'ATACMS sẽ bị đánh chặn dễ dàng như HIMARS, Storm Shadow'

Kiên Bùi |

Lực lượng phòng thủ Nga có đủ khả năng để dễ dàng tiêu diệt tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ mà Ukraine có thể nhận được trong thời gian tới.

ATACMS sẽ bị đánh chặn dễ dàng như HIMARS, Storm Shadow - Ảnh 1.

Hệ thống HIMARS được sử dụng để phóng ATACMS.

Tuyên bố được cựu chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ Brian Berletic cho biết trong cuộc phỏng vấn với The New Atlas, về mặt lý thuyết, những tên lửa như ATACMS cho phép Ukraine cố gắng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

"Moskva đã quen với loại vũ khí này. Hơn nữa, người Nga có thể đánh chặn loại vũ khí như họ đã đánh chặn các tên lửa HIMARS, Storm Shadow, họ sẽ đánh chặn ATACMS", ông Brian Berletic nói.

Ông Brian Berletic lưu ý rằng Mỹ đã công khai thừa nhận rằng họ sẽ gửi những tên lửa đó cho Lực lượng Vũ trang Ukraine, vì vậy điều này sẽ không gây ngạc nhiên cho Điện Kremlin nếu chúng thực sự xuất hiện.

"Người Nga đã củng cố sức mạnh của mình trong một số lĩnh vực. Moskva đã sẵn sàng đối phó với vũ khí như ATACMS từ lâu", ông Brian Berletic cho biết thêm.

Nhận định của ông Brian Berletic được đưa ra sau khi tờ Wall Street Journal tiết lộ Mỹ có thể sớm phê duyệt việc cung cấp tên lửa chiến thuật ATACMS cho Kiev, quyết định mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoãn lại từ lâu do lo ngại leo thang xung đột với Nga.

Đánh giá về khả năng ATACMS có thể được cung cấp cho Ukraine, chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov nói: "Những tên lửa này sẽ tăng cường hỏa lực trong giai đoạn mới của cuộc phản công của Ukraine. Các tên lửa này sẽ gây ra khó khăn cho chúng tôi, điều này không thể phủ nhận".

Ông Leonkov cho biết thêm rằng, việc các phương tiện truyền thông đưa tin về quyết định cung cấp ATACMS cho Ukraine là bằng chứng gián tiếp cho thấy rằng, các tên lửa này sẽ sớm được đưa đến Kiev.

"Tất nhiên, ATACMS gây nguy hiểm cho chúng tôi, nhưng bây giờ chúng tôi trước hết phải nghĩ đến việc phá hủy các bệ phóng HIMARS mà từ đó các tên lửa này sẽ được phóng, cũng như xác định và phá hủy các kho chứa những vũ khí này", chuyên gia lưu ý.

Chuyên gia Leonkov còn nhấn mạnh rằng, những tên lửa ATACMS có thể bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không Tor-M2 và Buk-M2/M3 của Nga, nhưng đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, bởi vì các bệ phóng ATACMS sẽ được triển khai ở khoảng cách xa các hệ thống phòng không của Nga.

Tên lửa ATACMS được Mỹ tạo ra vào giữa những năm 1980 vào lúc hoàng hôn của Chiến tranh Lạnh và được đưa vào phục vụ trong Quân đội Mỹ đầu năm 1991, đúng thời điểm diễn ra cuộc chiến do Mỹ lãnh đạo chống lại Iraq thời Tổng thống Saddam Hussein.

Tên lửa ATACMS được thiết kế để hoạt động với nhiên liệu rắn. Tên lửa có tầm bắn hiệu quả lên tới 300 km và vận tốc tối đa trong giai đoạn tăng tốc lên tới Mach 3 khiến chúng khó bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng không thế hệ cũ.

Các đặc điểm của ATACMS rất khác nhau tùy thuộc vào biến thể, số khối và cấu hình. Ví dụ, chúng có thể được trang bị đầu đạn phân mảnh nổ mạnh 230 kg, chúng cũng có thể được trang bị các chất nổ khác có trọng lượng từ 160 đến 560 kg, bao gồm cả bom chùm.

Ngoài ra, còn có sự khác biệt đáng chú ý trong hệ thống dẫn đường của vũ khí, với các biến thể cũ hơn dựa trên dẫn đường quán tính, trong khi các tên lửa mới hơn bao gồm GPS tích hợp.

Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng việc gửi ATACMS tới Ukraine sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ leo thang và thậm chí có thể dẫn đến đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và Mỹ.

Clip Mỹ phóng ATACMS trong cuộc tập trận tại Australia hồi tháng 8

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại