Sản xuất điện năng là một trong những lý do gây ra tình trạng nóng lên của trái đất vì vậy trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đang tìm mọi cách có thể sản xuất được điện năng nhưng tối thiểu hóa tác động tới môi trường. Và một trong những nỗ lực mới nhất đó là phát hiện của các nhà khoa học Australia về một loại phân tử có thể chuyển không khí thành điện.
(Ảnh minh họa: EU Observer)
Theo ông Rhys Grinter, người phụ trách phòng thí nghiệm Grinter Lab, các nhà khoa học đã phát hiện ra 1 phân tử mới có trong đất và đặt tên là Huc. Các nhà khoa học đã nuôi cấy rất nhiều vi khuẩn có chứa phân tử Huc, sau đó cô lập Huc và phát hiện Huc có thể cung cấp năng lượng cho một mạch điện nhỏ chỉ bằng cách sử dụng không khí. Dòng điện được sản sinh từ một phản ứng hóa học xảy ra bên trong Huc trong quá trình phân tách các phân tử hydro. Thí nghiệm này chứng tỏ phân tử Huc có thể sử dụng hydro trong không khí để tạo ra điện. Với kết quả này, ông Rhys Grinter hy vọng Huc có thể trở thành một nguồn năng lượng vô tận.
Vấn đề hiện tại cần khắc phục đó là việc thiếu hydro trong không khí. Hiện tại lượng hydro trong không khí có hạn khi chỉ chiếm 0,0005% không khí vì thế để sản xuất năng lượng quy mô lớn thì cần có nguồn cung hydro lớn và ổn định.
Vấn đề thứ hai mà nhóm nghiên cứu đang quan tâm hiện nay đó là việc lưu trữ năng lượng do Huc tạo ra. Ông Rhys Grinter cho biết, nếu có thể tạo ra một loại pin thì năng lượng được sản sinh từ Huc có thể được sử dụng cho đồng hồ thông minh, điện thoại thông minh và một ngày nào đó là cả ô tô chạy bằng hydro./.