Australia đau đầu khi "bắt cá hai tay" với Trung Quốc và Mỹ

Thi Anh |

"Trước hành động của Trung Quốc trên biển Đông, cần đặt ra câu hỏi, đâu là điểm bắt đầu và đâu là kết thúc?" - trích cẩm nang cho nghị sĩ Australia.

Cuộc tranh luận xung quanh "lựa chọn Trung Quốc" của Australia đang nhận nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây, bởi có thể dễ dàng nhận thấy sự bối rối của Chính phủ Thủ tướng Malcolm Turnbull trước các dự án có liên quan tới Trung Quốc.

Trong khi Mỹ là đồng minh lâu năm của Australia thì Trung Quốc lại là yếu tố trung tâm dẫn tới sự thịnh vượng của Canberra, đồng thời giữ vai trò điều tiết giúp nước này vượt qua 2 cơn suy thoái toàn cầu.

Cho tới thời điểm hiện tại, Washington vẫn chưa phản ứng về sự "thân thiết" giữa đồng minh của mình ở châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Kinh nhưng các nhà quan sát thì cho rằng Canberra sẽ phải sớm xác định rõ vị trí của mình.

"Tôi nghĩ Australia cần đưa ra lựa chọn. Rất khó để có thể giữ thăng bằng giữa vai trò đồng minh của Mỹ và quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc", Thượng tá Tom Hanson, Trợ lý Tham mưu Trưởng Quân đội Mỹ phát biểu trên đài phát thanh Australia.

"Australia sẽ phải quyết định xem bên nào đem lại lợi ích quốc gia sống còn đối với mình", ông Hanson nói, đồng thời nhấn mạnh, đây là quan điểm của cá nhân ông, không phải của Chính phủ Mỹ.

Bình luận được đưa ra sau khi Quốc hội Australia phát hành một cuốn cẩm nang cảnh báo các nghị sĩ Australia nên cẩn thận khi "làm việc" cùng Trung Quốc và xem xét kỹ lưỡng các động thái liên quan tới đầu tư của nước này trong khu vực.

"Cẩm nang" khuyến cáo về Trung Quốc

Do các quan chức Australia chắp bút, cuốn cẩm nang 205 trang đã được phát ngay trước buổi họp quốc hội nước này vào hôm qua, 31/8. 

Trong đó nhấn mạnh: "Thành lập một khối do Trung Quốc dẫn đầu trên phạm vi Á-Âu để đối đầu với Mỹ" là mục tiêu lâu dài của dự án "Một vành đai, Một con đường" mà Trung Quốc vạch ra, bao gồm cả hoạt động đầu tư ở Bắc Australia.

"Một số người cho rằng đây là một thách thức thực sự đối với tình trạng kinh tế, chính trị toàn cầu. Australia cần có một thái độ khôn ngoan khi tính tới hướng phát triển của mối quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc".

Cuốn cẩm nang đã đặt ra một vấn đề đáng phải suy nghĩ.

"Sự trỗi dậy và nỗ lực theo đuổi (cái gọi là) 'lợi ích hợp pháp' của Trung Quốc hiện đang có được sự ủng hộ của Chính phủ Australia." 

Tuy nhiên, "trước những hành động gần đây của Bắc Kinh trên biển Đông thì cần đặt ra câu hỏi: Đâu là điểm bắt đầu và đâu là điểm kết thúc của những 'lợi ích hợp pháp' ấy - liệu có gồm cả việc thiết lập một 'vùng ảnh hưởng' không?"

Hiện nay, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, đồng thời là một nguồn đầu tư nước ngoài đáng chú ý. Theo thống kê của ĐH Sydney, chỉ trong năm 2015 Bắc Kinh đã chi 11,1 tỉ USD cho tài sản ở Australia, chủ yếu là bất động sản.

Australia đau đầu khi bắt cá hai tay với Trung Quốc và Mỹ - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản Australia là một trong những lĩnh vực được Trung Quốc đầu tư nhiều.

Tuy nhiên, gần đây, hoạt động đầu tư và thậm chí là tài trợ của Trung Quốc đang khiến giới chức Canberra lo ngại về khả năng Bắc Kinh sử dụng "quyền lực mềm" tại Australia.

Hãng thông tấn ABC cho hay: Mới đây, Tổng giám đốc Cơ quan Tình báo An ninh Australia, Duncan Lewis đã trình bày với các quan chức cấp cao khác về những nguy cơ đối với an ninh quốc gia từ các khoản tài trợ nước ngoài . 

Ông Lewis cho rằng, các khoản tiền này nhiều khả năng có liên quan tới Chính phủ Trung Quốc.

Số tiền này bao gồm các khoản tài trợ cho chính trị gia, trường đại học, làm gia tăng sự hiện diện của các phương tiện truyền thông sử dụng tiếng Hoa và mua nhiều "đất" trên các kênh thông tin phổ biến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại