Các mẫu răng hoá thạch của các mập cổ đại được tìm thấy tại nghĩa địa cá mập dưới đáy biển Tây Australia. Nguồn: 9news
Ẩn sâu bên dưới bề mặt đại dương, ngoài khơi bờ biển phía Tây Australia, các nhà khoa học đã tìm thấy một nghĩa địa cá mập khổng lồ, với hàng trăm ngàn mẩu xương và những chiếc răng hóa thạch, đồng thời cũngphát hiện ra một loài động vật ăn thịt biển mới thuộc họ cá mập.
Giữa nghĩa địa đầy cát, các nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu hải dương thuộc Bảo tàng Tây Australia đã tìm thấy dấu vết của loài cá mập cổ đại Megalodon, được cho là có chiều dài từ 15 - 18 m. Phần lớn thông tin về loài này vẫn còn là điều bí ẩn, do cá mập có bộ xương sụn khó có thể bảo quản tốt, hầu hết các dấu vết về loài cá mập cổ đại này được tìm thấy thường chỉ là răng và đốt sống. Việc phát hiện ra một quần thể nghĩa địa của loài cá mập lớn như vậy có thể giúp các nhà khoa học thu thập nhiều thông tin và mẫu vật hơn nhằm giải mã những bí ẩn của đại dương và đặc biệt là về loài Megalodon, một trong những loài động vật ăn thịt khổng lồ đáng sợ nhất thời cổ đại.
Các nhà khoa học Australia đang tiến hành nghiên cứu về loài cá mập nhám sừng sọc mới phát hiện taị Tây Australia. Nguồn: 9News
Ngoài những kết quả thu được từ nghĩa địa cá mập, các nhà khoa học còn tìm ra một loài cá mập mới, chỉ được phát hiện ở Australia, sống ở vùng nước sâu hơn 150 m. Theo Tiến sĩ Will White, một chuyên gia về cá mập từ Bộ bảo tồn cá quốc gia Australia, đây là một loài cá mập sừng nhỏ, có sọc nổi bật chỉ có ở Austalia, nhưng nó vẫn chưa được mô tả và đặt tên./.