clinton giúp Tập Cận Bình khởi động cuộc thanh trừng ở TQ? - Ảnh 1.

Vương Lập Quân (sau) và Bạc Hy Lai - khởi nguồn "địa chấn chính trị" ở Trung Quốc năm 2012 (Ảnh: Reuters)

Trong cuốn hồi ký năm 2014 "Những lựa chọn khó khăn", ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ tiết lộ chính phủ Mỹ đã bằng lòng giữ bí mật vụ đào tẩu của Vương Lập Quân để giúp Bắc Kinh tránh được một bê bối đáng xấu hổ liên quan đến cuộc đấu đá chính trị nội bộ và tham nhũng, chỉ vài tháng trước khi nhà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm là Tập Cận Bình.

Bà Hillary từng phát biểu tại trung tâm nghiên cứu Chatham House của Anh, cho biết Vương Lập Quân "không thuộc bất kỳ diện cho phép tị nạn chính trị nào của Mỹ". Bà nói Vương có lý lịch "tham nhũng, hung bạo" và "là trợ thủ đắc lực của Bạc Hy Lai".

Trước khi scandal Vương Lập Quân nổ ra, ông này nổi tiếng với vai trò "nắm đấm thép" của Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai trong chiến dịch thanh trừng các băng nhóm xã hội đen ở thành phố này.

Ngày 15/3/2012, hơn 1 tháng sau vụ Vương Lập Quân, chính trường Trung Quốc chấn động với tin ông Bạc, nhân vật được gọi là "Hoàng tử đỏ" và có tiền đồ xán lạn không thua kém ông Tập Cận Bình, bị lập án điều tra do "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".

Bạc bị phanh phui việc sai khiến Vương tìm cách nghe lén các lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cố gắng hạ bệ ông Tập.

"Cơn địa chấn chính trị" leo thang khi ông Tập Cận Bình khởi động chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn vào năm 2013, với đỉnh điểm là vụ xử lý cựu "trùm an ninh" Trung Quốc Chu Vĩnh Khang tháng 7/2014.

Đầu năm 2015, nhà chức trách nước này đã không bác bỏ khi truyền thông đồng loạt đưa tin về cuộc mật đàm Chu Vĩnh Khang-Bạc Hy Lai, hé lộ hai ông này từng hẹn nhau "cùng làm một phen sự nghiệp".

Theo Washington Free Beacon, các nhà phân tích tình báo và chính sách ngoại giao Mỹ nhận định, bà Clinton đã lãng phí một cơ hội quá tốt để thu được những bí mật động trời của giới lãnh đạo Trung Quốc khi từ chối bảo hộ, dù là tạm thời, đối với Vương Lập Quân.

Các chuyên gia tin rằng Mỹ có thể đối phó tốt hơn với thái độ hung hăng, chèn ép mà Bắc Kinh thể hiện ở châu Á-Thái Bình Dương, nếu như có trong tay các tài liệu của Vương.

Vương Lập Quân đã không cho phía Mỹ xem các tài liệu, ông ta muốn dùng nó làm "bùa hộ thân" trong trường hợp rơi vào tay Trùng Khánh.

Bill Gertz cho biết, Hillary Clinton thừa nhận khi đó bà không thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng của vụ Vương Lập Quân nên đã thỏa thuận giữ bí mật với phía Trung Quốc để tránh biến động xảy ra tại Đại hội 18 của ĐCSTQ vào mùa thu năm 2012.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại